Nếu thấy một người nghệ sĩ hát dưới mưa trong sự kiện, có lẽ một số khán giả sẽ thắc mắc về việc liệu micro có chức năng chống nước để giúp nghệ sĩ thực hiện màn trình diễn hay không.
Về cơ bản, nếu micrô không được kết nối và không có điện chạy qua (đặc biệt đối với cả micrô chạy bằng pin), nước sẽ không gây ra bất kỳ hư hỏng về điện nào.
Ngoại trừ các loại micro được thiết kế để ghi lại âm thanh dưới nước thì micro không có khả năng chống nước một khi đã kết nối nguồn điện.
Nước trong cuộc sống hàng ngày (kể cả nước mưa) đều không tinh khiết và bị nhiễm khoáng chất dẫn điện. Do đó, nếu có dòng điện (bao gồm tín hiệu mic và nguồn điện cho các bộ phận mic đang hoạt động) chạy vào micro tiếp xúc với nước thì có thể sẽ gây chập điện. Ngoài ra, nếu dòng điện quá mạnh sẽ làm hỏng nghiêm trọng các thiết bị điện tử.
Cụ thể hơn, nước có thể làm hỏng các mạch điện tử bên trong thiết bị, đặc biệt là khi nước tiếp xúc với pin hoặc các vùng có điện trong micro. Bên cạnh đó, nguyên nhân hiện tượng hư hỏng này xảy ra do việc dẫn điện trong nước gây ra sự ngắn mạch hoặc do nước đã tác động vào các linh kiện điện tử nhạy cảm.
Hiện nay, các loại micro phổ biến dùng trong biểu diễn âm nhạc, nghệ thuật sẽ bao gồm hai loại: Micro cầm tay và đeo tai. Đối với loại cầm tay, việc chống nước vẫn sẽ tương đối tốt trong trường hợp mưa phùn/nhỏ, nếu điều kiện thời tiết xấu như mưa quá lớn, micro cầm tay sẽ bị hỏng hóc. Đối với loại micro đeo tai, loại micro này đã có những bước cải tiến mạnh mẽ hơn so với loại cầm tay, hoàn toàn có khả năng chống nước khi sử dụng để biểu diễn dưới mưa lớn, tuy nhiên, nếu loại micro này ngâm nước quá lâu và ở mực nước dưới 1m cũng không thể tránh khỏi tình trạng hỏng hóc tương tự.
Vì vậy, nếu thấy một nghệ sĩ trực tiếp ngâm micro cầm tay xuống nước, chiếc micro đó hẳn chỉ là một loại phụ kiện, đạo cụ chứ không thể thực sự được sử dụng để hát. Thứ âm nhạc phát ra từ màn biểu diễn lúc đó là âm thanh đã phải thu âm từ trước để phục vụ cho tiết mục biểu diễn.
Ngoài ra, mặc dù không ảnh hưởng mạnh như nước, độ ẩm cũng là một yếu tố có thể tác động tiêu cực đến micro. Độ ẩm thông thường (dưới 70%) thường không gây ra bất kỳ vấn đề nào. Tuy nhiên, việc để micrô tiếp xúc với độ ẩm kéo dài trên 70% có thể dẫn đến các vấn đề sau:
- Ăn mòn: Gây ảnh hưởng tới các bộ phận kim loại của micro và thậm chí cả các chất liệu nhựa từ màng lọc nhựa và bọt tiêu âm.
- Chập điện: Độ ẩm cũng có thể gây ảnh hưởng tới mạch điện tương tự như nước.
- Gây chập tụ điện và cản trở, làm nhiễu tần số âm thanh.
Do đó, dù là micro dùng pin, dây kết nối hay không dây, người làm sự kiện đặc biệt là vị trí quản lý micro cho nhiều mục đích luôn cần lưu ý bảo vệ phòng tránh loại thiết bị này tiếp xúc với nước để ngăn chặn nguy cơ hư hỏng và đảm bảo tuổi thọ của chúng.
Backstage News
Theo My New Microphone