Kỳ đài Lễ Độc Lập là công trình kiến trúc được thiết kế và thi công nhanh gọn trong 18 giờ đồng hồ cho một sự kiện vô cùng quan trọng - Lễ tuyên ngôn Độc Lập. Sự kiện này đánh dấu cột mốc giữa đêm dài trăm năm nô lệ và bình minh Độc Lập.
KỲ ĐÀI TRONG LỄ ĐỘC LẬP 2/9/1945 ĐÃ ĐƯỢC THIẾT KẾ VÀ THI CÔNG NHƯ THẾ NÀO?
Theo chủ trương của Ban tổ chức Lễ Tuyên ngôn Độc lập, Kỳ đài phải làm thật giản dị nhưng cũng phải thật trang nghiêm; trên đó có thể đứng được hơn 30 người; phải tính toán độ cao để 2/3 số dân nội, ngoại thành đến tham dự có thể nhìn thấy Hồ Chủ tịch và các thành viên Chính phủ lâm thời.
Kỳ đài cao hơn 4m, rộng và sâu 4m, trên có 1 cột cờ cao hơn 10 m, hai bên có hai lư hương trầm lớn bằng gỗ.
Vậy ai là tác giả của chiếc Kỳ đài lịch sử đó?
Ông Nguyễn Hữu Đang (Trưởng Ban tổ chức) nói: “Kỳ đài Lễ Độc lập là một công trình kiến trúc, tuy dựng gấp rút, tạm thời, nhưng phải đạt được những tiêu chuẩn không thể thiếu của nó như sự vững chắc, sự hài hoà công trình với tổng thể… Nói ví dụ nếu không vững chắc, mấy chục con người đứng lên, nó đổ sụp xuống thì ngày lễ coi như thất bại.”
Ngay lúc đó, ông Quỳnh ăn vận chỉnh tề bước lên và nói: “Tôi là kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh, cùng hoạt động trong Hội văn hoá cứu quốc với anh Phạm Văn Khoa. Hôm qua tôi được anh Khoa cho biết ý đồ của Ban tổ chức, tôi đã vẽ xong bản đề án thiết kế lễ đài”. Ông Quỳnh trải rộng cuộn giấy can cầm sẵn trong tay lên mặt bàn. Đó chính là bản vẽ toàn cảnh Kỳ đài thật đẹp, thật chi tiết, tỉ mỉ… Kỳ đài với tổng thể vườn hoa Ba Đình, vị trí dựng lễ đài, chiều cao, chiều rộng, mặt bằng, mặt cắt ngang, cắt dọc lễ đài, độ lớn các xà gỗ, tổng diện tích mặt ván ốp lát…
Cuối cùng, ông Ngô Huy Quỳnh vinh dự nhận công việc hết sức lớn lao này. Đúng 12 giờ 30 ngày 1/9/1945, Kỳ đài bắt đầu được thi công. Thời gian quá gấp nên Kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh trực tiếp thi công cùng mọi người. Ngay sáng hôm đó, ông Phạm Văn Khoa mời thêm ông Quyến là thợ mộc rất giỏi ở phố Hàng Hành để cùng thi công Kỳ đài. Xem qua bản vẽ, ông Quyến tính số khung, số ván, số đinh và một số vật liệu khác để Ban Tổ chức chuẩn bị. Huy động thêm 10 người thợ mộc cùng 40 anh em ở Ban Cổ động, Ban Khánh tiết, Ban Khoa giáo đến giúp việc.
Lúc bấy giờ vườn hoa Ba Đình chỉ là khoảng đất phẳng, nên mọi người chôn các trụ của Kỳ đài xuống đất để vừa tiết kiệm gỗ lại không phải cưa và tạo cho Kỳ đài vững chắc. Khi Kỳ đài vừa được dựng lên, anh em trong ban Khánh tiết nhanh chóng bọc vải, ken hoa và chuẩn bị hệ thống âm thanh. Ông Dực chủ hiệu sửa chữa radio, tốt nghiệp Trường Kỹ nghệ thực hành lo việc mắc hệ thống loa đài quanh quảng trường Ba Đình và các phố phụ cận, đồng thời đảm nhiệm luôn ngồi trực dưới gầm lễ đài để theo dõi kỹ thuật…
Gần 6 giờ sáng hôm sau (ngày 2/9/1945) khi đứng trên Kỳ đài để kiểm tra lần cuối cùng, ông Ngô Huy Quỳnh thấy đồng bào khắp nơi đang đổ về với khí thế cách mạng hừng hực, cờ hoa, biểu ngữ giăng khắp. Mùi trầm từ hai lư hương lớn tỏa hương ngào ngạt, ông thấy lòng thanh thản vì vừa hoàn thành một trọng trách to lớn – Kỳ đài biểu tượng của ý chí độc lập dân tộc đã kịp hoàn thành phục vụ cho Lễ Độc lập đầu tiên của nước nhà, cứ thế nước mắt KTS Ngô Huy Quỳnh trào ra vì sung sướng, hạnh phúc…
Quảng trường Ba Đình Hà Nội ngày 2/9/1945, hơn 500.000 người đại diện cho mọi tầng lớp nhân dân hân hoan chờ đón thời khắc lịch sử của dân tộc. Sau lễ chào cờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời, trang trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, trịnh trọng tuyên bố với quốc dân và thế giới sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Backstage tổng hợp