Với việc “vé chợ đen” The Eras Tour của Taylor Swift đang bán tràn lan với mức giá “trên trời” thì các dự luật đã được đưa ra ở 20 tiểu bang của nước Mỹ nhằm giải quyết tình trạng này.
Không thể phủ nhận được sức hấp dẫn của The Eras Tour của Taylor Swift khi mỗi lần cô nàng đến với đất nước nào thì nơi đó luôn trong tình trạng “bán vé”. Cũng bởi lượng vé “cháy quá nhanh mà số lượng người chưa mua được vé còn rất nhiều vì vậy đây là cơ hội rất tốt để thị trường “chợ đen” lộng hành.
Giá vé ban đầu được niêm yết trên trang web chính thức của Taylor Swift thường dao động từ 200 USD đến 500 USD. Tuy nhiên, trên thị trường chợ đen, giá vé được đẩy lên cao ngất ngưởng, có thể lên đến hàng nghìn USD. Điều này khiến nhiều người hâm mộ, đặc biệt là những người có thu nhập thấp, không thể tiếp cận được với thần tượng của họ.
Để giải quyết vấn đề này, nhiều quốc gia và khu vực đã và đang triển khai các biện pháp chống vé giả, giá “cắt cổ” trong đó có “Đạo luật Taylor Swift”. Tại Mỹ, các dự luật được đưa ra ở 20 bang nhằm giải quyết hoạt động bán vé giả, gian lận tại các sự kiện âm nhạc, theo Hội nghị Quốc gia của các Cơ quan Lập pháp Tiểu bang.
Tiểu bang Maryland tuyên bố việc “cò vé” sẽ bị coi là bất hợp pháp kể từ ngày 1/7, ai vi phạm phải chịu phạt. Ở Illinois, lệnh cấm đầu cơ vé đã được Thượng viện bang thông qua. Hạ viện Colorado thông qua luật tương tự, song yêu cầu minh bạch hơn về giá cả, đồng thời cấm các trang web có thiết kế bắt chước kênh bán vé hợp pháp vì điều này đánh lừa người tiêu dùng, khiến họ nghĩ mình đang mua trực tiếp từ nền tảng chính thống.
Sự ra đời của “Đạo luật Taylor Swift” ở tiểu bang Arizona đang gây chú ý. Luật cấm mua nhiều vé hơn mức cho phép đối với show nhạc công cộng hoặc sự kiện khác; cấm sử dụng nhiều địa chỉ IP hoặc tài khoản email để cố gắng mua nhiều hơn mức cho phép; cấm dùng công cụ vô hiệu hóa mã bán trước, thời gian chờ đợi hoặc hàng đợi điện tử…. Người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 10.000 USD đến 100.000 USD.
Mới đây tại bang Minnesota (Mỹ), một dự luật mới đã được được thống đốc Tim Walz ký ban hành trong tuần vừa qua, yêu cầu người bán lại vé phải tiết lộ tất cả chi phí khi chuyển nhượng vé và cấm hành động bán khống nhiều hơn một vé của những kẻ lừa đảo.
Tên gọi chính thức của điều luật này là House File 1989 – có chứa năm sinh cũng như tựa đề của 1 album từ Taylor Swift. Buổi ký sắc lệnh được tổ chức tại nhà hát First Avenue nổi tiếng, nơi từng chứng kiến nhiều màn trình diễn của những huyền thoại âm nhạc, chẳng hạn Prince.
Đại diện của đảng Dân chủ ở Hạ viện – Kelly Moller – tác giả chính của dự luật, cho biết: “Chưa bao giờ trong những giấc mơ điên rồ nhất của mình, tôi lại tin rằng dự luật House File 1989 sẽ được thông qua tại First Avenue”. Động cơ đưa ra dự luật của nữ nghị sĩ xuất phát từ trải nghiệm cá nhân, khi Moller cũng nằm trong số hàng nghìn người bị mắc kẹt vì hệ thống của Ticketmaster quá tải vào năm 2022.
Dự luật này tại Minnesota có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 và áp dụng cho vé được bán kể từ ngày đó.
“Đạo luật Taylor Swift” đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng nghệ sĩ và người hâm mộ. 250 nghệ sĩ nổi tiếng, bao gồm: Billie Eilish, Finneas O’Connell, Green Day và Fall Out Boy đã lên tiếng ủng hộ dự luật “Người hâm mộ là trên hết” tương tự đang chờ Thượng viện Mỹ thông qua.
Backstage News
Theo Sky News