Lễ hội đèn lồng ở mỗi nơi được tổ chức với nhiều ý nghĩa sâu sắc, dù về tôn giáo hay văn hóa. Những chiếc đèn lồng được thắp sáng với hi vọng về sự tươi sáng, hòa bình và những điều tốt đẹp.
Lễ hội đèn lồng đã có lịch sử hàng ngàn năm từ Trung Quốc vào thế kỷ thứ hai trước Công nguyên. Nhờ thương nhân và người định cư, truyền thống lễ hội đèn lồng đã đến các nước châu Á khác và lan rộng ra khắp các châu lục. Trên thế giới, các lễ hội đèn lồng có những hình thức và ý nghĩa khác nhau tùy vào văn hóa và phong tục tại từng địa phương.
Dưới đây là 10 lễ hội đèn lồng nổi tiếng nhất thế giới được các trang truyền thông quốc tế bình chọn.
Nội dung
Lễ hội đèn lồng Yi Peng, Chiang Mai, Thái Lan
Yi Peng hay Yee Peng (phiên âm tiếng Thái) là lễ hội được tổ chức khắp miền bắc Thái Lan bởi người Lanna nhưng lớn nhất là ở Chiang Mai. Lễ hội diễn ra vào ngày 15 tháng 2 âm lịch Lanna (tháng 12 âm lịch Thái Lan) hàng năm. Điểm nhấn của Yi Peng là hoạt động thả hàng ngàn đèn lồng giấy gọi là “khom loi” lên không trung để cầu may mắn. Do đó, đây còn được gọi là “Lễ hội đèn trời” hoặc ‘Lễ hội ánh sáng’.
Lễ hội hoa đăng Hội An, Việt Nam
Lễ hội hoa đăng Hội An là một nét văn hóa đặc trưng được tổ chức vào ngày 14 âm lịch hàng tháng tại phố Hội. Đêm rằm Trung thu (15 tháng 8 âm lịch) luôn là đêm hội đẹp nhất trong năm. Trong thời gian diễn ra lễ hội, tất cả ánh đèn ở mọi ngôi nhà đều được tắt đi. Người dân địa phương và du khách có thể chiêm ngưỡng các loại hình nghệ thuật biểu diễn hoặc thả đèn hoa đăng trên dòng sông. Thấm nhuần truyền thống Phật giáo, người Việt tin rằng thả đèn lồng vào dịp trăng tròn sẽ mang lại sức khỏe, thịnh vượng và hạnh phúc.
Lễ hội đèn trời Pingxi, Đài Loan
Lễ hội đèn trời Pingxi là nét văn hóa truyền thống hơn 100 năm tuổi tại Pingxi, thành phố Tân Bắc, Đài Loan. Sự kiện được tổ chức vào ngày cuối cùng của Tết Nguyên đán. Trong lễ hội, hàng nghìn người viết lời cầu nguyện bằng bút thư pháp lên đèn lồng giấy và thả lên bầu trời, với hy vọng sẽ được tổ tiên đáp lại. Lễ hội đèn trời Pingxi đã trở thành một điểm nhấn quan trọng của Đài Loan và được trang TripAdvisor bình chọn là “hoạt động văn hóa được du khách quốc tế giới thiệu nhiều nhất” vào năm 2018.
Lễ hội đèn lồng Trung Quốc
Lễ hội đèn lồng Trung Quốc là một trong những ngày lễ quan trọng ở Trung Quốc, diễn ra vào ngày 15 tháng Giêng hàng năm. Sự kiện đánh dấu ngày cuối cùng của Tết Nguyên Đán cũng như đêm trăng tròn đầu tiên của năm mới Trung Quốc. Nếu như những chiếc đèn lồng truyền thống trước đây chủ yếu có hình tròn với màu đỏ, vàng thì giờ đây chúng đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật với đa hình dạng khác nhau. Các hoạt động trong lễ hội bao gồm thắp đèn lồng, giải câu đố trên đèn lồng, ăn tangyuan – những viên bột gạo có nhân ngọt và xem múa lân.
