Ngày 28/4, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Vingroup ban hành nghị quyết về việc giải thể Công ty TNHH Việt Nam Grand Prix, một công ty con do Vingroup sở hữu 100% vốn điều lệ.
Việt Nam Grand Prix là công ty được thành lập từ tháng 8/2018 với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng để tổ chức giải đua xe công thức 1 (Formula 1 – F1).
Lúc bấy giờ, chặng đua F1 tại Việt Nam dự kiến tổ chức vào tháng 4/2020 và diễn ra ở khu Mỹ Đình (quận Nam Từ Liên, Hà Nội). Chặng đua dự kiến tổ chức trong vòng 1 tuần kết hợp trường đua được xây mới và hệ thống đường giao thông hiện có.
Chặng đua được Thành phố Hà Nội đăng cai tổ chức, sau đó giao cho Công ty Việt Nam Grand Prix là đầu mối đứng ra tổ chức độc quyền sự kiện chặng đua xe F1, phí đăng cai do Công ty này chi trả cho F1.
Đến tháng 2/2020, đường đua Hà Nội đã hoàn tất thi công toàn bộ 5,607km và các hạng mục cố định đi kèm sau hơn 11 tháng thi công.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 bùng phát từ cuối năm 2019, sau đó diễn biến phức tạp các năm 2020, 2021 đã khiến chặng đua xe F1 tại Việt Nam không thể diễn ra. Đây là điều rất đáng tiếc vì năm 2020 là năm đầu tiên Việt Nam trở thành thành viên chính thức trong 22 quốc gia đăng cai tổ chức giải đua ô tô chuyên nghiệp và hấp dẫn nhất hành tinh.
Sau đó, các hạng mục của đường đua dần bị tháo dỡ và cho đến tháng 10/2020 thì việc tháo dỡ hoàn tất.
Đây là một điều đáng tiếc khi ghi nhận thực tế người hâm mộ tại Việt Nam đang ngóng chờ, được tận mắt xem những chiếc xe tranh giành nhau những thành tích tốc độ đỉnh cao và thị trường F1 thế giới đang đem lại những lợi ích và lợi nhuận về kinh tế “khủng”.
Hiện tại, khu vực trường đua đang gần như bỏ hoang và không được sử dụng với bất cứ mục đích gì khác. Trong tương lai, Sở VH-TT Hà Nội là đơn vị đang quản lý, khai thác gần 300.000 m2 đường đua F1 sẽ cần sớm có giải pháp phù hợp để sử dụng hiệu quả tài nguyên đất. Dự án được thực hiện với mục đích duy nhất ban đầu là phục vụ giải đua xe F1 nên cho đến nay vẫn chưa có giải pháp “khả dĩ” nào được đưa ra cho quy mô đất hoang lớn này.
Nguồn: Cafebiz