Sau những giãi bày thiếu cơ sở vật chất, thiếu vị trí đắc địa để tổ chức các show âm nhạc, TP.HCM đã đưa ra loạt phương án để giải quyết vấn đề này.
Việc lỡ cơ hội mời BLACKPINK vào năm ngoái là minh chứng rõ ràng cho việc TP.HCM đang rất thiếu cơ sở hạ tầng để tổ chức các show quốc tế
Thừa cơ hội, thiếu vật chất
Trên thực tế, TP.HCM đã từng bỏ lỡ nhiều cơ hội hợp tác các đơn vị làm show nước ngoài. Bà Thanh Thúy – Phó giám đốc Sở Văn hóa TP.HCM chia sẻ trong tọa đàm Giải pháp thúc đẩy công nghiệp văn hóa đến năm 2030 ngày 23/5: “Trước khi diễn ở Hà Nội tháng 7/2023, BLACKPINK từng muốn diễn ở TP.HCM nhưng không tìm được địa điểm phù hợp”.
Chung quan điểm, đạo diễn Kiki Trần cho biết năm 2017, khi êkíp nhóm nhạc Hàn T-ara đến TP.HCM, họ khảo sát nhiều sân vận động và đành chấp nhận thực tế “có bao nhiêu, làm bấy nhiêu”. Sau lần đó, anh và nhiều đơn vị làm show nhận ra thành phố chưa đủ cơ sở để mời nghệ sĩ quốc tế đến làm concert, cũng như ca sĩ trong nước thiếu điều kiện thực hiện các đêm nhạc ngang tầm Thái Lan, Malaysia.
Ngoài khâu địa điểm, TP.HCM cũng thiếu đội ngũ để vận hành, quản lý cơ sở cho các liveshow lớn. Khi làm chương trình ở nhiều nhà thi đấu, đạo diễn Kiki Trần bất ngờ vì không tìm được những bản vẽ chính quy, được chuẩn hóa về dữ liệu. Từng đến Nhật Bản làm các đêm nhạc, đạo diễn cho biết nhiều nhà hát lâu đời vẫn có đầy đủ thông tin, hình ảnh với mọi góc chụp trên website, cũng như hệ thống phòng chức năng, hậu trường, kho chứa thiết bị. Tại Thái Lan, nhà thi đấu (arena) được thiết kế đa dạng để phục vụ các sự kiện văn hóa – giải trí. Êkíp của anh được cung cấp đầy đủ về hệ thống vận hành để thiết lập âm thanh, ánh sáng.
Đạo diễn kết luận: “Khán giả dần hình thành thói quen sẵn sàng trả nhiều tiền hơn để thưởng thức âm nhạc. Việc tổ chức sự kiện quốc tế không chỉ nâng tầm vị thế văn hóa, mà còn góp phần mang lại lợi ích cho ngành giải trí, du lịch”.
Những “tia sáng” hiếm hoi
Hiện TP.HCM đang triển khai hai dự án tiền tỷ là Nhà hát Giao hưởng Thủ Thiêm ở TP Thủ Đức và Rạp xiếc Phú Thọ.
Đối với Nhà hát Giao hưởng Thủ Thiêm ở TP Thủ Đức, nơi đây có quy mô 1.700 chỗ, gồm hai khán phòng lớn và nhỏ được xây tại góc cầu Thủ Thiêm 2 (hướng từ quận 1 qua Thủ Thiêm), kết nối với phố đi bộ Nguyễn Huệ bằng cầu đi bộ bắc qua sông Sài Gòn. Ngoài nhà hát, nơi đây còn có các công trình quan trọng như: Quảng trường trung tâm; Trung tâm hội nghị triển lãm; Trung tâm triển lãm quy hoạch, Bảo tàng… Dự kiến dự án này sẽ được được thi công vào năm 2025.
Còn với Rạp xiếc Phú Thọ, dự kiến ngày 30/4/2025, địa điểm này sẽ khánh thành và có show diễn đầu tiên. Dự án có quy mô 2.000 chỗ ngồi và phòng tập luyện đa năng 300 chỗ, với các khán phòng, sân khấu, phòng tập, khu huấn luyện và nuôi thú xiếc, nhà hàng…
Bàn về giải pháp, bà Thanh Thúy cho biết TP.HCM đang có lộ trình đầu tư công để góp phần thúc đẩy nền công nghiệp văn hóa. Thành phố lên kế hoạch quy hoạch nhiều phân khu cho lĩnh vực giải trí – thể thao, đầu tư thực hiện nhiều phim trường và khu tổ hợp giải trí, trung tâm thời trang ở bán đảo Thanh Đa, Củ Chi. Sở sẽ phối hợp nhiều ban ngành để tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, kêu gọi xây dựng các rạp hát quy mô đến hàng trăm tỷ đồng.
Các sự kiện âm nhạc, phim ảnh sẽ được đẩy mạnh trong các năm tới, như lễ hội Hozo, liên hoan điện ảnh quốc tế TP HCM (HIFF). “Chúng tôi cũng kỳ vọng Luật nghệ thuật biểu diễn sớm ban hành, từ đó có hành lang pháp lý đầy đủ, giúp ngành công nghiệp văn hóa phát triển bền vững”, bà Thanh Thúy nói.
Backstage News
Theo VnExpress