Hiện tượng sốc nhiệt trên đường chạy là sự cố đã xảy ra không ít với các vận động viên. Hầu hết các trường hợp xảy ra trong mùa hè với nhiệt độ và độ ẩm cao, cũng như tình trạng sức khoẻ của vận động viên không ở mức tốt nhất.
Một kế hoạch giúp phòng tránh sốc nhiệt cho các vận động viên là điều mà các nhà tổ chức giải chạy mùa hè cần đặc biệt lưu ý. Thực tế, trong các buổi hội thảo của Liên đoàn Điền kinh Thế giới, các chuyên gia thường nhắc lại nhiều lần về việc nếu có sự cố tai nạn xảy ra, thì yếu tố đầu tiên được xem xét là ban tổ chức. Do vậy, một kế hoạch tổ chức tốt sẽ giúp giảm rủi ro về các tai nạn trên đường chạy và giúp các runner tránh gặp sốc nhiệt trong quá trình thi đấu.
Dưới đây là 07 cách phổ biến giúp các nhà tổ chức có thể hạn chế rủi ro sốc nhiệt xảy ra trên đường chạy của mình.
Nội dung
1. Phân bổ đồng đều các trạm tiếp nước trên đường đua
Khoảng cách tốt nhất là khoảng 2km tới 2,5km giữa mỗi trạm và không có khu vực nào có trạm nước thưa thớt (khoảng cách từ 3km đến 4km trở lên giữa các trạm). Ban tổ chức nên lựa chọn nước điện giải và bổ sung thêm bánh dinh dưỡng, chuối để các VĐV bổ sung năng lượng và có thể giữ nước lâu trong quá trình tham gia thi chạy.
2. Bố trí thêm các miếng mút lạnh tại các điểm trạm
Miếng mút lạnh sẽ giúp các VĐV có thể dùng để xoa lên đầu, mặt hoặc thân người nhằm giảm nhiệt và làm mát cơ thể. Khi đến điểm nước – điện giải tiếp theo, runner có thể để tấm mút đã sử dụng đó lại thùng ngâm lạnh và có thể dùng những tấm mút được làm lạnh sẵn để làm mát cho chặng đường phía trước.
3. Bố trí thùng nước làm mát
Ban tổ chức có thể bố trí thùng nước sạch loại 220 lít (thùng phuy) kèm theo gáo phân bố ở mọi điểm trên đường đua. Ở những điểm nóng nhất cần được bố trí nhiều hơn để runner có thể làm mát và hạ nhiệt trong quá trình gắng sức vận động.
4. Lắp đặt trạm phun mưa
Nếu có thể, ban tổ chức nên cân nhắc lắp đặt các trạm phun mưa dọc đường đua giúp làm mát các VĐV trong quá trình thi đấu dưới trời nóng. Các trạm phun mưa cũng sẽ giúp làm hạ nhiệt trên tổng thể đường chạy, tạo không gian dễ chịu và dễ thở hơn cho các runner, giúp phòng tránh các nguy cơ sốc nhiệt.
5. Bố trí flycam trên cung đường chạy
Ngoài việc cập nhật & ghi nhận những khoảnh khắc của VĐV thì flycam còn giúp ban tổ chức phát hiện nhanh nhất những sự cố trên đường chạy để xử lý kịp thời. Ngoài ra, ban tổ chức có thể sắp xếp thêm các phóng viên ảnh cơ động trên toàn tuyến.
6. Đội ngũ TNV và y tá luôn túc trực sẵn sàng
Trên toàn bộ bản đồ đường đua nên có các vị trí cứu hộ được sắp đặt sẵn với các bộ dụng cụ y tế cần thiết. Càng nhiều vị trí cứu hộ càng tốt. Trong trường hợp sự cố y tế xảy ra, đặc biệt là sốc nhiệt, các phương án cấp cứu cho VĐV cần được sẵn sàng và nhanh nhất có thể.
7. Chuẩn bị bể ngâm lạnh cuối đường đua
Thông thường, sự cố trong các giải đấu thường xảy ra ở nửa cuối đường đua. Do vậy, việc sắp đặt các bể ngâm lạnh nửa cuối chặng đường sẽ giúp các vận động viên làm mát cơ thể ngay sau khi kết thúc đường chạy. Các rủi ro về sốc nhiệt cũng được phòng tránh và hạn chế nhất có thể.
Kết
Trên đây là các phương án cần thiết giúp ban tổ chức các giải chạy mùa hè có thể phòng tránh các sự cố y tế cho cả nhân viên và vận động viên tham gia. Tuy nhiên, ban tổ chức các giải chạy cũng cần lưu ý lựa chọn thời gian và địa điểm tổ chức sao cho đảm bảo an toàn nhất có thể, đặc biệt là trong thời tiết nắng nóng gay gắt của mùa hè.
Đọc thêm: Sốc nhiệt và cách xử trí khi tổ chức giải chạy mùa hè
Backstage News