Dự án Âm nhạc - Du lịch - Văn hóa độc đáo May Show - Dệt chút vấn vương vừa qua đã công bố sự xuất hiện của màn trình diễn kết hợp đặc biệt giữa Xẩm và âm nhạc hiện đại.
Xẩm – một loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian độc đáo của Việt Nam, với lịch sử hơn 700 năm nhưng… từng có nguy cơ thất truyền nay đã và đang trở lại, được phục hồi và phát triển trong đời sống cộng đồng, với một dáng dấp “tưởng cũ mà mới”, tràn đầy sức sống và ý nghĩa. Điều này kết hợp với sự quan tâm, đón nhận của đông đảo công chúng như một minh chứng cho sự phục hồi và bảo tồn văn hóa dân tộc.
Trong sự kiện của mình, dự án May Show đã hé lộ và giới thiệu về màn kết hợp đặc sắc giữa nghệ thuật hát Xẩm và âm nhạc hiện đại. Đây sẽ là cuộc hội ngộ thú vị, là nơi di sản gặp gỡ nghệ thuật đương thời, kết nối quá khứ và tương lai, giữa truyền thống và sáng tạo.
Được biết, các nghệ nhân thuộc Trung Tâm Xúc Tiến Quảng Bá Di Sản Văn Hóa Phi Vật Thể Việt Nam sẽ là những người góp mặt trong màn trình diễn này. Tuy nhiên, đến nay ban tổ chức vẫn chưa tiết lộ thêm bất cứ thông tin gì về việc cá nhân hay cặp đôi nào sẽ đảm nhận màn trình diễn mang sức nặng lớn về mặt nghệ thuật này.
Thậm chí, một dự đoán khả thi cho thấy cả 3 nghệ sĩ trong hai đêm gồm đêm #1 diễn ra vào ngày 27/4/2024 là Đan Trường, Nguyên Hà và Hà Lê, hay đêm #2 diễn ra vào ngày 30/4/2024 là Hoàng Dũng, Hà Lê và Lâm Bảo Ngọc đều sẽ cùng góp giọng trong màn trình diễn đặc biệt, hứa hẹn sẽ mang tới nhiều cảm nhận, góc nhìn và phong cách nghệ thuật mới lạ đối với loại hình nghệ thuật hát Xẩm.
Có thể nhận định rằng các nghệ sĩ đều hoàn toàn “cân” được những thách thức và có những cách xử lý, sáng tác bởi các ca sĩ trên đều hát và có các sản phẩm âm nhạc phù hợp để biến tấu cùng Xẩm như pop, ballad, R&B,… Bên cạnh đó, các nghệ sĩ Đan Trường với phong cách linh hoạt như dance, bolero, trữ tình, Nguyên Hà với folk hay Hà Lê với hip hop hoàn toàn có đủ khả năng và sự sáng tạo để biến Xẩm trở nên phong phú và đặc sắc hơn.
Ngoài ra, đúng với tiêu chí trải nghiệm văn hóa trọn vẹn, ban tổ chức còn bật mí sẽ bổ sung thêm nhiều yếu tố hình ảnh, trang trí và các đạo cụ mà khán giả có thể được trực tiếp chiêm ngưỡng và chỉ riêng đối với màn trình diễn đặc biệt có trong chương trình này.
Kể từ khi một hình thức đàn hát dân gian dành riêng cho những người khiếm thị để mưu sinh nơi đầu đường góc chợ, bến nước, mom sông cho đến hiện nay, hát Xẩm đã trở thành một loại hình nghệ thuật được biểu diễn trên sân khấu, thực sự là một di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được rất nhiều người yêu thích.
Nghệ thuật hát Xẩm được hình thành bởi một hệ thống bài bản và âm nhạc riêng biệt, đặc trưng. Với các nhạc cụ như đàn bầu, đàn nhị, sênh sứa, trống mảnh, đàn hồ, trống cơm, thanh la, người nghệ sĩ/nghệ nhân biểu diễn hát Xẩm tự thêm hoặc bớt các nhạc cụ cho phù hợp với môi trường, hoàn cảnh và làn điệu biểu diễn.
Ngoài ra, có thể thấy rõ, nghệ thuật hát Xẩm đã phản ánh một phần hiện thực đời sống xã hội trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam.
Hát Xẩm không chỉ có giá trị lịch sử văn hóa mà còn thể hiện rõ tính nhân văn sâu sắc. Với truyền thống tốt đẹp của người Việt “lá lành đùm lá rách”, “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”, “môi hở răng lạnh”, cảm thông trước hoàn cảnh của những người cùng chung cảnh ngộ khiếm thị, những nghệ sĩ hát Xẩm không chỉ chia sẻ niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống mà họ còn chia sẻ cả thành quả lao động của chính mình với mảnh đời bất hạnh hơn. Việc thành lập các gánh Xẩm là để tụ họp những người cùng chung cảnh ngộ, đem lời ca, tiếng hát của mình đi khắp nơi kiếm sống, cùng nhau vượt lên số phận, sống lạc quan hơn…
Backstage News