Vở diễn Việt Nam Bách Nghệ đưa khán giả du ngoạn các làng nghề truyền thống với nhiều vùng không gian của đất nước.
Từ nay đến 31/7/2025, du khách đến Nha Trang sẽ có dịp trải nghiệm một trong những vở diễn sân khấu quy mô và giàu bản sắc nhất năm: “Việt Nam Bách Nghệ” – chương trình biểu diễn nghệ thuật hiện đại lấy cảm hứng từ các làng nghề truyền thống Việt Nam, được trình diễn tại Nhà hát Vinpearl, đảo Hòn Tre.

“Việt Nam Bách Nghệ” không phải là một vở kịch lịch sử hay cổ tích, mà là một hành trình sân khấu hóa tái hiện đời sống lao động sáng tạo trong các làng nghề truyền thống trên khắp ba miền đất nước. Từ cối giã gạo, khung cửi dệt lụa đến lò nung gốm, từng chất liệu dân gian quen thuộc được đưa lên sân khấu bằng ngôn ngữ múa, xiếc, âm nhạc điện tử và hiệu ứng thị giác.
Được dàn dựng bởi ê-kíp nghệ thuật kỳ cựu gồm: NSND Trần Ly Ly, NSND Tống Toàn Thắng (cố vấn nghệ thuật), đạo diễn – tác giả kịch bản Ninh Quang Trường, tổng biên đạo Dương Đình Hải và đạo diễn âm nhạc ThS Phạm Phương Nhung, nội dung chương trình do nhóm ASP đảm nhiệm ý tưởng và sản xuất. Việt Nam Bách Nghệ dẫn dắt người xem qua 9 màn trình diễn, lấy cảm hứng từ triết lý Ngũ Hành (Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ).

Sân khấu không cố mô phỏng hiện thực một cách đơn thuần, mà sử dụng ngôn ngữ biểu tượng và chuyển động để khơi gợi tinh thần của từng nghề. Mỗi màn diễn là một chương nghệ thuật riêng biệt, từ “Ngày mùa”, “Mây tre đan”, “Ươm tơ dệt lụa”, “Quà từ đất”, “Làng nón”… đến màn kết “Việt Nam Bách Nghệ” mang tính tổng hợp, khắc họa bản đồ nghề Việt sống động.
Âm thanh của Việt Nam Bách Nghệ khai thác mạnh yếu tố âm thanh tự nhiên từ lao động: tiếng giã gạo, xay lúa, tiếng khung cửi, tiếng lửa lò nung…
Những âm thanh đời thường này được xử lý và kết hợp với nhạc cụ hiện đại như xylophone, marimba để tạo nên những bản hòa âm gợi cảm, đậm chất “thủ công”. Xen kẽ là giai điệu của dân ca ba miền từ Cò Lả, Bèo Dạt Mây Trôi, Lý Cây Bông đến nhã nhạc cung đình giúp kết nối chiều sâu văn hóa với không khí hiện đại của sân khấu hôm nay.
Sân khấu của vở diễn được thiết kế chuyển động với đạo cụ thực tế từ nghề: rổ nia, khung dệt, chum gốm, vải lụa… kết hợp cùng công nghệ mapping, đèn LED và hiệu ứng khói, nước.
Một trong những phân cảnh ấn tượng nhất là màn “Quà từ đất” – mô phỏng nghề gốm. Trên sân khấu, hình ảnh một chiếc bình gốm khổng lồ được “nhào nặn” bởi diễn viên, hiệu ứng ánh sáng tạo thành hoạt cảnh lò nung rực lửa, và lớp men hoa lam vẽ tay dần hiện lên sống động trên bề mặt bình bằng kỹ thuật trình chiếu 3D mapping.
Không đi vào mô-típ cung đình hay truyền thuyết, “Việt Nam Bách Nghệ” chọn một hướng đi khác: tôn vinh những giá trị văn hóa gắn với đời sống thường ngày – nơi người thợ Việt sống, lao động và gìn giữ tinh hoa dân tộc qua từng sản phẩm thủ công.

Thông qua các màn biểu diễn, khán giả không chỉ được giải trí mà còn “được học”, được cảm nhận về văn hóa làng nghề, một phần hồn cốt của Việt Nam. Đây là lựa chọn phù hợp với dòng khách du lịch gia đình, khách nước ngoài, hoặc du khách muốn khám phá chiều sâu văn hóa địa phương.
Backstage News