Đằng sau sự thành công của tiết mục "Trống Cơm" là ý nghĩa và cách dàn dựng cực kỳ công phu, cùng Backstage News tìm hiểu nhé.
Bài hát “Trống Cơm” là một bài hát dân ca Bắc Bộ, mang giai điệu vui tươi, nhịp nhàng và lời ca mộc mạc. Đây là một trong những bài hát được phổ biến rộng rãi và thường được biểu diễn trong các dịp lễ hội, sự kiện văn hóa. Đằng sau những lời ca đơn giản ấy là những tầng ý nghĩa sâu sắc về tình yêu, sự thủy chung và khát vọng cống hiến của con người. Và để dàn dựng nên một tiết mục vừa có yếu tố giải trí lại vừa có yếu tố văn hóa thật không phải chuyện dễ dàng.
Nội dung
Ý NGHĨA BÀI HÁT “TRỐNG CƠM”
Trước hết, để nói về “Trống Cơm” thì có nhiều cách giải thích khác nhau về tên gọi của nhạc cụ này. Có thuyết cho rằng sở dĩ gọi là “Trống Cơm” vì khi sử dụng trống, người ta trét cơm gạo nếp giã thật nhuyễn vào để định âm. Nếu trét nhiều cơm thì âm phát ra sẽ trầm, còn nếu trét ít thì âm phát ra sẽ cao hơn. Mặt có âm trầm gọi là mặt thổ, mặt có âm cao gọi là mặt kim. Hai âm cách nhau một quãng 5 đúng. Bởi thế trống mới có tên là Cơm.
Cũng có thuyết cho rằng tên gọi này bắt nguồn từ một câu chuyện buồn của chàng nho sinh xưa, thi mãi không đỗ, túng quẫn phải đi xin ăn. Chàng được một cô tiểu thư nhà giàu giúp đỡ, ngày ngày sai người hầu đem cơm cho, rồi khuyên chàng đi lập nghiệp. Chàng biết mình không có duyên với quan trường nên quyết định theo đuổi âm nhạc. Sau 3 năm, chàng thành tài trở về thì hay tin cô tiểu thư ngày nào đã mất và mọi người đang làm đám tang cho nàng. Quá tiếc thương, chàng tạo ra một chiếc trống nhỏ dài, hai mặt đính hai nắm cơm nhỏ để nhắc kỉ niệm xưa, rồi dùng một sợi dây vải trắng như khăn tang để đep trống vào cổ. Cứ thế, chàng theo đám tang nàng, vừa đánh trống vừa cất điệu bi ai. Từ đó, trống này có tên là “Trống Cơm”.
Cho dù có nhiều lý giải khác nhau về tên gọi nhưng “Trống Cơm” vẫn là một nhạc cụ độc đáo của dân tộc Việt Nam và đã được sử dụng cách đây khá lâu. Có tài liệu cho rằng trống được sử dụng từ thế kỷ XI (đời Lý). (1)
Theo nhiều dẫn giải, từ “tình bằng” xuất hiện đầu tiên trong bài hát này mang nghĩa là “làm bằng/làm chứng” cho một việc cụ thể nào đó (2). Do vậy “Tình bằng có cái trống cơm, khen ai khéo vỗ, ơ mấy bông mà nên bông” có thể hiểu chiếc trống cơm là vật làm chứng cho tình yêu lứa đôi, nó đơn sơ, giản dị mộc mạc, song nếu ai “khéo vỗ”, biết dành tình cảm chân thành biết gìn giữ và vun đắp tình yêu từ những điều bình dị thì nó vẫn tạo ra âm thanh hay cũng như tình yêu sẽ đơn hoa kết trái “nên bông” bởi theo Đại Nam Quốc Âm Tự Vị thì “nên bông” là “nên trái giống”. (3)
Câu tiếp theo “Một bầy tang tình con xít” – nguyên văn ở đây là “con sít” Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức có ghi: “Sít (chim): Giống chim ở ruộng nước, lông xanh mỏ đỏ, hay ăn lúa”. Giống chim này có nơi vẫn gọi là “xít” nhưng các từ điển chỉ ghi nhận “sít” là từ chính thức. Bởi vậy “Con sít” – một loài chim thường xuất hiện vào mùa màng, ăn lúa cũng chính tượng trưng cho sự sung túc và sự “nên bông” của tình yêu ở câu trước đó.(4)
Ố mấy lội (lội, eh), lội (lội), lội, lội sông
Ố mấy đi tìm, em nhớ thương ai?
Nhưng tình yêu đích thực nào dễ gì có được, cũng phải trải qua khó khăn thử thách chèo đèo lội suối để đến được với nhau. Rồi cũng có khi lại chịu cảnh ngày chờ đêm đợi vì cách xa. Câu hỏi “em nhớ thương ai?” thể hiện sự nhung nhớ và tình cảm sâu đậm dành cho người yêu, đồng thời cũng gợi lên sự mong mỏi và chờ đợi.
