Dự luật mới được đề xuất tại Mỹ là nỗ lực của hai Đảng trong việc chống lại sự gia tăng nội dung giả mạo và trái phép được tạo bởi trí tuệ nhân tạo AI.
Các nghị sĩ Mỹ vừa đề xuất một dự luật mới về việc cấm sử dụng nội dung, tác phẩm trái phép được tạo bởi trí tuệ nhân tạo (AI), theo thông cáo báo chí do văn phòng của thành phố Blackburn (thuộc bang Missouri, Hoa Kỳ) ban hành. Đồng thời, dự luật này cho phép Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ (FTC) truy tố những người vi phạm.
Dự luật có tên “Đạo luật Bảo vệ nguồn gốc và tính toàn vẹn của nội dung khỏi phương tiện truyền thông chỉnh sửa và làm giả sâu” (viết tắt là COPIED) đã được trình lên Thượng viện Mỹ trong ngày 13/7 (giờ Việt Nam).
Được biết, dự luật là những nỗ lực chống nội dung AI vi phạm bản quyền đến từ cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ, được ủy quyền bởi Thượng nghị sĩ Marsha Blackburn, Thượng nghị sĩ Maria Cantwell và Thượng nghị sĩ Martin Heinrich.
Thượng nghị sĩ Blackburn bày tỏ: “Trí tuệ nhân tạo đã giúp những kẻ xấu có khả năng kiếm lợi từ việc tạo ra những giả mạo sâu (deepfake) của mọi nội dung, bao gồm cả việc bắt chước các tác phẩm của những người trong cộng đồng sáng tạo mà không cần sự đồng ý của họ”.
Đồng quan điểm, Thượng nghị sĩ Cantwell cho biết, đạo luật COPIED là một bước quan trọng để bảo vệ quyền lợi và bản quyền tác phẩm của các nghệ sĩ, nhạc sĩ, nhà báo trước làn sóng sử dụng AI.
Cụ thể, để chống lại sự gia tăng của các nội dung làm giả sâu được tạo bằng AI, đạo luật COPIED sẽ thiết lập các hướng dẫn minh bạch mới để phát hiện và xác thực nội dung do AI tạo ra. Dự luật này cho phép cho Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ quốc gia Mỹ (NIST) soạn thảo bộ tiêu chuẩn minh bạch, qua đó thiết lập các hướng dẫn nhận biết các thông tin liên quan đến nguồn gốc xuất xứ nội dung, đóng dấu bản quyền (watermark) và nội dung tổng hợp. Dự luật cũng chỉ đạo NIST xây dựng các biện pháp an ninh mạng để ngăn chặn việc giả mạo xuất xứ, giả mạo watermark trên nội dung được tạo bằng AI.
COPIED cũng cấm sử dụng trái phép nội dung có bản quyền để sáng tạo nội dung AI hoặc đào tạo các mô hình AI. Đồng thời, yêu cầu các nhà phát triển phần mềm, hệ thống AI cho phép chủ sở hữu tác phẩm đính kèm nguồn gốc xuất xứ nội dung vào sản phẩm trong vòng 2 năm và cấm xóa nội dung đó. Các biện pháp này trao cho chủ sở hữu nội dung như nhà báo, nghệ sĩ, nhạc sĩ,… quyền được bảo vệ tác phẩm của họ, bao gồm cả việc đặt ra các điều khoản nếu ai đó muốn sử dụng nội dung của họ, trong đó có tiền bồi thường nếu vi phạm.
Dự luật thậm chí mở rộng cả quy định cấm can thiệp hoặc vô hiệu hóa thông tin xuất xứ nội dung AI trên các nền tảng tảng internet, trong các công cụ tìm kiếm và với các đơn vị truyền thông đại chúng.
Sau khi thông tin về dự luật được công bố, nhiều tổ chức vận động của Mỹ đã lên tiếng ủng hộ đưa COPIED trở thành luật chính thống. Trong số này có những tên tuổi lớn của Mỹ như Hiệp hội Diễn viên điện ảnh Mỹ (SAG-AFTRA), Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Mỹ, Hiệp hội Phát thanh Truyền hình quốc gia Mỹ, Hiệp hội Nhạc sĩ Mỹ và Hiệp hội Báo chí quốc gia Mỹ.
Backstage News