Từ Nam ra Bắc, rất đông người dân đã có mặt từ rất sớm , dù chờ lâu nhưng họ vẫn nán lại, kiên nhẫn chờ đợi để được vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Người dân xếp hàng dài từ đêm tới sáng
Tại Nhà tang lễ Quốc gia, hàng nghìn người dân đã có mặt xếp hàng, nhiều người thậm chí đã thức trắng đêm, nhiều người kiên nhẫn chờ xếp hàng từ rạng sáng, với chung một mong muốn sớm được vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và tiễn biệt Tổng Bí thư lần cuối.
Các con đường như Lò Đúc, Nguyễn Công Trứ, Tăng Bạt Hổ, Trần Thánh Tông…chật kín người, lực lượng công an, tình nguyên viên đã phải làm việc xuyên đêm để đảm bảo an ninh trật tự, hướng dẫn người dân xếp hàng, làm thủ tục để vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Chia sẻ với TTXVN, bà Lò Thị Măng, gần 70 tuổi, người dân tộc Mường tại xã Võ Miếu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ cho biết từ 5 giờ sáng bà đã có mặt để mong được sớm vào viếng Tổng Bí thư. Xúc động bà chia sẻ: “Nghe tin bác Trọng mất, tôi sững sờ, bàng hoàng. Vẫn biết sinh, lão, bệnh, tử đời người không tránh khỏi, nhưng tôi thương bác vì đến những giây phút cuối đời vẫn tận hiến cho đất nước, cho nhân dân. Người dân Võ Miếu chúng tôi rất biết ơn bác Nguyễn Phú Trọng, nhờ có bác Trọng, có Đảng và Nhà nước quan tâm nên quê hương tôi có con đường, nhờ đó mà việc đi lại, làm ăn, sinh sống được thuận lợi, kinh tế phát triển, đời sống của người dân được nâng lên. Người dân chúng tôi gọi đó là con đường “bác Trọng””.
Còn ở quê nhà của “Người đốt lò vĩ đại”, rất nhiều người dân từ nhiều tỉnh thành đã không quản đường xa để đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Do đông người dân đến viếng Tổng Bí thư nên Ban tổ chức đã sắp xếp khu vực gửi xe khá xa Nhà văn hóa để tránh ùn tắc, đồng thời bố trí hệ thống xe điện đưa đón. Tuy nhiên, hầu hết người dân chọn cách đi bộ để bày tỏ lòng thành kính với nhà lãnh đạo xuất sắc của đất nước. Trong nắng sớm, những bước chân đều đều hướng về nơi tổ chức lễ tang.
Để người dân được vào viếng Tổng Bí thư, huyện Đông Anh đã tổ chức công tác tiếp nhận đăng ký, sắp xếp và thông tin thứ tự cho các đoàn viếng, để các cơ quan, tổ chức, cá nhân chủ động được thời gian đến viếng.
Sự tiếc thương, tấm lòng thành thành kính của người dân cũng được thể hiện rõ ở trong miền Nam.
Tại con đường Lê Duẩn, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Du… khu vực dẫn đến cổng Hội trường Thống Nhất, dù trời chưa sáng tỏ nhưng người dân từ các tỉnh, thành phía Nam đã đứng ngay ngắn xếp hàng với trang phục đen, trắng chỉnh tề, chờ đăng ký vào viếng. Các bộ phận điều phối tại lễ tang như công an, quân đội, thanh niên tình nguyện… cũng đã phải làm việc từ sớm để hướng dẫn người dân xếp hàng trật tự.
Thậm chí, nhiều người đã khởi hành từ đêm khuya để kịp đến viếng thăm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, xuất phát từ 3 giờ sáng, bà Nguyễn Thị Tuyết (66 tuổi, ngụ huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương) mang theo khung ảnh gồm di ảnh của Tổng Bí thư và bài thơ tự sáng tác, bà Tuyết xúc động nghẹn ngào: “Suốt từ lúc hay tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời đến nay tôi vô cùng đau xót. Suốt mấy đêm tôi không ngủ được và sáng tác nên bài thơ này: Bác ơi bác đã đi rồi/Người dân cả nước ngậm ngùi tiếc thương/Cả cuộc đời bác dâng trọn cho quê hương/Cho đất nước đẹp giàu, sánh cùng bốn bể năm châu”.
Triệu trái tim hướng về một trái tim
Cho dù xếp hàng dài như thế nào, chật chội, nóng nực ra sao thì người dân vẫn kiên nhẫn chờ đợi. Những câu nói như: “Được gặp bác Trọng là tôi hết mệt mỏi”, “Lâu đến mấy cũng đợi vì là lần cuối được gặp bác rồi” là những lời động viên quen thuộc của người dân nhằm nhắc nhở bản thân rằng đợi lâu một chút cũng không sao miễn là được gặp bác Trọng.
Đến khi được vào viếng bác Trọng, nhiều người đã không cầm được nước mắt vì xúc động, tiếc thương cho một vĩ lãnh đạo đã hết lòng vì dân vì nước. Cứ như thế những giọt nước mắt lại “hòa” vào những giọt mồ hôi.
Có những người vượt cả trăm, cả nghìn cây số. Họ thuộc tất cả các tầng lớp nhân dân, không phân biệt tuổi tác, vùng miền… Tất cả đều mang theo tấm lòng biết ơn, thành kính.
Sự ấm áp của người dân Việt Nam còn được thể hiện qua những chai nước, những chiếc quạt tử tế và qua những chiếc quạt, điều hòa. Ghi nhận trên con đường Lò Đúc, tất cả các cửa hàng, quán ăn, ngân hàng đều chia sẻ sự vất cả cho nhau bằng cách đem quạt cho mọi người, chia nhau từng ngụm nước nhỏ.
Còn ở làng Lại Đà, người người dân ở đây hết lòng hỗ trợ khách thập phương trong ngày Quốc tang. Khi thấy nhiều người đứng xếp hàng dài chờ đến lượt vào viếng, chị Tống Thị Hiệu, sống cách nhà văn hóa chỉ vài trăm mét, liền đem ra tất cả những chiếc ghế nhựa trong nhà mời họ ngồi tạm, hy vọng họ có thể bớt chút mệt mỏi do đường xa, chờ đợi lâu.
Giữa buổi trưa nắng gắt, oi ả, người dân Lại Đà mướt mải mồ hôi chăm sóc những vị khách có lòng thành tới tưởng niệm, thắp hương cho người hàng xóm đáng tôn kính vừa từ trần của họ. Hầu như nhà nào trong làng cũng sẵn sàng chừa một chỗ nghỉ để người nào mệt sẽ có nơi chợp mắt, ngả lưng một chút.
Không ai bảo ai, tất cả những người trong làng đều mỗi người mỗi việc với mong muốn giúp đỡ cho khách đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Người thôn Lại Đà lại đem ra những chiếc ô và áo mưa để ở bàn bên ngoài cho khách thập phương sử dụng.
Có những điều tưởng đơn giản nhưng nó đã chứng minh rằng không đâu tình cảm, chân chất như người dân Việt Nam dành cho nhau.
Lễ an táng diễn ra lúc 15 giờ 00 phút chiều nay tại Nghĩa trang Mai Dịch, thành phố Hà Nội nhưng hiện nay đã có rất đông người có mặt để tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần cuối.
Backstage News