Khi nói đến sân vận động có sức chứa lớn nhất thế giới, không chỉ nói về những công trình ấn tượng, quy mô mà còn về thiết kế và mục đích sử dụng. Đây không chỉ là nơi tổ chức các sự kiện thể thao, mà còn là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, giải trí và là biểu tượng của tự hào dân tộc.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và phát triển mạnh mẽ của thể thao cũng như giải trí, việc xây dựng và phát triển các sân vận động với sức chứa lớn dường như trở thành một xu hướng. Điều này thể hiện không chỉ nhu cầu về một không gian tổ chức sự kiện mà còn là biểu tượng của quyết tâm và khả năng của một quốc gia trên trường quốc tế. Bên cạnh đó, nhiều công nghệ và các nghiên cứu khoa học cũng liên tục được bổ sung và cải tiến để đáp ứng nhu cầu bền vững, xanh và thân thiện với môi trường khi sử dụng, vận hành và cải tạo những sân vận động khổng lồ.
Lưu ý, sức chứa của sân vận động sẽ được liệt kê dưới dạng chỗ ngồi thực tế mà khán giả có thể mua vé xem một sự kiện thể thao và được chính sân công bố và các đơn vị hành chính như nhà nước, quốc gia xác nhận. Điều này không bao gồm ghế báo chí, phòng đứng và sức chứa bổ sung của ghế. Ngoài ra, sức chứa của các sân vận động này vẫn có thể mở rộng, một số sân vận động có thể sửa đổi cách sắp xếp chỗ ngồi tùy thuộc vào từng nhu cầu và tùy theo các sự kiện khác nhau để tăng thêm hoặc giảm đi so với con số được công bố.
Danh sách các sân vận động lớn nhất dưới đây là dành cho các sân vận động khép kín cổ điển và không bao gồm các địa điểm đua ngựa hay đua xe hơi.
Nội dung
Sân vận động Narendra Modi – 132.000 người
Sân vận động Narendra Modi thường được gọi là Sân vận động Motera. Sân vận động được xây dựng lần đầu tiên vào năm 1983 và được cải tạo vào năm 2006. Từ năm 2015 đến năm 2020, sân vận động ban đầu đã bị phá bỏ và xây dựng lại hoàn toàn.
Sau khi tái thiết vào năm 2020, sức chứa của sân vận động đã tăng gấp đôi. Đây không chỉ là sân vận động lớn nhất ở Ấn Độ mà còn là sân vận động lớn nhất thế giới. Sức chứa hiện tại của chỗ ngồi là 132.000 người, mặc dù lượng người tham dự đông nhất cho đến nay là 101.566 người cho trận Chung kết IPL 2022.
Sân vận động được đặt theo tên của Narendra Modi, cựu thủ tướng của Ấn Độ và là nơi tổ chức chuyến thăm nổi tiếng nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào năm 2020.
Sân vận động này chủ yếu được sử dụng để tổ chức các trận đấu cricket (bóng gậy), bao gồm các trận đấu ở Giải vô địch cricket thế giới năm 1987, 1996 và 2011.
Sân vận động Rungrado 1st of May – 114.000 người
Sân vận động Rungrado 1st of May nằm ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên, là một sân vận động khổng lồ sẽ làm mê hoặc ngay cả những người hâm mộ thể thao hay đi du lịch nhất. Đây là sân vận động lớn thứ hai trên thế giới. Sân chính có diện tích 22.500 mét vuông có thể dễ dàng chứa vừa ba sân bóng đá cỡ lớn.
Tên của sân vận động được đặt dựa trên hai khía cạnh, vị trí của nó, đặt trên đảo Rungrado ở sông Taedong và ngày quốc tế lao động 1 tháng 5, ngày sân vận động được khánh thành.
Sân vận động được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, trong đó mục đích sử dụng cho các hoạt động thể thao là phổ biến nhất. Các trận đấu bóng đá diễn ra thường xuyên và đội tuyển bóng đá quốc gia Triều Tiên thi đấu các trận đấu quốc tế tại sân vận động này. Một số sự kiện thể thao cũng diễn ra tại sân vận động hàng năm.
