Doanh nghiệp tổ chức sự kiện nhằm nâng tầm tên tuổi, thương hiệu, sản phẩm và dịch vụ, đồng thời giúp tiếp cận được khách hàng mục tiêu và thúc đẩy doanh số.
Tổ chức sự kiện là một phần quan trọng để doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, kết nối với khách hàng và thúc đẩy doanh số. Tuy nhiên, không phải tất cả các sự kiện trong một doanh nghiệp đều giống nhau. Có nhiều loại sự kiện doanh nghiệp khác nhau, mỗi loại phục vụ những mục đích và đối tượng khác nhau.
Dưới đây là 15 loại sự kiện doanh nghiệp phổ biến mà người làm event nên biết:
Nội dung
1. Hội nghị (Conference)
Hội nghị là một sự kiện được tổ chức cho các chuyên gia làm việc trong cùng ngành hoặc cùng công ty để thảo luận về nhiều chủ đề cụ thể, xem xét xu hướng, chia sẻ thông tin và xác định các cơ hội mới. Sự kiện này có quy mô và phạm vi khác nhau, từ các cuộc họp toàn công ty đến các sự kiện toàn ngành lớn. Một hội nghị có thể kéo dài từ một đến vài ngày và bao gồm các phiên họp, thảo luận nhóm và các hoạt động giao lưu.
2. Hội thảo (Seminar)
Hội thảo là sự kiện có quy mô nhỏ hơn, tập trung vào việc đào tạo hoặc cung cấp kiến thức chuyên sâu về một chủ đề cụ thể và được dẫn dắt bởi một hoặc vài diễn giả có chuyên môn cao trong lĩnh vực đó. Các hội thảo có thể kéo dài từ vài giờ đến một ngày và thường mang tính chất tương tác cao, cho phép người tham gia thảo luận và đặt câu hỏi. Sự kiện này cũng tạo cơ hội kết nối và trao đổi giữa những người tham dự trong cùng lĩnh vực ngành nghề.
3. Họp báo (Press Conference)
Họp báo là một sự kiện được tổ chức để cung cấp thông tin chính thức từ một cá nhân, tổ chức, công ty hoặc cơ quan chính phủ đến giới truyền thông. Tại đây, người phát ngôn hoặc đại diện tổ chức sẽ trình bày thông tin, trả lời câu hỏi và cung cấp tư liệu cho các nhà báo và phóng viên.
4. Workshop (Hội thảo thực hành)
Đây là một sự kiện đào tạo hoặc giáo dục tập trung vào việc cung cấp kiến thức và kỹ năng về một chủ đề cụ thể thông qua các hoạt động thực hành và tương tác. Thay vì chỉ nghe thuyết trình, người tham gia được khuyến khích tham gia vào các hoạt động, thảo luận và bài tập để áp dụng kiến thức vào thực tế.
5. Teambuilding (Sự kiện xây dựng đội nhóm)
Teambuilding là các hoạt động và sự kiện được thiết kế để cải thiện khả năng hợp tác, giao tiếp và thúc đẩy tinh thần làm việc nhóm trong một đội nhóm hoặc một tổ chức. Các hoạt động này có thể là các trò chơi hoạt động ngoài trời, workshop phát triển kỹ năng,…
Tại Việt Nam, các sự kiện teambuilding thường được tổ chức tối thiểu 1 lần/ năm.
6. Lễ trao giải (Award Ceremony)
Lễ trao giải là một sự kiện mang tính trang trọng, được tổ chức để vinh danh và trao thưởng những cá nhân, đội nhóm hoặc tổ chức đã đạt được thành tích xuất sắc hoặc có đóng góp đáng kể trong một lĩnh vực cụ thể. Sự kiện này thường bao gồm việc trao thưởng, chứng nhận hoặc các danh hiệu như “Nhân viên của năm”, “Lãnh đạo xuất sắc nhất”, “Dự án sáng tạo nhất”,… nhằm ghi nhận thành tựu và công lao của cá nhân hoặc tập thể được vinh danh.
7. Lễ kỷ niệm (Anniversary celebration)
Lễ kỷ niệm là sự kiện doanh nghiệp tổ chức để đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử của công ty, chẳng hạn như kỷ niệm ngày thành lập, kỷ niệm hoạt động hoặc các thành tựu đáng chú ý khác. Sự kiện nhằm để tôn vinh quá trình phát triển của công ty, ghi nhận những đóng góp của nhân viên và đối tác, đồng thời thể hiện lòng tri ân đến các bên liên quan.
8. Sự kiện từ thiện/ gây quỹ (Fundraisers)
Sự kiện gây quỹ là một hoạt động được các doanh nghiệp tổ chức để huy động tiền hoặc tài trợ cho các dự án cụ thể, ví dụ như các dự án từ thiện, nghiên cứu hoặc các hoạt động khác của tổ chức.
