Hội An, Đà Lạt mới đây đã được nhận danh hiệu "Thành phố sáng tạo UNESCO" trong lĩnh vực thủ công - nghệ thuật dân gian và lĩnh vực âm nhạc.
Trong dịp kỷ niệm “Ngày Các thành phố Thế giới 31/10”, Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay ký quyết định công nhận Đà Lạt và Hội An cùng 53 thành phố khác trên thế giới vào danh sách “Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO” (UCCN).
Đà Lạt – Thành phố sáng tạo lĩnh vực âm nhạc
Đối với Đà Lạt, trở thành Thành phố sáng tạo UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc là một tin ý nghĩa trong bối cảnh năm 2023, thành phố kỷ niệm 130 năm hình thành và phát triển. Thành phố Đà Lạt mong muốn bên cạnh du lịch, tiềm năng của các ngành công nghiệp văn hóa, đặc biệt là âm nhạc sẽ đóng vai trò cốt lõi để thúc đẩy hội nhập quốc tế, phát triển đô thị bền vững, gắn kết các nhóm xã hội, dân tộc và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Những liveshow ca nhạc được đầu tư hoành tráng với sân khấu “khủng”, âm thanh chất lượng và dàn nghệ sĩ đẳng cấp… không thiếu ở bất cứ đâu. Một sân khấu vừa đủ, giữa một không gian thiên nhiên thoáng, rộng với tầm nhìn đẹp… luôn đem lại nhiều cảm xúc thăng hoa không chỉ cho người nghệ sĩ biểu diễn mà còn cả khán giả thưởng thức.
Mô hình sân khấu âm nhạc gắn với thiên nhiên này mới phát triển mạnh mẽ ở Đà Lạt vài năm trở lại đây và đang trở thành một trong những lý do để nhiều du khách lựa chọn đến Đà Lạt, ngay cả khi không phải mùa cao điểm du lịch.
Hội An – Thành phố sáng tạo lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian
Trong khi đó, với nguồn vốn văn hóa giàu có, đa dạng, độc đáo được kết tinh từ lịch sử hàng trăm năm, là điểm giao thoa của nhiều nền văn hóa, Hội An được coi là nơi nuôi dưỡng tinh thần sáng tạo của cộng đồng.
Trong đó, Thủ công và Nghệ thuật dân gian là thế mạnh nổi trội và là lĩnh vực được Hội An bảo tồn và phát huy hiệu quả trong thời gian qua.
Hội An hiện có 5 làng nghề truyền thống với gần 50 ngành nghề thủ công đang hoạt động sôi nổi có thể kể đến như: nghề mộc, nghề gốm, nghề làm đèn lồng, nghề làm tre dừa, may mặc, làm đồ da… Trong đó có 03 làng nghề và 01 nghề truyền thống được công nhận Di sản phi vật thể quốc gia và 02 làng nghề khác đang làm hồ sơ đề nghị công nhận.
Hội An cũng đã tổ chức rất nhiều sự kiện văn hóa, trong đó nổi bật nhất là “Lễ hội đèn lồng” được diễn ra vào ngày 14 âm lịch hằng tháng và đặc biệt nhất là vào đêm rằm Trung thu. Những chiếc đèn lồng không chỉ là sản phẩm làng nghề thủ công nổi tiếng của Hội An mà còn là biểu tượng cho sự bình an, may mắn sẽ đến với mọi nhà. Lễ hội đèn lồng tại phố cổ Hội An là hoạt động giữ gìn nét đẹp văn hóa lâu đời của người dân bản địa.
Chủ tịch UBND thành phố Hội An – Ông Nguyễn Văn Sơn cho hay khi được công nhận Hội An không đặt nặng việc phải thu hút lượng lớn khách du lịch ngay lập tức. Thành phố tham gia vì mục đích thiên về chất lượng phát triển, không phải chạy theo số lượng. Khi uy tín thành phố nâng cao, chất lượng tốt, du khách sẽ đến nhiều hơn, công ăn việc làm của người dân được cải thiện hơn.
Với việc được gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu, Hội An sẽ xây dựng các cơ chế, chính sách, giải pháp tiếp tục chủ động mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, tôn tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, thành phố sẽ đẩy mạnh tổ chức các sự kiện thường niên và nâng Hội An trở thành một điểm đến của các liên hoan thủ công, nghệ thuật dân gian cả nước và quốc tế.
Sáng nay 1/11, TP. Hội An đã tổ chức diễu hành mừng sự kiện gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO.
Đoàn diễu hành đã đi qua nhiều tuyến phố trong khu phố cổ Hội An cũng như nhiều khu vực khác trên địa bàn thành phố để lan tỏa, khuyến khích cộng đồng tiếp tục chung tay nâng cao giá trị thương hiệu thành phố sáng tạo toàn cầu.
Như vậy, sau khi Hà Nội trở thành Thành phố sáng tạo UNESCO trong lĩnh vực thiết kế vào năm 2019, giờ đây Việt Nam đang có 3 Thành phố sáng tạo.
UCCN thành lập năm 2004 nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các thành phố có chung mục tiêu coi sáng tạo là yếu tố chiến lược cho phát triển đô thị bền vững. Mạng lưới hiện có 350 thành phố từ hơn 100 quốc gia, tập trung vào 7 lĩnh vực sáng tạo gồm: Thiết kế, Văn học, Âm nhạc, Thủ công và Nghệ thuật dân gian, Ẩm thực, Điện ảnh và Nghệ thuật truyền thông.
Theo Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay: “Các thành phố trong Mạng lưới Thành phố sáng tạo của chúng tôi đang dẫn đầu trong việc tăng cường khả năng tiếp cận văn hóa và khơi dậy sức mạnh của sự sáng tạo để phục hồi và phát triển đô thị”.
Backstage News
Nguồn tổng hợp
Đọc thêm: Hội An – Câu chuyện xây dựng hồ sơ xét duyệt thành phố sáng tạo UNESCO