Dưới sự thúc đẩy của Chủ tịch Tập Cận Bình đối với các chuẩn mực giới tính và nhận dạng giới tính truyền thống, các nhóm LGBTQ vẫn liên tục bị phản đối. Ngay cả trong lĩnh vực sự kiện, biểu tượng cầu vồng bị cấm đem vào các concert âm nhạc được tổ chức tại nước này.
Trung Quốc liên tục cấm biểu tượng cầu vồng đại diện cho cộng đồng LGBTQ xuất hiện tại các concert âm nhạc, điển hình là concert của ca sĩ Đài Loan A-Mei (張惠妹) tại Bắc Kinh vào đầu tháng 8 năm nay. Trước đó vào năm 2021, nhiều tài khoản WeChat liên kết với LGBTQ đã bị xóa và một trung tâm ủng hộ LGBTQ đã phải đóng cửa sau 15 năm hoạt động. Nhiều hoạt động, sự kiện ủng hộ cộng đồng này cũng liên tục bị hoãn hoặc hủy bỏ.
Cấm cầu vồng LGBTQ tại concert của A-Mei
Theo Time đưa tin, người hâm mộ của ca sĩ người Đài Loan Chang Hui-mei (được biết đến với nghệ danh A-Mei) đã bị mặc cấm trang phục có in hình cầu vồng vào trong đêm nhạc của nữ ca sĩ. Sự việc xảy ra trong hai đêm concert của A-Mei được tổ chức tại Cadillac Arena, Bắc Kinh vào ngày 5 và 6/8 mới đây.
Người hâm mộ đã chia sẻ trải nghiệm của họ trên Xiaohongshu (nền tảng mạng xã hội của Trung Quốc tương tự Instagram) rằng họ không được mặc áo hoặc mang phụ kiện có chủ đề cầu vồng vào trong địa điểm tổ chức. Một số người cho biết các nhân viên bảo vệ đã yêu cầu họ che thiết kế cầu vồng hoặc thay quần áo khác. Có người được yêu cầu mặc ngược áo để che đi hình ảnh in cầu vồng ở mặt trước. Có người bị an ninh chặn lại vì áo của họ đổi màu cầu vồng do phản chiếu ánh sáng.
Tuy nhiên, bất chấp những thắc mắc của khán giả, nhân viên an ninh không đưa ra bất kì lời giải thích nào về lệnh cấm trang phục và phụ kiện cầu vồng.
Không chỉ trang phục cầu vồng bị cấm, bài hát gắn liền với sự nghiệp của nữ ca sĩ nhạc pop A-Mei mang tên “Rainbow” (彩虹) đã không xuất hiện tại đêm nhạc. Ca khúc “Bad Boy” với visual cầu vồng đặc trưng luôn xuất hiện tại các concert trước đó của A-Mei cũng bị thay thế bằng một hình nền khác thay vì 7 sắc cầu vồng.
Sự phản đối các hình ảnh cầu vồng – biểu tượng liên quan đến cộng đồng LGBTQ – tại concert của A-Mei ở Bắc Kinh vừa qua đã khiến rất nhiều khán giả bày tỏ sự khó chịu, thất vọng và tức giận trên các nền tảng mạng xã hội.
Đêm nhạc năm 2015 của A-Mei tại Sân vận động Công Thể (Bắc Kinh) cũng được nhiều khán giả nhắc lại, khi một biển cờ cầu vồng rộng lớn tung bay khắp khán đài để hưởng ứng ca khúc “Rainbow”.
Cấm biểu tượng cầu vồng tại các concert khác
Tờ báo The Daily Beast đưa tin, nhiều concert của các nghệ sĩ quốc tế về Trung Quốc biểu diễn cũng đã gặp những quy định tương tự về việc cấm các biểu tượng LGBTQ.
Cụ thể, những người hâm mộ vẫy cờ cầu vồng cổ vũ trong concert của Dua Lipa tại Thượng Hải năm 2018 đã bị nhân viên an ninh tác động và không được tiếp tục tham gia đêm nhạc, với lý do “vi phạm quy định” đứng lên và nhún nhảy. Tuy nhiên, đối với những concert khác từng được tổ chức tại đó, việc nhảy theo nhạc và cổ vũ nghệ sĩ chưa bao giờ bị nghiêm cấm.
Sau sự việc đó, ca sĩ nhạc pop Dua Lipa đã ca ngợi sự dũng cảm của người hâm mộ trên Twitter (hiện là nền tảng X) rằng: “Những gì bạn đã làm cần rất nhiều sự dũng cảm. Tôi luôn mong muốn âm nhạc của mình mang đến sức mạnh, niềm hy vọng và sự đoàn kết. Tôi kinh hoàng trước những gì đã xảy ra và tôi gửi tình yêu đến tất cả những người hâm mộ có liên quan.”
Nữ ca sĩ cũng bày tỏ sẽ quay lại Thượng Hải “khi thời điểm thích hợp và hy vọng được nhìn thấy một đêm nhạc đầy cầu vồng”.
Cũng trong năm 2018, nhân viên an ninh trong concert của Sam Smith dừng chân tại Cadillac Arena, Bắc Kinh được cho là có “động thái” nhẹ nhàng hơn. Họ chỉ tịch thu những lá cờ cầu vồng mà người hâm mộ đã treo trong buổi biểu diễn và không có tác động mạnh nào.
Quy định cấm các biểu tượng cầu vồng tại các concert âm nhạc dường như cho thấy áp lực đối với cộng đồng LGBTQ ở Trung Quốc ngày càng lớn. Thực tế, chính phủ Trung Quốc từ lâu đã được coi là có lập trường “không chấp thuận, không có sự phản đối, không có ủng hộ” khi nói đến LGBTQ. Điều này có nghĩa là mặc dù đồng tính luyến ái là hợp pháp ở Trung Quốc nhưng các cặp đồng giới không thể kết hôn, nhận con nuôi hoặc nhận được sự bảo vệ giống như những người dị tính. Sự bình đẳng có thể nói vẫn còn là một giấc mơ xa vời với cộng đồng LGBT tại đất nước tỷ dân.
Đọc thêm: Liên đoàn cờ vua quốc tế cấm phụ nữ chuyển giới tham gia thi đấu
Backstage News
Nguồn: Tổng hợp