Trong vài năm trở lại đây, thị trường gameshow và chương trình truyền hình thực tế tại Việt Nam đang chứng kiến sự bùng nổ của các tên tuổi nghệ sĩ quốc tế, đặc biệt là từ các quốc gia châu Á như Thái Lan, Hàn Quốc.
Sự xuất hiện ngày càng nhiều của các nghệ sĩ quốc tế trong gameshow Việt cũng khiến khán giả phải đặt ra câu hỏi, rằng điều này có thực sự cần thiết? Liệu đây là một chiến lược truyền thông khéo léo hay là một nước đi liều lĩnh, khi mà khách mời không tham gia xuyên suốt chương trình mà chỉ xuất hiện “nhát gừng” hoặc chưa “gây sốt” như mong đợi, trong khi đó số tiền chi ra để mời họ về không phải con số nhỏ?
Nội dung
Nghệ sĩ nước ngoài “đổ bộ” gameshow Việt
Thời gian qua, các chương trình gameshow nổi bật tại Việt Nam đã khiến công chúng không ngừng ngạc nhiên khi mạnh tay chịu chi để mời về những nghệ sĩ và khách mời quốc tế góp mặt trong chương trình với nhiều vai trò quan trọng.
Cuối tháng 8, Rap Việt mùa 4 khiến fan Việt ngỡ ngàng khi công bố rapper Thái Lan F.Hero sẽ ngồi ghế nóng trong vai trò giám khảo. Quyết định này của nhà sản xuất đã làm dấy lên làn sóng tranh cãi về việc: “Liệu giám khảo ngoại có hiểu thí sinh rap bằng tiếng Việt để chấm hay không?”…
TrongAnh Trai “Say Hi” mùa đầu tiên, nhà sản xuất đã “làm nóng” chương trình ở ngay những tập đầu tiên với sự xuất hiện của nam diễn viên nổi tiếng Thái Lan Nanon Korapat.
Chưa hết, đầu tháng 9, cuộc thi sắc đẹp Miss Universe Vietnam 2024 công bố dàn huấn luyện viên kỹ năng trình diễn toàn sao Thái gồm: Lukkade Metinee, Nathalie Ducheine, Eyes Sarucha, Mark Kingpayom, Wachirawitch Pitisirithanaboon. Tương tự, chương trình thực tế The Next Gentleman – Quý ông hoàn mỹ 2024 đang phát sóng cũng mời 2 gương mặt ngoại là Lukkade và DJ Matoom…
Thậm chí, gameshow hẹn hò “Đảo Thiên Đường” (mua bản quyền từ Hàn Quốc) còn tạo ra format mới với dàn cast gồm cả người Việt lẫn người Hàn. Trong chương trình, họ chủ yếu giao tiếp với nhau bằng tiếng Anh, thi thoảng mới sử dụng ngôn ngữ “mẹ đẻ”.
Sự lấn sân ngày càng hùng hậu của các sao quốc tế, đặc biệt là Hàn Quốc và Thái Lan trên sóng truyền hình Việt trong thời gian gần đây đã tạo ra những làn sóng bàn luận sôi nổi trong công chúng.
Tại sao gameshow Việt lại mời nghệ sĩ quốc tế?
Những năm qua, khán giả đã không còn xa lạ với những chương trình thực tế mua bản quyền từ nước ngoài và được phát sóng trên truyền hình Việt. Điển hình như The Voice, MasterChef, X Factor… của các năm về trước; hay Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai, 2 Ngày 1 Đêm, Rap Việt,… của hiện tại.
Các chương trình có bản quyền nước ngoài vốn đã tạo được tiếng vang nhất định, khi mang về Việt Nam ngay lập tức dễ dàng thu hút khán giả ở những mùa đầu tiên. Tuy nhiên, cái khó chính là không phải chương trình nào cũng có thể kéo dài và duy trì thành công qua nhiều mùa phát sóng. Sự vắng bóng của The Voice, Running Man Vietnam,… là ví dụ điển hình. Việc làm sao để chương trình không bị lãng quên, vẫn tạo ra thảo luận lớn sau mỗi mùa là bài toán vô cùng nan giải được đặt ra cho các nhà sản xuất gameshow trong nước.
Khi các gương mặt nghệ sĩ trong nước đã trở nên quá quen thuộc, các nhà sản xuất cần tìm đến những tên tuổi mới lạ ở ngoài nước, điển hình là người anh em láng giềng Thái Lan để giữ chân khán giả và tạo “độ nóng” cho chương trình. Vị trí được nhà sản xuất “nhắm” đến cho họ thường là giám khảo hoặc cố vấn. Bởi lẽ, bên cạnh kịch bản kịch tính và chất lượng thí sinh, thì tên tuổi của những người “cầm cân nảy mực” cũng là “con át chủ bài” thu hút sự chú ý của khán giả và truyền thông.
Không chỉ ở phạm vi trong nước, sự xuất hiện của các nghệ sĩ quốc tế còn mở rộng tầm ảnh hưởng và độ nhận diện của chương trình ra quốc tế. Các nghệ sĩ nước ngoài, đặc biệt là những cái tên đã có tên tuổi và lượng fan đông đảo tại các thị trường lớn như Thái Lan, Hàn Quốc, sẽ giúp chương trình tiếp cận một tệp khán giả mới, tăng lượng người xem.
Bên cạnh đó, đây còn là những nhân tố mang lại lợi ích kép: không chỉ tăng độ phủ sóng của chương trình mà còn thu hút các nhà tài trợ và quảng cáo, một phần quan trọng trong doanh thu của các chương trình truyền hình.
