Hiện nay, các quy định đối với người tham gia các sự kiện âm nhạc ngày càng trở nên khắt khe và gắt gao hơn, đặc biệt đối với các sự kiện có bán vé. Sự kiện càng lớn, quy định được ban tổ chức đưa ra càng nghiêm ngặt, khiến khán giả có đôi phần hoang mang và lạ lẫm.
Các sự kiện âm nhạc là nơi quy tụ những sao dàn nghệ sĩ đình đám cả trong nước và quốc tế, tùy vào từng quy mô sự kiện. Đây cũng là cơ hội để fan đến ủng hộ và gặp thần tượng của mình. Dù lớn hay nhỏ, các show ca nhạc hay concert đều sở hữu lượng lớn người tham gia. Do vậy, ban tổ chức các sự kiện âm nhạc cũng đưa ra nhiều quy định khắt khe tại sự kiện nhằm đảm bảo công tác tổ chức và ngăn ngừa các rủi ro.
Nội dung
Quy định về đối tượng tham dự
Hầu như rất khó tìm thấy các sự kiện hay lễ hội âm nhạc hiện nay cho phép người tham dự dưới 12 tuổi (không kể đến các sự kiện đặc biệt dành cho trẻ em). Đa số các sự kiện đều đưa ra quy định người tham gia phải từ 15 tuổi trở lên. Nhiều sự kiện chỉ đồng ý người trên 18 tuổi tham dự.
Phụ nữ mang thai và những người có vấn đề về sức khỏe đều được khuyến cáo không nên tới các sự kiện âm nhạc. Thậm chí nhiều sự kiện âm nhạc có tính chất hoạt động mạnh như đại nhạc hội EDM đều từ chối đối tượng khán giả này tham dự.
Đặc biệt, các loài động vật và thú nuôi đều xuất hiện trong quy định cấm của các sự kiện âm nhạc.
Quy định về thủ tục check-in
Cụ thể một số thông tin đều được quy định rõ ràng trong quy trình check-in gồm:
- Xuất trình vé sự kiện đã mua (vé thẻ cứng hoặc vé điện tử)
- Check-in theo từng khu vực theo hạng vé
- Xếp hàng trật tự, không chen lấn, không xô đẩy
Đối với các sự kiện yêu cầu độ tuổi, người tham dự sẽ thêm 1 bước là xuất trình giấy tờ tùy thân để xác nhận độ tuổi.
Trong quá trình diễn ra sự kiện, nếu khán giả ra ngoài và muốn vào lại sẽ cần xuất trình vé vào hoặc các đồ vật khác (vòng tay, thẻ đeo,…) có đóng dấu xác nhận của BTC.
Thực tế nhiều show âm nhạc tại Việt Nam đã xảy ra tình huống thiếu ghế ngồi, xếp sai khu vực so với hạng vé đặt. Thậm chí có khán giả đã bỏ tiền ra mua hạng vé cao nhất nhưng đến nơi lại không có chỗ ngồi. Những sự cố đó xảy ra từ những show của nghệ sĩ quốc tế như concert “Super Show 9” của Super Junior (T3/2023) đến những show của nghệ sĩ Việt như đêm chung kết “The Masked Singer Vietnam 2022” hay liveshow “Tri Âm” của Mỹ Tâm (T11/2022).
Nếu quy trình check-in và soát vé không nghiêm ngặt ngay từ đầu, những sai sót về chỗ ngồi hay sự cố đám đông dù trong sự kiện âm nhạc lớn hay nhỏ đều có khả năng xảy ra.
Quy định về đồ dùng mang vào sự kiện
Đây là phần quy định khiến nhiều khán giả hoang mang nhất. Bởi vì điều này sẽ ảnh hưởng một phần nào đó đến trải nghiệm tham gia sự kiện của họ.
Tùy thuộc vào từng sự kiện, quy định về đồ vật được mang vào sẽ khác nhau. Tuy nhiên, những thứ sau sẽ bị cấm ở 99% các sự kiện âm nhạc lớn nhỏ bao gồm:
- Balo/ túi xách có kích thước lớn hơn 21x21cm
- Bất kì đồ vật nào có thể gây sát thương: đồ cháy nổ, pháo sáng, laser, vật sắc nhọn, đồ thủy tinh, các vật chứa nhựa cứng, đồ vật có cán cầm,…
- Chất cấm và đồ uống có cồn: Bia, rượu, ma túy, thuốc lá, chất kích thích,…
- Áp phích, bảng cổ vũ, bảng chỉ dẫn mang tính chất chính trị hay ngôn từ không hợp thuần phong mỹ tục
Đặc biệt để xây dựng ý thức bảo vệ môi trường, nhiều sự kiện âm nhạc hiện nay còn cấm người tham dự mang đồ ăn, đồ uống cá nhân từ ngoài vào. Các gian hàng đồ ăn hay đồ uống, thậm chí là miễn phí cho khán giả sẽ được sắp xếp trong khu vực sự kiện. Điều này giúp ban tổ chức có thể kiểm soát và quản lý rác thải sau sự kiện dễ dàng hơn.
Quyền sử dụng và được sử dụng hình ảnh
Quyền sử dụng hình ảnh là một vấn đề nhạy cảm và quan trọng. Đặc biệt khi các sự kiện âm nhạc là nơi xuất hiện của các nghệ sĩ, ngôi sao nổi tiếng có tầm ảnh hưởng với công chúng.