Hơn thế nữa, sự nhớ nhung còn được thể hiện rõ nét hơn ở những câu tiếp theo
Đôi con mắt ố mấy lim dim
Đôi con mắt ố mấy lim dim
Một bầy tang tình con nhện
Ô … mấy giăng tơ
Giăng tơ ô mấy đi tìm, em nhớ thương ai?
Hình ảnh “đôi con mắt lim dim” tượng trưng cho sự nhớ nhung mòn mỏi, tâm thức ngủ không yên. “Con nhện”, “giăng tơ” là hình ảnh ẩn dụ cho sự kết nối, liên kết trong tình cảm, giống như con nhện giăng tơ để kết nối những sợi chỉ mỏng manh thành mạng lưới vững chắc. Càng yêu thương, càng nhớ nhung bao nhiêu thì tình cảm lại càng sâu đậm bấy nhiêu.
Cuối cùng, “tang bồng” là cách nói rút ngọn của thành ngữ “tang hồ bồng thỉ”, trong đó “tang” là cây dâu; “bồng” là tên một loại cỏ thuộc; “hồ” là cây cung và “thỉ” là mũi tên. “Tang hồ bồng thỉ” chính là cây cung làm bằng cành dâu, mũi tên làm bằng cỏ bồng. Ý nghĩa của câu thành ngữ này bắt nguồn từ một truyền thống văn hóa thời cổ. Ngày xưa, khi sinh được con trai, người ta lấy cung làm từ cành dâu có mũi tên làm từ cỏ bồng, bắn ra sáu hướng: Đông, tây, nam, bắc, lên trời và xuống đất với mong ước sau này, người con trai lớn lên có thể tung hoành khắp nơi trong thiên hạ, làm được việc lớn để giúp đời.(5)
Từ đó, “tang bồng” được dùng để chỉ mộng công danh, chí làm trai và rộng ra là ước vọng cống hiến cho dân tộc, xã hội, cộng đồng. Cho nên, trong văn học trung đại Việt Nam, ngữ liệu này được dùng rất nhiều trong dòng thơ tỏ lòng, nói chí, thuật hoài.(6)
Qua đây có thể thấy, bài hát “Trống Cơm” không chỉ đơn thuần là một bài hát dân gian mang giai điệu vui tươi, lời ca mộc mạc dễ nhớ, mà còn chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc về tình yêu, lòng chung thủy son sắt và khát vọng cống hiến. Bài hát là một phần quan trọng trong Di sản Văn hóa Dân gian Việt Nam, góp phần làm phong phú thêm tâm hồn và đời sống tinh thần của người Việt.
VỀ DÀN DỰNG
Trong chương trình Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai, mục “Trống cơm” của team Nhà Sao sáng đã rất thành công không chỉ bởi sự sáng tạo bùng nổ trong ca từ, giai điệu này mà còn thể hiện và truyền tải được đúng ý nghĩa của bài hát.
Phần mở đầu, đội Sao Sáng gồm anh trai Soobin Hoàng Sơn, Cường Seven, NSND tự Long đã xuất hiện cùng nhóm múa tái hiện lại khung cảnh lễ hội mùa màng, nam nữ gặp gỡ đối đáp giao duyên. Và từ đó mở ra một tình yêu trong sáng, thuần khiết và đẹp đẽ. Ở phần này, lời ca của cả ba nghệ sĩ chính là lời diễn giải lại bài hát “Trống Cơm” bằng ngôn ngữ hiện đại, gần gũi dễ hiểu. Cách mở đầu vừa lạ vừa quen như vậy đã khiến khán giả trẻ hiểu hơn về nét đẹp tinh thần của bài dân ca này.
Có lẽ duyên là từ khi anh gặp em
Bối rối, chi bằng mượn nợ để làm quen
Theo anh, đưa em qua khắp lối
Họa bức tranh, kể chuyện tình đẹp đây rồi
Bao nhiêu năm tháng đậm sâu
Ta đi qua hết buồn đau
Trọn một lời hứa mãi mong sau này vẫn có nhau
Đêm anh ngồi mà “tr ông” trông
Thương mong người mà người còn thương không?
Xa bao ngày thì người còn thương không?
Cùng nhìn về phương xa
Sau đoạn mở đầu sáng tạo tạo đó, Nhà Sao Sáng đã giữ trọn lời ca và giai điệu của bài “Trống cơm” gốc cho phần chuyển – nối giữa Phần 1 và Phần 2. Thậm chí những động tác múa trống cơm quen thuộc cũng được ba nghệ sĩ thể hiện một cách duyên dáng, khiến khán giả không khỏi thích thú. Như nghệ sĩ Tự long đã nhận định: “Trống cơm không phải là một bài hát trọn vẹn, nó là một điệu hát”. Vì vậy, nhiệm vụ của nhóm là cần phải sáng tạo làm sao để hoàn thiện bài hát đó. Và nhóm cũng sẽ phải kết hợp được giữa yếu tố truyền thống, hiện đại và đương đại để ca khúc này ai cũng có thể nghe được dựa trên giai điệu đã quen thuộc rồi.