Lễ hội đèn lồng Nagasaki, Nhật Bản
Được tổ chức trong 15 ngày đầu tiên của Tết Nguyên đán, Lễ hội đèn lồng Nagasaki là một một trong những sự kiện sôi động nhất khu phố Tàu ở thành phố Nagasaki, Nhật Bản. Với nhiều trung tâm giải trí và trung tâm trưng bày đèn lồng ấn tượng, toàn bộ thành phố được bao phủ trong ánh sáng của hơn 15.000 chiếc đèn lồng. Người tham dự lễ hội còn được thưởng thức các điệu múa lân, múa rồng, diễu hành, nhào lộn, biểu diễn đàn nhị, ảo thuật đổi mặt nạ…
Lễ hội đèn lồng RiSE, Las Vegas
Là một lễ kỷ niệm thân thiện với môi trường về tình yêu, hy vọng và cầu nguyện, Lễ hội đèn lồng RiSE được tổ chức vào tháng 11 hàng năm tại sa mạc Mojave của Nevada. Vào ban ngày, lễ hội diễn ra các hoạt động giao lưu âm nhạc, ẩm thực. Khi mặt trời lặn, mỗi du khách được phát hai chiếc đèn lồng và bút đánh dấu để viết những điều ước hoặc thông điệp của mình lên những chiếc đèn lồng và thả lên trời. Những chiếc đèn lồng đều có thể phân hủy sinh học 100%, đồng thời được ban tổ chức thu gom sau sự kiện để giảm tác động tới môi trường.
Lễ hội đèn lồng nổi Hawaii
Được tổ chức hàng năm vào Ngày Tưởng niệm (Thứ Hai cuối cùng của tháng 5) trên bờ biển phía nam Oahu, Lễ hội đèn lồng Shinnyo quy tụ hàng nghìn người dân và du khách đến tham gia. Sự kiện nhằm tưởng nhớ những người đã mất và bày tỏ hy vọng về một tương lai hòa bình. Tại lễ hội, những lời nhắn được viết trên những chiếc đèn lồng và thả tự do ra biển, với hy vọng những lời nhắn sẽ đến được với những linh hồn thân yêu đã khuất. Đây là lễ hội truyền thống do Shinnyo-en – một cộng đồng Phật giáo quốc tế tổ chức. Các đèn lồng sau khi thả sẽ được cộng đồng này lấy về, sửa chữa và cất giữ để tái sử dụng.
Lễ hội đèn lồng trên nước Hoa Kỳ
Được tờ báo USA Today bình chọn là Lễ hội số 1 của Hoa Kỳ, Lễ hội đèn lồng trên nước (Water Lantern Festival) được tổ chức trên khắp các thành phố Hoa Kỳ, thu hút hàng triệu người tham dự. Đây là sự kiện bán vé, bao gồm vòng đeo tay check-in lễ hội, đèn lồng, dụng cụ trang trí, thả và làm sạch đèn lồng. Người tham dự lễ hội sẽ vẽ lên các điều ước, hình ảnh tích cực,… và thả đèn trôi trên nước. Ý nghĩa chính của đèn lồng trên nước là xóa đi những tai họa, khó khăn trong cuộc sống và thay vào đó là hạnh phúc, bình yên.
Lễ hội đèn lồng Trung Quốc Philadelphia, Hoa Kỳ
Lễ hội đèn lồng Trung Quốc Philadelphia được tổ chức hàng năm tại Quảng trường Franklin. Lễ hội tôn vinh văn hóa truyền thống Trung Quốc trong không gian đương đại, qua các tác phẩm đèn lồng khổng lồ độc đáo. Mỗi đèn lồng là một biểu tượng của văn hóa Trung Quốc như rồng, gấu trúc, các loài hoa mùa xuân,…. Chúng được làm từ khung thép, nối dây đèn LED (khoảng 25.000 đèn), được bọc bằng những tấm lụa lớn và được vẽ bằng tay từ các nghệ nhân tài hoa Trung Quốc.
Kéo dài nhiều tuần liên tiếp, lễ hội chào đón hàng chục ngàn du khách đến từ các tiểu bang và nhiều quốc gia trên thế giới tham dự mỗi năm.
Lễ hội đèn lồng Trung Quốc Bắc Carolina, Hoa Kỳ
Hàng năm, Lễ hội đèn lồng Trung Quốc Bắc Carolina được tổ chức tại Nhà hát vòng tròn Koka Booth, ngay trước Lễ tạ ơn và kéo dài suốt tuần đầu tiên của tháng Giêng. Trong lễ hội, các nghệ nhân Trung Quốc chế tạo và lắp ráp thủ công những chiếc đèn lồng từ 2.500 đèn LED. Các đèn lồng đa hình dạng như rồng phát sáng dài hơn 60 mét, những con chim khổng lồ có thể lặp lại lời nói vào micro, khủng long, cung điện hoàng gia, những bông hoa khổng lồ và các tác phẩm nghệ thuật khác.
Đọc thêm: Top 6 lễ hội khinh khí cầu lớn và nổi tiếng nhất thế giới
Backstage News
Nguồn: Tổng hợp