Đồng thời, tất cả các sự kiện một khi được tổ chức đều sẽ được quay/chụp lại, nhằm phục vụ cho công tác truyền thông. Trong khi đó, nhiều khán giả lại không mấy thoải mái nếu hình ảnh của mình xuất hiện trên các trang báo, trang mạng xã hội.
Đó là lý do tại sao hầu hết tất cả các sự kiện âm nhạc đều có 02 quy định sau:
- Người tham dự không được mang các thiết bị ghi hình, quay chụp và thu âm chuyên nghiệp; flycam, drone, gopro,…
- Khi tham gia chương trình đã đồng nghĩa với việc người tham dự đồng ý cho phép BTC sử dụng hình ảnh cho các sản phẩm ghi hình, ghi âm của sự kiện.
Đặc biệt hơn khi một số show âm nhạc còn quy định người tham dự không ghi hình/livestream sự kiện dưới mọi hình thức hay không sử dụng hình ảnh/video của sự kiện nhằm mục đích thương mại.
Lý do từ đâu mà quy định tại sự kiện âm nhạc ngày càng khắt khe?
Lý do rõ ràng nhất là nhằm đảm bảo an toàn, an ninh cho toàn bộ khán giả tham gia sự kiện. Đây là vấn đề luôn được đặt lên hàng đầu trong công tác tổ chức của bất kì một sự kiện nào.
Hiện nay quy mô các sự kiện âm nhạc ngày càng lớn, càng quy tụ lượng khán giả đông đảo và đa dạng. Nếu không phải fan đến ủng hộ thần tượng, thì cũng là những người mê âm nhạc đến tận hưởng các màn trình diễn. Đi kèm với đó là những cảm xúc háo hức, cuồng nhiệt hay tinh thần cháy hết mình với âm nhạc. Tuy nhiên, đôi khi sự quá khích cũng dẫn đến sự mất kiểm soát về cảm xúc và hành vi của người tham dự. Điều này có thể gây ra những cuộc ẩu đả, xô xát, thậm chí là gây thương tích nếu người tham dự có trong tay đồ vật nguy hiểm.
Số lượng lớn người tham dự cũng đi kèm với vô vàn rủi ro khác về vấn đề quản lý đám đông hay quản lý đồ vật họ mang vào trong sự kiện. Nếu không có những quy định nghiêm ngặt về những “vật cấm” ngay từ đầu, ban tổ chức sẽ khó có thể ngăn chặn những sự cố về an ninh, an toàn trong sự kiện. Thậm chí có thể có những tình huống gây ảnh hưởng đến tính mạng người tham dự.
Năm 2019, sự cố bắn pháo sáng đã khiến một nữ cổ động viên bị thương trong một trận bóng đá tại SVĐ Hàng Đẫy (Hà Nội). Ngoài ra, hai cảnh sát cơ động cũng bị đám đông quá khích hành hung, một người phải nhập viện. Sau đó, người bắn pháo đã bị phạt 4 năm tù vì hành vi nguy hiểm của mình. Tuy đây là sự cố trong một trận bóng đá, nhưng cũng hoàn toàn có khả năng xảy ra tại một sự kiện âm nhạc nếu không có quy định phòng chống nghiêm ngặt.
Tệ hơn nữa, trước đó đã có trường hợp gây nguy hại đến tính mạng 07 người tham dự trong một lễ hội âm nhạc tổ chức tại Hà Nội năm 2018. Lý do được đưa ra là những người này đã bị “sốc” vì sử dụng chất kích thích quá liều trong khi tham dự sự kiện.
Đó là lý do tại sao các quy định từ quá trình check-in đến đồ vật được mang vào tại các sự kiện âm nhạc hiện nay ngày càng khắt khe hơn. Thậm chí có thể gây khó chịu với người tham dự, BTC vẫn phải đảm bảo thực hiện theo đúng quy định, làm tròn trách nhiệm của mình để bảo đảm an toàn, an ninh trong sự kiện.
Quy định càng chặt chẽ, ý thức tuân thủ của khán giả càng cao thì sự an toàn trong sự kiện càng đảm bảo. Trải nghiệm của người tham dự theo đó càng tuyệt vời và đáng nhớ.
Bên cạnh những quy định được đưa ra trước ngày diễn ra, các đơn vị tổ chức các show ca nhạc cũng đưa ra những thông báo về sơ đồ địa điểm, hướng dẫn chỉ đường, các khu vực vui chơi giải trí khác,… trong sự kiện, nhằm đảm bảo khán giả có thể nắm được mọi thông tin về sự kiện để có những chuẩn bị tốt nhất trước khi tham gia.
Kết luận
Có thể thấy, công tác tổ chức và quy định tham gia các sự kiện âm nhạc hiện nay ngày càng chỉn chu và chuyên nghiệp. Những tin tức về các sự cố xảy ra với khán giả cũng giảm đi rất nhiều so với những năm về trước. Ngoài những nỗ lực của các đơn vị tổ chức, đó còn là đóng góp của những người tham dự sự kiện văn minh với ý thức tuân thủ quy định.
Việc nâng cấp trở thành những người tham dự sự kiện văn minh không chỉ giúp mang lại an toàn, trải nghiệm tốt cho bản thân và những người xung quanh mà còn tạo nên hình ảnh đẹp của cả một cộng đồng khán giả Việt.
Backstage News
Nguồn: Tổng hợp