Trong bối cảnh bùng nổ công nghệ, sự cạnh tranh của các loại hình giải trí hiện đại, khó khăn về cơ sở vật chất, cơ chế hoạt động, đặc biệt là nhân lực sáng tạo ở một số loại hình nghệ thuật… là thách thức cấp bách cần giải quyết để các nhà hát lấy lại sức hút với khán giả.
Sân khấu là một loại hình sáng tạo nghệ thuật, do vậy, mỗi tác phẩm ra đời đều phải gắn với sự tìm tòi, đổi mới. Thủ pháp nghệ thuật luôn được đổi mới chính là tiền đề tạo ra sức hút của tác phẩm, thu hút người xem.
Nguồn lực sáng tạo hạn hẹp
Những năm qua, hệ thống đơn vị nghệ thuật (nhà hát) trên cả nước phát triển với quy mô, loại hình, tính chất khác nhau, về cơ bản đã đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Các nhà hát quy mô quốc gia và vùng hiện nay chủ yếu phân bố ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Tại một số đô thị trung tâm vùng kinh tế – xã hội, đô thị loại I đã xây dựng được một số nhà hát có quy mô lớn, hiện đại, đủ điều kiện tổ chức sự kiện cho vùng và quốc gia…
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2023, các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn đã hoàn thành 1.153 vở diễn sân khấu, chương trình ca múa nhạc, tiết mục nghệ thuật mới dàn dựng và 671 vở diễn, chương trình, tiết mục sửa chữa và nâng cao. Tổng số buổi biểu diễn trong năm là 8.019. Ước tính số người xem biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp trong năm là hơn 154,8 triệu người. Doanh thu của các đơn vị nghệ thuật công lập đạt hơn 78,7 tỷ đồng.
GS.TS. Từ Thị Loan, nguyên Quyền Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam nhận định, so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam là đến năm 2030 đạt khoảng 31 triệu USD thì con số này khá khiêm tốn (tất nhiên chưa kể đến nghệ thuật biểu diễn khu vực tư nhân). Nhìn chung, trong cơ chế kinh tế thị trường, chỉ những đơn vị nghệ thuật gắn với các loại hình nghệ thuật đương đại mới có thể có nhiều khán giả và doanh thu tốt, như: Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam; Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam; Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam…
Các nhà hát gắn với các loại hình nghệ thuật truyền thống như chèo, tuồng, cải lương… nhìn chung lao đao, khó khăn chồng chất trong cơ chế tự chủ (cá biệt là các nhà hát múa rối có doanh thu tốt do hấp dẫn được khách du lịch và lưu diễn nước ngoài nhiều). Các nhà hát gắn với các loại hình nghệ thuật biểu diễn cổ điển, thính phòng do tính chất kén khán giả, nên doanh thu cũng rất khó khăn.
Hầu hết các nhà hát có sân khấu nhỏ hẹp, trang thiết bị nghèo nàn, lạc hậu, khiến cho sức hấp dẫn của các vở diễn, chương trình nghệ thuật bị ảnh hưởng… Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tính đến tháng 12.2023 trên cả nước có 106 đơn vị biểu diễn nghệ thuật, tuy nhiên nhiều đơn vị không có nơi biểu diễn riêng.
Chất lượng nghệ thuật là quan trọng nhất
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị nghệ thuật, đặc biệt là các nhà hát ở trung ương, PGS.TS. Nguyễn Thị Anh Quyên cho rằng, đầu tiên và quan trọng nhất là tăng cường chất lượng của các sản phẩm nghệ thuật và dịch vụ đi kèm. Các nhà hát cần xây dựng những tác phẩm, vở diễn đạt chất lượng cao về nghệ thuật, có khả năng phản ánh, dự báo đời sống xã hội, đáp ứng nhu cầu của công chúng; đồng thời mang tính tư tưởng và định hướng thị hiếu khán giả.
Bên cạnh đó, khi xây dựng các tác phẩm nghệ thuật cần phân tích và cân nhắc mọi khía cạnh như thể loại, chủ đề, kịch bản, đạo diễn, diễn viên, địa điểm biểu diễn, thời gian biểu diễn, giá vé… Ngoài những sản phẩm cốt lõi như tác phẩm nghệ thuật xuất sắc, các nhà hát cần xây dựng những sản phẩm gia tăng, sản phẩm phụ trợ để quá trình trải nghiệm/thưởng thức nghệ thuật của khán giả tốt hơn.
Theo GS.TS. Từ Thị Loan, cần có các giải pháp đồng bộ, toàn diện, căn cốt, từ cơ chế, chính sách đến nguồn nhân lực, tài chính cũng như sự hỗ trợ về cơ sở vật chất, trang thiết bị, từ đó mới kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khai thông điểm nghẽn để các nhà hát Việt Nam có thể chuyển mình và cất cánh.
“Tác phẩm nghệ thuật của các đơn vị sự nghiệp công lập cùng lúc phải mang nhiều nhiệm vụ. Một mặt, vừa phải hoàn thành nhiệm vụ chính trị; định hướng thẩm mỹ cho công chúng; bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống… Mặt khác, vừa phải mang tính giải trí, doanh thu tốt để thực hiện quá trình tự chủ. Đây là một nhiệm vụ “kép” vô cùng khó khăn” – NSND Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam nêu quan điểm. Bởi vậy, ông kiến nghị Nhà nước đầu tư nâng cao năng lực toàn diện cho các đơn vị nghệ thuật truyền thống; đầu tư xây dựng nhà hát biểu diễn hiện đại, đáp ứng yêu cầu tình hình mới; có cơ chế, chính sách nâng cao đời sống cho văn nghệ sĩ; khuyến khích đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao cho nghệ thuật truyền thống; kêu gọi và có chính sách đãi ngộ cho tổ chức, cá nhân doanh nghiệp đầu tư phát triển văn hóa nghệ thuật…
Cùng với nhà hát tại các tỉnh, thành phố, hai thập kỷ gần đây, nhiều sân khấu tư nhân đã xuất hiện và trụ vững trong cơ chế kinh tế thị trường, tập trung ở TP. Hồ Chí Minh. Nhiều ý kiến đề xuất cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ hệ thống nhà hát tư nhân, từ đó mang lại cho khán giả sự hào hứng về tính đa dạng của nghệ thuật biểu diễn Việt Nam thời kỳ hội nhập.
Backstage News
Theo Đại biểu Nhân dân