Mặc dù việc sắp đặt thùng rác tại các sự kiện chưa bao giờ bị bỏ qua nhưng tình trạng rác thải bị bỏ lại bừa bãi vẫn còn là một vấn đề nhức nhối. Để tổ chức một sự kiện xanh hiệu quả, các nhà tổ chức sự kiện cần đặc biệt quan tâm xử lý tình trạng này trong sự kiện của mình.
Ước tính rằng 68% chất thải từ mọi sự kiện được đưa đến các bãi chôn lấp, gây ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường. Chính vì vậy, việc đưa ra phương án xử lý rác thải hiệu quả trong mỗi sự kiện là vô cùng quan trọng. Đặc biệt khi nhà tổ chức muốn hướng tới một sự kiện xanh. Để thực hiện được điều này, bước đầu tiên các nhà tổ chức cần biết cách sắp đặt và quản lý thùng rác hiệu quả trong các khu vực tổ chức sự kiện.
Nội dung
Phân loại các thùng rác khác nhau
Nhà tổ chức sự kiện cần nắm rõ sự kiện của mình có thể có các loại chất thải nào. Từ đó phân loại chúng thành các thùng đựng tương ứng. Điều này giúp làm giảm sự quá tải về sức chứa của khu vực thùng rác, đồng thời giúp quá trình xử lý rác thải sau sự kiện trở nên dễ dàng hơn.
Một sự kiện điển hình sẽ có 04 loại chất thải sau:
- Giấy & bìa cứng có thể tái chế: Giấy văn phòng, phong bì, thư mục manilla, báo, tạp chí, bìa các tông nhẹ,…
- Chai, lọ rỗng: Các chai, lọ làm bằng nhựa, thủy tinh, lon nhôm và thiếc
- Rác thải có thể phân hủy: thực phẩm thừa, khăn ăn, khăn giấy,…
- Rác thông thường không thể phân hủy: túi nhựa và màng bọc thực phẩm, giấy gói bằng sáp,…
Tuy nhiên, đơn vị tổ chức có thể phân chia thành các loại thùng rác và thùng tái chế khác nhau tùy thuộc vào quy mô, tính chất của từng loại sự kiện. Ngoài ra, đảm bảo tìm hiểu thông tin từ khu vực, địa phương nơi diễn ra sự kiện về những gì có thể được tái chế. Đây sẽ là một bước đầu tốt giúp việc xử lý chất thải sau sự kiện dễ dàng và hợp lý.
Trước sự kiện: Các thùng rác dễ nhìn và nhận biết
Nhà tổ chức nên có sự chuẩn bị trước các loại thùng rác cần dùng đến. Đồng thời thiết kế sao cho chúng dễ dàng được nhận dạng thông qua màu sắc, hình ảnh, chữ,….
Thiết kế mỗi loại thùng rác sở hữu màu sắc đại diện và biển báo khác nhau
Chỉ mất vài giây để một người quyết định nơi họ vứt rác. Do vậy, vị trí các biển báo được đặt rõ ràng ngang tầm mắt là điều cần thiết. Các biển báo nên có thêm hình ảnh/văn bản giúp người vứt đưa ra quyết định nhanh chóng và tránh mọi rào cản ngôn ngữ.
Ngoài ra, các thùng rác có nắp đậy che kín sẽ tốt hơn thùng rác không có nắp. Nắp đậy giúp loại bỏ các loài động vật gây hại tiếp cận với chất thải. Thời tiết khắc nghiệt cũng sẽ không làm phân tán mùi chất thải ra khắp không gian sự kiện.
Sắp đặt thùng rác thường và thùng tái chế cạnh nhau
Nếu trong sự kiện chỉ có một thùng rác, người tham dự chắc chắn sẽ bỏ mọi thứ rác thải vào đó, kể cả những thứ có thể tái chế. Điều này gây ra khó khăn trong việc xử lý và loại bỏ rác. Tất cả các loại rác tụ lại một chỗ cũng sẽ khiến thùng rác bị quá tải, các rác thải về sau có thể nằm bừa bãi vì không còn chỗ chứa.
Đặt thùng rác ở những khu vực có nhiều người qua lại và dễ nhìn
Đó có thể là lối ra vào, gần nhà vệ sinh, bãi đỗ xe, khu vực ăn uống và các khu vực trung tâm khác. Như vậy, người tham dự sẽ không ngại việc phải đi quá xa để loại bỏ rác của họ.
