Trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhiều di tích của Hà Nội mở cửa miễn phí, tổ chức nhiều hoạt động để phục vụ du khách thập phương.
Nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động vui chơi, tham quan của người dân và du khách dịpTết Nguyên đán, một số di tích, bảo tàng tại Hà Nội sẽ mở cửa miễn phí.
Nội dung
1. Ngôi nhà Di sản số 87 phố Mã Mây và Di tích số 22 phố Hàng Buồm
Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội thông báo, hai di tích Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây và Di tích 22 Hàng Buồm sẽ mở cửa miễn phí cho khách tham quan từ ngày 28 đến 30/1/2025 (tức từ 29 tháng Chạp đến mùng 2 Tết).
Đây là cơ hội để du khách khám phá nét đẹp kiến trúc và văn hóa đặc trưng của khu phố cổ Hà Nội.

Theo đó, hai điểm di tích Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây và Di tích 22 Hàng Buồm phục vụ du khách xuyên suốt dịp Tết Nguyên đán 2025. Nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động vui chơi, tham quan của người dân và du khách, tại 02 điểm di tích sẽ mở cửa tham quan miễn phí từ từ 14h00 ngày 29/01/2025 (Tức ngày mùng 1 tháng Giêng năm Ất Tỵ) đến hết 16h00 ngày 30/01/2025 (Tức ngày mùng 2 tháng Giêng năm Ất Tỵ).
2. Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám
Tại Hồ Văn, di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám sẽ diễn ra Lễ khai mạc Hội Chữ xuân Ất Tỵ 2025 cùng các hoạt động văn hoá nghệ thuật chào mừng Xuân. Hội Chữ xuân kéo dài từ ngày 23/1/2025 đến ngày 09/02/2025 (tức ngày 24 tháng Chạp năm Giáp Thìn đến 12 tháng Giêng năm Ất Tỵ). Giờ mở cửa hàng ngày từ 8h00 đến 22h00.
Bên cạnh đó, nhiều hoạt động văn hóa diễn ra tại không gian Hồ Văn phục vụ du khách tham quan, trong đó có 03 cuộc triển lãm gồm: Triển lãm thư pháp “Thực học” trưng bày 100 tác phẩm thư pháp Hán Nôm và Quốc ngữ. Nội dung các tác phẩm giới thiệu những áng văn thơ về Thăng Long – Hà Nội và tinh hoa tri thức cổ nhân. Nguồn cảm hứng đến từ di sản của các danh nhân như Lê Thánh Tông, Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du… nhằm tôn vinh truyền thống hiếu học, hiếu nghĩa, trọng thầy, trọng chữ của dân tộc Việt Nam. Qua đó khích lệ tinh thần hiếu học, cống hiến của thể hệ trẻ cho quê hương, đất nước.

Triển lãm ảnh “Việt Nam quê hương tôi” giới thiệu 50 tác phẩm nhiếp ảnh về di sản chọn lọc từ “Giải thưởng Ảnh Di sản Việt Nam – Việt Nam Heritage Photo Awards 2012-1018”. Các bức ảnh ghi lại những khoảng khắc ấn tượng về di sản văn hóa, thiên nhiên và con người Việt Nam.
Triển lãm “Vẽ con rắn” mang đến góc nhìn đa dạng về rắn – Linh vật của năm mới Ất Tỵ – trong truyền thống và hiện đại. Triển lãm giới thiệu 77 tác phẩm tranh minh họa của 75 họa sĩ Việt Nam đang sinh sống ở nhiều nước trên thế giới, mang đến những câu truyện thú vị và tích cực về con giáp này.
Trong khu nội tự,bên cạnh hai khu trưng bày Trường Quốc học đầu tiên và Khơi nguồn đạo học,khách tham quan được thưởng thức triển lãm “Dấu xưa Văn hiến 3: Thiên Quang” tại Tiền Đường nhà Thái học, thể hiện những nghề truyền thống nổi tiếng của Thăng Long xưa, truyền tải ý nghĩa về ánh sáng tri thức, văn hóa và lịch sử lâu đời của dân tộc.
Triển lãm “Bia đá kể chuyện 2” khai thác giá trị nội dung và nghệ thuật của 82 bia Tiến sĩ, mang đến góc nhìn mới về bia Tiến sĩ và giáo dục khoa cử nước nhà tại chính không gian nhà bia tiến sĩ. Những Triển lãm này tiếp tục làm nổi bật giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật của Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
3. Hoàng thành Thăng Long
Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội mở đầu chuỗi các hoạt động “Tết Việt” kéo dài từ ngày 20/1 đến 6/2 (từ 21 tháng Chạp năm Giáp Thìn đến mùng 9 tháng Giêng năm Ất Tỵ).
Trưng bày không gian “Tết xưa – Tết thời bao cấp”, tái hiện Tết truyền thống ở thập kỷ 70, 80 của thế kỷ 20 – với 3 không gian chính: Gian hàng mậu dịch quốc doanh, gian hàng tranh – hoa – pháo tết và không gian thờ cúng.
Trưng bày “Nghi lễ tết cung đình ngày xuân” với hệ thống các nghi lễ Tết cung đình: Lễ cúng Táo quân, lễ tiến lịch, lễ tiến xuân ngưu, lễ phất thức, lễ cáp hưởng, lễ thướng tiêu, lễ trừ tịch, lễ tế tổ tiên, lễ chính đán, lễ chúc thọ nhà vua, lễ tế giao, lễ khai hạ, lễ khai ấn…
Trong đó, có 3 nghi lễ đặc biệt quan trọng là lễ tiến lịch, lễ tiến xuân ngưu và lễ chính đán. Các nghi lễ được trưng bày thông qua hình thức giới thiệu tư liệu, diễn giải bằng tranh vẽ phỏng dựng và hiện vật mô hình.
Hoạt động giới thiệu và trình diễn tái hiện nghi lễ “Tống cựu nghinh tân”, thể nghiệm những lễ nghi trong dịp Tết cổ truyền từng diễn ra trong cung đình Thăng Long xưa: Nghi lễ tiến lịch, nghi lễ thả cá chép tiễn ông Công, ông Táo về trời; nghi lễ dựng cây nêu, lễ đổi gác, lễ khai xuân…
Trong đó, nghi lễ tiến lịch và lễ đổi gác lần đầu tiên được Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội tái dựng lại thông qua hình thức sân khấu hóa từ các tài liệu lịch sử cũng như công tác sưu tầm, nghiên cứu.
Ngoài ra, Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức chương trình tham quan trải nghiệm Đêm thiêng liêng với chủ đề “Sống như những đóa hoa”, “Lửa thanh xuân”.
Bảo tàng Hà Nội tổ chức các hoạt động triển lãm, trưng bày chuyên đề, các hoạt động giáo dục truyền thống, tổ chức các hoạt động hội thảo, tọa đàm theo chuyên đề, sự kiện lịch sử, văn hóa phục vụ nhân dân và khách tham quan.
Backstage News