Các sân khấu kịch hiện đại ngày càng được công chúng đón nhận tích cực là tín hiệu tốt cho sự phát triển của lĩnh vực sân khấu nói riêng và công nghiệp biểu diễn nói chung trong bối cảnh các lĩnh vực văn hoá nghệ thuật được tạo điều kiện và khuyến khích phát triển để trở thành nền công nghiệp văn hoá chủ lực.
Sân khấu kịch hiện đại tại Việt Nam là một trong những loại hình nghệ thuật lâu đời, gắn liền với nhiều thế hệ khán giả. Trong những năm gần đây, khi nhiều loại hình giải trí mới lên ngôi, sân khấu kịch gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, bước sang năm 2025, những tín hiệu tích cực từ các sân khấu kịch truyền thống đã mang đến hy vọng mới cho ngành sân khấu.
Ngoài các vở kịch kinh điển được công diễn hàng năm tại các nhà hát lớn, giờ đây, xu hướng của những vở kịch đương đại gắn liền với đời sống xã hội đang trở nên phổ biến hơn, đem lại những trải nghiệm gần gũi mà mới mẻ cho khán giả.
Nội dung
Sự trở lại của nghệ thuật sân khấu
Theo số liệu từ các nhà hát và đơn vị tổ chức, lượng vé bán ra của nhiều vở kịch tại TP.HCM đã tăng đáng kể. Số lượng người trẻ quan tâm đến sân khấu kịch cũng nhiều hơn so với giai đoạn trước. Điều này cho thấy, kịch nói vẫn có chỗ đứng trong lòng khán giả, nếu được đầu tư bài bản và phù hợp với xu hướng thời đại.
Bước sang năm 2025, số lượng các vở diễn mới tại các sân khấu lớn ở TP.HCM đã tăng mạnh. Qua khảo sát, các sân khấu như IDECAF, Trương Hùng Minh, Hồng Vân, sân khấu nhỏ 5B liên tục sáng đèn với các suất diễn kín chỗ ngồi, đặc biệt vào cuối tuần. Những vở diễn kinh điển được làm mới, kết hợp với các vở diễn mới mang tính sáng tạo, giúp thu hút khán giả quay trở lại với loại hình nghệ thuật này.

Chia sẻ với báo Lao Động, NSƯT Minh Nhí nhận định rằng, cuối năm 2024 và đầu năm 2025 đánh dấu những bước đột phá khi khán giả dần quan tâm hơn đến nghệ thuật sân khấu. NSND Mỹ Uyên cũng chia sẻ, việc đầu tư chất lượng vở diễn, kết hợp truyền thông hiệu quả giúp các sân khấu thu hút tốt hơn từ những khán giả chưa quan tâm nhiều đến kịch nói.
Không chỉ dừng lại ở việc làm mới nội dung, các sân khấu kịch hiện đại còn tập trung vào việc cải thiện chất lượng diễn viên. Nhiều nghệ sĩ trẻ được đào tạo bài bản từ các trường nghệ thuật, giúp nâng cao chất lượng diễn xuất, tạo sự hấp dẫn cho các vở kịch. Điều này giúp khán giả không chỉ thưởng thức nội dung mà còn cảm nhận được sự tinh tế trong từng chi tiết của vở diễn.
Sân khấu khoác lên diện mạo mới
Việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào biểu diễn đã giúp các đạo diễn, biên kịch tạo ra những vở kịch độc đáo. Tiêu biểu như “San hô đỏ” kết hợp màn hình 3D, “Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt” được đầu tư công nghệ tái hiện lịch sử hoành tráng, hay “Đồng chí” kết hợp hiệu ứng âm thanh bom đạn. Nhờ đó, sân khấu trở nên sinh động và hấp dẫn hơn.
Bên cạnh đó, nhiều sân khấu như Trương Hùng Minh, Hồng Vân, sân khấu nhỏ 5B cũng liên tục tung các vở diễn mới ứng dụng công nghệ vào kỹ thuật biểu diễn. Sân khấu Trương Hùng Minh của NSƯT Minh Nhí trình diễn các vở “Lụa máu”, “Ngày mai người ta lấy chồng”, sử dụng hiệu ứng thực tế như làm mưa, sấm sét, tạo hình ma quỷ, đu dây trên không… Nhờ những cải tiến này, sân khấu kịch trở nên sống động hơn, thu hút khán giả trẻ đến xem trực tiếp thay vì chỉ theo dõi trên các nền tảng số.