Và cũng nhờ dẫn dắt thân quen đó, dù có chuyển qua phần 2 với lời rap và âm nhạc trẻ trung, hơn hiện đại hơn thì các khán giả lớn tuổi vẫn có thể “cảm” được, khán giả trẻ lại càng thích thú và khiến cho cảm xúc càng về sau lại càng bùng nổ hơn. Đặc biệt lời ca trong phần này cũng thể hiện được chí làm trai, khát vọng cống hiến cho đất nước như bản gốc“Trống cơm”. Qua đó cho thấy Nhà Sao Sáng thực sự đã dày công nghiên cứu, tìm hiểu rất kỹ về mặt nội dung cũng như ý nghĩa của bài hát dân ca này thì mới có thể chắt lọc thành ca từ đẹp và hay đến như vậy.
VỀ CHẤT LIỆU
“Trống Cơm” của Nhà Sao Sáng không chỉ là bản mashup (sự kết hợp) hay sự làm mới đơn thuần, mà ở đây, các nghệ sĩ đã khéo léo đưa rất nhiều chất liệu âm nhạc và nhạc cụ dân tộc vào màn trình diễn này. Cả bài hát được liên kết với nhau bằng tiếng nhạc cụ dân tộc ở phần nền như đàn tranh, trống đế, chập cheng… Toàn bộ nhạc cụ và bộ gõ dân tộc đều được thu âm trực tiếp từ các nghệ sĩ. Đặc biệt phần luyến láy mang âm hưởng chèo cổ và điệu hò của dân ca Bắc Bộ được NSND Tự Long thể hiện rất duyên dáng. Tiếng trống dồn dập của “anh tài” Tự Long và tiếng đàn bầu trên nền nhạc điện tử của Soobin Hoàng Sơn đã tạo nên đoạn kết sục sôi ý chí và hào hùng của dân tộc.
Ngoài sự khác biệt về âm nhạc với chất liệu dân gian, Nhà Sao Sáng còn ghi điểm bởi cách chọn trang phục biểu diễn ấn tượng.
Theo chia sẻ của nhà thiết kế trang phục cho 3 “anh tài” là Minh Khôi cho biết: “Trang phục 3 anh tài mặc là áo ngũ thân tay chẽn, trang phục thông dụng dưới triều Nguyễn. Với họa tiết hoa mai cài song thọ, song phúc là cách thức hoa mai dệt chung với chữ Phúc, chữ Thọ cùng hàm ý mang lại những điều tốt lành. Chất liệu trang phục là vải sa. Ê-kíp chủ yếu tập trung nhiều về phom dáng, màu sắc hơn để phù hợp với tính cách của từng nghệ sĩ”.
Theo Minh Khôi, trong tài liệu lịch sử ghi chép, những võ sĩ nam, những cao thủ cận vệ trong Đại nội vẫn mặc trang phục áo tay chẽn và quấn vải ngang bụng để gọn gàng hơn. Vì thế, lựa chọn quấn vải ngang bụng phù hợp với tính ứng dụng sân khấu cho Tự Long, Soobin Hoàng Sơn và Cường Seven.
Không chỉ vậy các giá trị văn hóa thân thuộc khác cũng được thổi hồn, mang một đời sống tinh thần mới lạ, từ những chiếc áo tơi đến cờ ngũ sắc (cờ hội), võ cổ truyền, đều đậm chất Việt Nam, khiến cho khán giả mê mẩn.
Anh tài Cường Seven chia sẻ, làm tiết mục liên quan đến văn hóa rất khó khi phải nghiên cứu, hiểu được từng tiểu tiết. Với Trống Cơm, đến bản demo thứ 8, nhóm anh tài mới thấy nhẹ nhõm.
Không thể phủ nhận, tiết mục “Trống Cơm” của Nhà Sao Sáng không chỉ thành công ở việc kết hợp văn hóa dân gian với nét hiện đại, mà còn ở việc đưa nhiều người ở thế hệ trẻ thêm hiểu và yêu văn hóa nguồn cội.
Backstage News
Tài liệu tham khảo:
(2) Việt Nam tự điển Hội Khai Trí Tiến Đức (1931)
(3) Theo Đại Nam Quốc Âm Tự Vị
(4) Việt Nam tự điển Hội Khai Trí Tiến Đức (1931)
(5) Hán Việt Tân từ điển – Nguyễn Quốc Hùng
(6) Nợ tình, nợ nghĩa, nợ tang bồng – Đỗ Anh Vũ (CAND)