Tin tức Weekend Voyage Festival thông báo hủy show ngay trước ngày diễn ra đã khiến người hâm mộ không khỏi bất ngờ, xen lẫn thất vọng. Những thông báo hủy show đột ngột như vậy không đơn giản chỉ nhận lại sự ngán ngẩm hay giận dữ từ khán giả. Đó còn là những thiệt hại khủng khiếp về tiền, thậm chí là những thứ hơn cả tiền.
Kể từ khi những bữa tiệc âm nhạc siêu mãn nhãn quy tụ những ngôi sao quốc tế đổ bộ, khán giả Việt cũng bắt đầu được trải cảm giác sốc khi bị hủy show. Với những thông báo “làm tan nát con tim” như vậy, có vẻ như khán giả là người chịu thiệt thòi nhất. Tuy nhiên, đi kèm với những mất mát về cảm xúc còn có sự song hành của những thiệt hại về tiền bạc, sự uy tín hay niềm tin dành cho thị trường âm nhạc quốc tế tại Việt Nam.
>> Đọc thêm: Weekend Voyage Festival thông báo huỷ show sát giờ G
Nội dung
Thông báo hủy show có sao quốc tế không còn xa lạ ở Việt Nam
Khán giả Việt không còn quá lạ lẫm với những thông báo hủy show đột ngột ngay trước giờ G, nhất là với những show trong nước và có sự góp mặt của các sao quốc tế nổi tiếng.
Có thể kể đến từ vụ hủy show của Lee Min Ho năm 2013, của Psy năm 2015, hủy fanmeeting của Jessica cuối 2016. Hay cú sốc lớn nhất từ trước đến nay đối với fan Việt là thông báo hủy show của Ariana Grande năm 2017 chỉ được đưa ra vỏn vẹn 5 tiếng trước giờ diễn.
Nếu gọi là “những cơn sốc mang tầm quốc tế” cũng không quá, bởi “cơn khát” và sự kỳ vọng đến từ người hâm mộ Việt quá lớn. Những idol, thần tượng mà họ vốn chỉ có thể nghe online hay thấy trên màn ảnh nhỏ, nay họ lại có cơ hội được nhìn và giao lưu trực tiếp qua những show diễn này.
Để được tận mắt thấy thần tượng của mình, họ không chỉ đánh đổi thời gian, công sức mà còn là tiền bạc hay các cơ hội quan trọng khác. Thậm chí với Weekend Voyage Festival 2023 gần đây nhất, khán giả Việt đã chi hàng chục đến hàng trăm triệu đồng cho vé vào show, chưa kể các chi phí ăn ở, đi lại khác.
Thiệt hại từ hủy show không chỉ là tiền
Không bàn đến nguyên nhân hay đúng sai từ bên nào, thiệt hại từ hủy show là rất lớn.
Các bên chịu thiệt hại không chỉ là nhà sản xuất, khán giả. Với những show có nghệ sĩ nước ngoài, việc hủy show đột ngột như này còn ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín và danh tiếng của ngành giải trí Việt Nam trong thị trường quốc tế.
Trước hết vẫn phải đề cập đến thiệt hại tài chính
Nhà sản xuất vẫn phải trả đủ chi phí địa điểm, dàn dựng sân khấu, toàn bộ trang thiết bị phục vụ cho show diễn, và tất cả các chi phí sản xuất, truyền thông và tiếp thị khác. Tổn thất sẽ nặng hơn nếu show bị hủy sát giờ.
Đối với khán giả, thiệt hại tiền bạc từ hủy show có lẽ không lớn như đơn vị tổ chức. Đa số trong các trường hợp như này, khán giả sẽ được hoàn tiền vé.
Nhưng, không có nghĩa họ không chịu bất kỳ tổn thất nào về mặt tài chính. Chi phí để tham gia show diễn của một khán giả ngoài tiền vé còn là chi phí ăn ở, đi lại, mua sắm hay chuẩn bị các trang thiết bị khác, đặc biệt với những khán giả phải đi xa để tham dự sự kiện.
Tiếp theo là cảm xúc của công chúng
Những thất vọng, buồn chán hay thậm chí là phẫn nộ từ khán giả chắc chắn không thể tránh khỏi sau mỗi thông báo hủy show.
Việt Nam vẫn đang ở áp chót về thị trường giải trí quốc tế trong khu vực. Khán giả tiềm năng cho các show âm nhạc quốc tế tại Việt Nam vừa nhiều vừa ít. Nhiều vì ai cũng khát những sự kiện tầm cỡ như vậy (bởi ít có cơ hội được xem). Ít vì không phải ai cũng có khả năng tài chính để mua vé.
Khán giả Việt Nam đang rất cần những cú huých thực sự để có thêm thói quen hướng đến giải trí quốc tế nói chung và KPOP hay Âu Mỹ nói riêng, thay vì chỉ biết đến VBiz như hiện nay. Những vụ hủy bất ngờ như vậy tác động không nhỏ đến tâm lý và niềm tin của khán giả, khiến cho thói quen này càng khó khăn hơn.
Sự uy tín của đơn vị tổ chức bị ảnh hưởng
Có nhiều sự kiện bị hủy bởi những lý do không rõ ràng hoặc không làm thỏa mãn sự tò mò quan tâm của công chúng. Ít nhiều những điều này làm ảnh hưởng và giảm uy tín của các đơn vị tổ chức. Đặc biệt khi môi trường giải trí quốc tế có sự kết nối và chia sẻ thông tin rất nhanh và rộng.
Cuối cùng là hình ảnh của Việt Nam trên bản đồ điểm đến của các sao quốc tế
Hàng năm có hàng trăm show lớn nhỏ diễn ra tại Singapore, Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc. Còn Việt Nam thì vẫn lặng lẽ nằm ngoài, khán giả Việt vẫn phải chấp nhận đứng nhìn từ xa. Không phải bởi các đơn vị tổ chức không muốn, nhưng vì nhiều lý do (trong đó có yếu tố tài chính).
Việc các show bị hủy sẽ khiến cho điểm đến Việt Nam càng ít cơ hội được lựa chọn trong các tour diễn của các nghệ sĩ quốc tế.
Lĩnh vực sản xuất và tổ chức các sự kiện âm nhạc vốn đã đầy rủi ro. Trong khi đó, các thông báo hủy buổi trình diễn bất ngờ ngay trước giờ diễn như này lại khiến các nhà sản xuất càng đối mặt thêm nhiều thách thức, nếu họ muốn tổ chức các show diễn mang tầm cỡ quốc tế.
Backstage VN
Tham khảo: IB Group Việt Nam
>> Đọc thêm: Show ca nhạc có sao quốc tế thường xuyên bị hủy: Lý do từ đâu?