Đồng thời giáo dục tất cả các thành phần tham dự sự kiện về vị trí của các thùng rác và cách phân loại chúng. Liên hệ làm việc với đơn vị xử lý rác thải đến thu gom và vận chuyển đến cơ sở thích hợp.
Trong sự kiện: “Làm đầy” nhận thức, làm trống thùng rác
Việc liên tục giáo dục người tham gia bỏ rác đúng nơi đúng loại và quản lý sức chứa các thùng đựng trong sự kiện sẽ giúp quá trình xử lý rác thải về sau thuận lợi và hiệu quả hơn.
Nhà tổ chức có thể thực hiện bằng cách:
- Thường xuyên thông báo người tham dự sự kiện biết về khu vực sắp đặt thùng rác và cách phân loại chúng. Có thể thông báo qua MC, biển báo hay có nhân viên trực tiếp hướng dẫn.
- Giám sát sức chứa của các thùng và làm trống các thùng rác thường xuyên. Bổ sung số lượng thùng đựng nếu cần. Việc này giúp khu vực đựng rác tránh bị quá tải dẫn đến rác bị bỏ lại bừa bãi bên ngoài thùng hoặc trên mặt đất.
- Bổ sung quy trình thông báo khu vực đựng rác thải và đồ tái chế cho nhân viên nếu trong sự kiện có quầy bán đồ ăn, đồ uống hoặc những sản phẩm đóng gói khác.
- Có thể sắp xếp thêm các hỗ trợ viên xung quanh khu vực thùng đựng rác để chỉ dẫn và hỗ trợ người tham dự phân loại rác trực tiếp tại đó.
- Truyền thông, giáo dục người tham gia về thói quen phân loại rác và tái chế nhằm bảo vệ môi trường.
Sau sự kiện: Thu gom và xử lý thùng rác hiệu quả
Việc xử lý rác thải sau sự kiện là một bước rất quan trọng. Kết quả của quá trình này liên quan trực tiếp đến việc tác động tới môi trường của rác thải sau sự kiện.
- Đảm bảo các thùng rác được đặt ở đúng các vị trí đã thỏa thuận để các nhà thầu có thể dễ dàng đến thu gom.
- Làm sạch toàn bộ các khu vực thùng rác, đảm bảo tất cả các chất thải được thu gom và phân loại sạch sẽ.
- Có phương án xử lý và sắp xếp gọn gàng các thùng trống sau khi loại bỏ rác. Rửa sạch chất bẩn còn đọng lại ở thùng là một việc cần thiết.
- Cập nhật tình hình xử lý rác thải từ bên vận chuyển. Đảm bảo chắc chắn họ đã làm việc hiệu quả theo đúng thỏa thuận ban đầu.
Mẹo bổ sung giúp quản lý rác thải hiệu quả hơn
Để xanh hóa một sự kiện, việc quản lý hiệu quả rác thải trong sự kiện rất cần thiết. Nhưng nếu nhà tổ chức có kế hoạch làm giảm thiểu rác thải ngay đầu, việc quản lý sẽ trở nên thuận lợi hơn.
Đây là một số gợi ý giúp giảm thiểu rác thải trong sự kiện:
- Cung cấp các trạm nước để người tham dự có thể đổ đầy chai miễn phí thay vì phải mua nhiều chai nhựa
- Giảm/loại bỏ việc sử dụng túi nhựa, ống hút nhựa, bóng bay, cốc và dao kéo dùng một lần
- Thay thế giấy bằng các ứng dụng công nghệ, kỹ thuật số
- Cân nhắc đặt đồ ăn cho cá nhân thay vì cho nhóm người giúp giảm lượng đồ ăn thừa
- Tránh mua với số lượng lớn các sản phẩm đóng gói rời dùng một lần
- Tăng thuê, giảm mua
Ngoài những nỗ lực giảm thiểu rác thải đầu vào, nhà tổ chức có thể kết hợp trưng bày những thông điệp xanh trong sự kiện của mình. Điều này giúp nâng cao nhận thức của người tham dự về trách nhiệm xanh hóa của mình. Các thông điệp có thể là“Vì một môi trường xanh, nói không với rác thải”, “Sống tốt với môi trường là sống tốt với chính mình”, “Hãy tái chế bất cứ đồ nhựa nào khi có thể”,…
Thông điệp xanh tạo nên nhận thức xanh. Nhận thức xanh tạo nên hành động xanh. Hành động xanh tạo nên sự kiện xanh.