Sự xuất hiện của các nghệ sĩ nước ngoài cũng được kỳ vọng sẽ mang đến những luồng gió mới cho nội dung của chương trình. Các nghệ sĩ đến từ các quốc gia khác nhau thường mang theo kinh nghiệm, phong cách làm việc, và thẩm mỹ nghệ thuật riêng, góp phần làm phong phú thêm cho nội dung chương trình.
Ví dụ như Rap Việt 2024, bỏ qua những nghi ngờ về rào cản ngôn ngữ, F.Hero vẫn được kỳ vọng sẽ mang đến góc nhìn mới về văn hóa Hip-hop, giúp các thí sinh Việt Nam tiếp cận với sự phát triển của dòng nhạc này trên phạm vi quốc tế.
Liệu có phải một ván cược liều lĩnh?
Nói đi cũng phải nói lại, mặc dù việc mời các nghệ sĩ quốc tế có nhiều ưu điểm, có thể được xem là một chiến lược nhằm đáp ứng sự kỳ vọng của khán giả mới và giữ chân khán giả cũ. Tuy nhiên, đây cũng là một chiến lược mạo hiểm nếu không có nghiên cứu kỹ lưỡng.
Đơn cử như Anh Trai “Say Hi” khiến cư dân mạng “bàn lên bàn xuống” khi mời được “nam thần” Thái Lan Nanon Korapat được giới trẻ Việt hâm mộ. Trong những tập đầu, mỹ nam người Thái gốc Việt trở thành nhân vật được các anh trai săn đón quyết liệt vì luật chơi của chương trình. Tuy nhiên, vì lịch trình dày đặc nên nam diễn viên chỉ có thể đến Việt Nam tham gia duy nhất 1 buổi tập ghép đội hình. Điều này đã khiến khán giả không khỏi hụt hẫng, 2 tập có ngôi sao Thái Lan xuất hiện cũng trôi qua mờ nhạt.
Rap Việt 2024 cũng vừa dấy lên một cuộc tranh cãi nảy lửa trên mạng xã hội khi để rapper người Thái Lan ngồi vào ghế ban giám khảo. Nhiều khán giả thắc mắc F.Hero sẽ hiểu gì về lời rap, văn hóa và showbiz Việt để đưa ra nhận xét? Thậm chí nhiều người còn đặt ra câu hỏi nhân vật này là ai vì độ nhận diện không cao đối với khán giả Việt.
Đọc thêm: Dấu hỏi lớn về quyết định “gây sốc” của Rap Việt trong việc mời giám khảo Thái Lan?
Sự thay thế của bộ đôi DJ đình đám đến từ đến Mỹ – The Hotel Lobby – tại Rap Việt năm nay cũng khiến các rap fan bày tỏ sự hoài nghi về khả năng của 2 DJ này trong việc phát huy sức nóng, tinh thần mà Wukong hay DJ Mie đã tạo ra ở các mùa trước đó. Bởi lẽ, yếu tố văn hóa trong các sản phẩm của các rapper Việt thường mang tính địa phương rất cao. Nhiều người đặt ra câu hỏi liệu bộ đôi DJ đến từ Mỹ có hiểu được tinh thần, văn hóa Việt Nam để làm hài hòa với những phần thi đầy bản sắc của các thí sinh?
Với gameshow hẹn hò Đảo Thiên Đường – phiên bản Việt hoá của show hẹn hò nổi tiếng Địa Ngục Độc Thân tại Hàn Quốc, chương trình cũng nhận về không ít “gạch đá” sau vài tập phát sóng. Một trong số nguyên do chính là việc show sử dụng nhiều thứ tiếng bởi dàn cast đến từ các quốc gia khác nhau: Việt Nam, Hàn Quốc, Canada. Vì vậy, dù xem gameshow Việt nhưng phần lớn khán giả Việt vẫn sẽ phải đọc phụ đề để hiểu được nội dung của các cuộc hội thoại từ dàn cast đa quốc tịch, khiến trải nghiệm xem show không được trọn vẹn.
KẾT LUẬN
Không thể phủ nhận những gương mặt quốc tế sẽ giúp thị trường gameshow giải trí tại Việt Nam trở nên sôi động. Tuy nhiên, nếu để sự xuất hiện của họ chỉ là một nước đi truyền thông thì có thể mang lại nhiều rủi ro. Nhìn chung, chi phí đầu tư lớn, sự chênh lệch về văn hóa, rào cản ngôn ngữ hay phản ứng trái chiều từ khán giả trong nước là những rủi ro phổ biến mà nhà sản xuất các gameshow Việt phải đối mặt khi mời về những nghệ sĩ nước ngoài.
Chính vì vậy, để tối ưu hóa lợi ích từ việc mời nghệ sĩ quốc tế tham gia gameshow Việt, điều quan trọng là phải tạo ra sự kết nối chặt chẽ giữa nghệ sĩ và nội dung chương trình. Thay vì chạy theo xu hướng, các nhà sản xuất cần tập trung vào việc hợp tác với những nghệ sĩ có giá trị thực sự, thay vì chỉ đơn thuần tạo ra hiệu ứng nhất thời, không đảm bảo sức hút bền vững cho chương trình.
Quan trọng hơn cả, nhà sản xuất cũng phải cân nhắc để không khiến yếu tố ngoại lấn át hay làm mất đi tinh thần văn hóa, bản sắc riêng trong những chương trình giải trí Việt.
Backstage News