Ngoài ứng dụng công nghệ, nhiều sân khấu lựa chọn đề tài thường nắm bắt xu hướng của khán giả. Trong đó, các vở diễn của nhà hát kịch IDECAF như “Tấm Cám đại chiến” có thoại bắt kịp xu hướng giới trẻ, giúp tạo hiệu ứng lan tỏa trên mạng xã hội. Những đoạn clip nhỏ được khán giả đăng tải trên TikTok, Facebook thu hút lượng xem lớn, từ đó kích thích sự tò mò và kéo khán giả đến rạp.
Ở sân khấu 5B, sân khấu Hồng Vân có các vở diễn nằm trong xu hướng tìm kiếm của khán giả như “Thân sâu hồn bướm” (được dựng lại và thêm thắt nhiều câu thoại bắt kịp xu hướng hơn), “Cây bút thần” – đánh mạnh vào khán giả trẻ, thiếu nhi. Những cải tiến này giúp các sân khấu duy trì lượng khán giả ổn định và tiếp cận đối tượng mới.
Những sân khấu nghệ thuật thử nghiệm mới
Nổi bật cuối năm 2024 đầu 2025 là vở nhạc kịch “Giấc mơ Chí Phèo” – nhạc kịch broadway đầu tiên lấy cảm hứng từ văn học Việt Nam. Đây là dự án được đầu tư bài bản, với sự tham gia của ekip gạo cội trong lĩnh vực sân khấu nước nhà: Nhạc sĩ – NSX Dương Cầm, biên kịch Đinh Tiến Dũng, đạo diễn – NSƯT Phùng Tiến Minh và chỉ đạo nghệ thuật NSND Huỳnh Tấn Minh. Sự tổng hoà giữa văn học, âm nhạc, biên đạo, và nghệ thuật sân khấu trong vở diễn này mang đến một trải nghiệm mới lạ cho khán giả, mở ra hướng đi mới cho nghệ thuật sân khấu tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, các sân khấu nghệ thuật độc lập cũng ngày càng được tổ chức nhiều hơn. Những chương trình thử nghiệm với các phong cách biểu diễn khác nhau tạo ra không gian sáng tạo cho nghệ sĩ và mang đến cho khán giả nhiều lựa chọn giải trí phong phú hơn. Những vở kịch thử nghiệm kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật, từ xiếc, múa rối, đến kịch ứng tác, giúp đổi mới cách tiếp cận với công chúng.
Triển vọng tươi sáng cho công nghiệp văn hóa
Mới đây, Bộ trưởng Bộ VHTTDL nhấn mạnh, nghệ thuật biểu diễn đang trở thành điểm sáng của công nghiệp văn hóa. Các nhà hát quốc gia đã góp phần tăng doanh thu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời giúp quảng bá hình ảnh Việt Nam vươn tầm quốc tế.
Theo thống kê, các nhà hát lớn như Nhà hát Tuổi Trẻ, Nhà hát Múa Rối Việt Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam… đã thu về hàng chục tỷ đồng từ việc tổ chức các suất diễn. Ngoài ra, các chương trình âm nhạc, lễ hội văn hóa và những chương trình truyền hình thực tế như “Chị đẹp đạp gió”, “Anh trai vượt ngàn chông gai” cũng tạo hiệu ứng mạnh mẽ, giúp khán giả Việt quan tâm hơn đến nghệ thuật biểu diễn. Điều này mở ra cơ hội lớn cho sân khấu kịch nói nói riêng và nghệ thuật biểu diễn nói chung trong việc thu hút khán giả và phát triển bền vững.

Nhìn chung, sân khấu kịch hiện đại đang trên đà phục hồi mạnh mẽ nhờ sự đổi mới, sáng tạo và tận dụng công nghệ hiện đại. Nếu tiếp tục đà phát triển này, sân khấu kịch Việt Nam hoàn toàn có thể lấy lại vị thế và trở thành một trong những ngành công nghiệp văn hóa chủ lực của nước nhà.
Backstage News