Các sự kiện gây quỹ phổ biến trong doanh nghiệp bao gồm: đấu giá, dạ tiệc, giải chạy, ngày hội từ thiện, ngày hội cộng đồng… Tiền/ vật phẩm thu được từ các hoạt động này sẽ được doanh nghiệp sử dụng cho mục tiêu gây quỹ.
9. Hội nghị khách hàng (Customer Conference)
Hội nghị khách hàng là một sự kiện được tổ chức bởi doanh nghiệp nhằm mục đích gặp gỡ, trao đổi và xây dựng mối quan hệ với khách hàng hiện tại và tiềm năng. Đây là cơ hội để doanh nghiệp giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ mới, chia sẻ thông tin về chiến lược tương lai, dự báo xu hướng thị trường, đồng thời lắng nghe phản hồi từ khách hàng.
Một số hoạt động thường thấy trong hội nghị khách hàng bao gồm: các phiên thảo luận, triển lãm sản phẩm, phát biểu từ lãnh đạo doanh nghiệp hoặc chia sẻ từ diễn giả…
10. Sự kiện tri ân khách hàng
Đây là sự kiện được tổ chức để cảm ơn và tri ân khách hàng thân thiết đã ủng hộ và tin tưởng vào sản phẩm/ dịch vụ của doanh nghiệp. Sự kiện này bao gồm một số hoạt động như tiệc tối, khen thưởng & cảm ơn, quà tặng hoặc ưu đãi đặc biệt, các hoạt động giải trí nghệ thuật,…
Sự kiện này giúp doanh nghiệp tạo dựng và củng cố mối quan hệ tốt đẹp với khách hàng, từ đó tạo cơ hội tăng cường sự nhận biết về thương hiệu và các sản phẩm/ dịch vụ của doanh nghiệp.
11. Sự kiện kết nối doanh nghiệp (Networking Event)
Đây là nơi các chuyên gia và doanh nghiệp trong cùng ngành hoặc các lĩnh vực khác nhau gặp gỡ, giao lưu và xây dựng mối quan hệ kinh doanh. Đây là một cơ hội để doanh nghiệp, cá nhân tạo dựng các kết nối mới, trao đổi thông tin và khám phá cơ hội hợp tác trong tương lai. Loại hình sự kiện này có thể được tổ chức dưới dạng một bữa tiệc, hội thảo,…
12. Ngày hội việc làm (Job Fair)
Ngày hội việc làm là sự kiện tập trung vào việc kết nối các nhà tuyển dụng với các ứng viên tìm việc. Sự kiện này thường bao gồm các gian hàng của nhiều doanh nghiệp khác nhau để kết nối trực tiếp nhà tuyển dụng và ứng viên. Ngoài ra còn có những buổi hội thảo, tư vấn về các kỹ năng và các vấn đề liên quan đến nghề nghiệp.
13. Hội chợ thương mại (Trade Show)
Nếu Job Fair là nơi kết nối nhà tuyển dụng và ứng viên, thì Trade Show là nơi các doanh nghiệp tận dụng để tăng cường thương hiệu và tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới. Tại đây, các doanh nghiệp sở hữu những gian hàng (booth) riêng để trưng bày sản phẩm và dịch vụ trực tiếp tới khách hàng và đối tác tiềm năng.
14. Sự kiện ra mắt sản phẩm (Product Launch)
Sự kiện ra mắt sản phẩm được tổ chức nhằm mục đích giới thiệu sản phẩm hoặc dịch vụ mới tới công chúng, đối tác và khách hàng; kết hợp cùng các hoạt động quảng bá và truyền thông để tạo sự quan tâm về sản phẩm và kích thích doanh số.
Loại hình sự kiện này thường được tổ chức dưới hình thức như sự kiện trực tiếp (triển lãm, activation,…) sự kiện ảo hoặc hybrids. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể kết hợp với các sự kiện khác để giới thiệu sản phẩm mới như hội thảo, cuộc thi hay các hoạt động cộng đồng.
15. Sự kiện trực tuyến (Online/ Virtual Event)
Sự kiện trực tuyến là các sự kiện được tổ chức online qua internet, cho phép người tham gia kết nối và tham dự từ xa thông qua các nền tảng số. Loại hình sự kiện này được thực hiện phổ biến ở các doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia, có thể bao gồm hội thảo, hội nghị, triển lãm ra mắt sản phẩm, cuộc họp và các hoạt động khác mà không bắt buộc sự có mặt trực tiếp của người tham gia.
Một số công cụ và nền tảng công nghệ trực tuyến được nhiều doanh nghiệp sử dụng hiện nay bao gồm: Zoom, Microsoft Teams, Webex, Hopin,…
Backstage News