Sân vận động Michigan – 107.601 người
Sân vận động Michigan là sân vận động bóng bầu dục lớn nhất ở Hoa Kỳ và cả Tây Bán cầu. Với sức chứa chính thức là 107.601 chỗ ngồi, sân vận động này có thể lên đến 115.000 người trong những sự kiện đặc biệt. Được xây dựng từ năm 1927 với chi phí 950.000 đô la, sân vận động Michigan từng ghi dấu ấn với kỷ lục khán giả lên đến 109.318 người vào năm 2014.
Sân vận động Michigan không chỉ là nơi diễn ra các trận đấu bóng bầu dục mà còn là điểm đến của những sự kiện thể thao quy mô lớn. Dù có sức chứa khổng lồ, một số ý kiến cho rằng cổng vào và cổng chuyển hàng của sân vận động quá bé nên không thể vận chuyển những hạng mục sản xuất lớn vào trong, vậy nên sân vận động này chưa từng có cơ hội nào được lựa chọn là địa điểm tổ chức những chuyến lưu diễn hay buổi hòa nhạc tầm cỡ thế giới.
Sân vận động Beaver – 106.572 người
Sân vận động Beaver là sân bóng đá của Đại học Bang Pennsylvania, Mỹ. Được xây dựng từ năm 1909, sân vận động này đã trải qua nhiều giai đoạn nâng cấp và mở rộng để đáp ứng nhu cầu của người hâm mộ. Hiện tại, sức chứa của sân vận động Beaver là 106.572 chỗ ngồi, với kỷ lục sức chứa lên đến 110.889 người.
Sân vận động Beaver không chỉ là nơi diễn ra các trận đấu của đội Penn State Nittany Lions mà còn là biểu tượng của truyền thống thể thao của bang Pennsylvania.
Sân vận động Ohio – 102.780 người
Sân vận động Ohio là nhà của đội bóng bầu dục Buckeyes, Mỹ. Với sức chứa kỷ lục lên đến 105.708 khán giả trong một trận đấu với Michigan Wolverines vào năm 2006, sân vận động Ohio đã chứng minh sức hút và uy tín của mình trong làng thể thao. Ngoài việc tổ chức các trận đấu bóng trực tiếp sân vận động Ohio cũng là địa điểm tổ chức các sự kiện âm nhạc lớn và thu hút đông đảo khán giả.
Sân vận động Ohio không chỉ là nơi diễn ra các trận đấu bóng bầu dục mà còn là điểm đến của nhiều sự kiện giải trí và văn hóa.
Sự ấn tượng của sân vận động không chỉ nằm ở kích thước khổng lồ của nó mà còn ở kiến trúc độc đáo và công năng đa dạng. Điều này cũng chứng tỏ rằng các sân vận động lớn nhất thế giới không chỉ là những công trình xây dựng mà còn là những tác phẩm kiến trúc, có ảnh hưởng lớn đến văn hóa và xã hội.
Việc quản lý và bảo trì một công trình với quy mô và tầm vóc như vậy đòi hỏi sự chuyên nghiệp và tâm huyết cao độ, đồng thời cũng mở ra cơ hội để thúc đẩy du lịch và kinh tế địa phương.
Một trong số những lý do chính khẳng định cho điều trên là bởi một sân khấu lớn sẽ là tiền đề giúp mở ra nhiều cơ hội mời chào các nghệ sĩ tầm cỡ quốc tế tới một quốc gia, địa điểm, địa phương,… Sân khấu lớn trong mắt các nhà tổ chức, quảng bá, ca sĩ, nghệ sĩ đã, đang và sẽ luôn là thước đo tương xứng với những buổi trình diễn, lưu diễn, hòa nhạc của họ, bên cạnh những lợi ích về mặt doanh thu và các vấn đề khác liên quan.
Backstage News