Hình ảnh quen thuộc của các nhà vô địch Olympic khi đứng trên bục nhận huy chương là cười tươi, nhìn thẳng và đưa huy chương vào giữa hai hàm răng.
Kỳ Thế vận hội Olympic Paris 2024 đang diễn ra sôi nổi, trong đó, một cảnh tượng quen thuộc tiếp tục được truyền thông ghi nhận, đó là hình ảnh những vận động viên Olympic cắn huy chương của mình để ăn mừng chiến thắng.
Thực tế, hình ảnh các vận động viên Olympic đứng trên bục chiến thắng và cắn những tấm huy chương danh giá đã trở thành biểu tượng qua các kỳ Thế vận hội Olympic, theo CNN. Mặc dù không rõ xu hướng này bắt nguồn từ đâu, nhưng nhiều người cho rằng đội tiếp sức 4x100m của tuyển Anh ở Giải Điền kinh thế giới 1991, bao gồm Derek Redmond, John Regis, Kriss Akabusi và Roger Black, là những VĐV đầu tiên thực hiện xu hướng này.
Tuy nhiên, điều khiến nhiều người thắc mắc hơn cả là điều gì ở những tấm huy chương khiến các vận động viên cả nam và nữ phải cắn khi giành chiến thắng?
Có nhiều cách lý giải về hành động ăn mừng chiến thắng bằng việc cắn huy chương của các vận động viên Olympic.
Nhiều người cho rằng, truyền thống cắn huy chương Olympic của các vận động viên bắt nguồn từ thói quen kiểm tra độ tinh khiết của vàng từ thời xa xưa. Lịch sử kể rằng, khi vàng đúc vẫn là đơn vị tiền tệ phổ biến thời xưa, các thương nhân thường cắn đồng tiền vàng để kiểm tra tính xác thực của nó. Lý do bởi vàng là một kim loại mềm, dễ bị lõm dưới áp lực nhẹ và sẽ để lại dấu vết khi bị cắn. Thỏi kim loại càng mềm tức là hàm lượng vàng càng cao.
Tuy nhiên, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đã ngừng trao huy chương vàng nguyên chất vào năm 1912. Ngày nay, huy chương vàng Olympic chỉ có khoảng 1% vàng. Còn lại, chúng chủ yếu được làm bằng đồng, bạc hoặc các vật liệu tái chế.
Ở kỳ Olympic gần đây nhất diễn ra tại Tokyo vào năm 2021, huy chương vàng chủ yếu được làm bằng bạc nguyên chất, với hơn 6 gam vàng mạ. Huy chương bạc bao gồm bạc nguyên chất. Trong khi đó, huy chương đồng bao gồm khoảng 95% đồng và 5% kẽm.
Về huy chương Olympic Paris 2024, Ban tổ chức đã không cung cấp thông tin về thành phần cụ thể. Tuy nhiên mỗi huy chương ở giải đấu này sẽ có một mảnh sắt nguyên bản (khoảng 0,04 pound) từ tượng đài mang tính biểu tượng của Paris là tháp Eiffel. Đây là lần đầu tiên, một mảnh di tích lịch sử của một thành phố được đưa vào huy chương Olympic.
Chính vì vậy, có thể khẳng định rằng các nhà vô địch Olympic không đặt răng vào tấm huy chương của mình để kiểm tra độ tinh khiết.
Lý do thực sự đằng sau truyền thống cắn huy chương của các vận động viên Olympic qua từng kỳ Thế vận hội thực tế chỉ là: Các nhiếp ảnh gia yêu cầu họ làm vậy.
Ông David Wallechinsky, chủ tịch Hiệp hội các nhà sử học Olympic quốc tế, đã nói với CNN năm 2012 rằng, việc cắn huy chương để chúc mừng chiến thắng là một nỗ lực làm hài lòng giới truyền thông của các vận động viên. Nhiều nhiếp ảnh gia thường yêu cầu những người được trao huy chương tạo dáng theo cách này để có một bức ảnh đẹp.
“Nó đã trở thành nỗi ám ảnh với các nhiếp ảnh gia. Tôi nghĩ họ xem hành động đó như một biểu tượng, một thứ có thể bán được. Tôi không nghĩ đó là điều mà các vận động viên có thể tự nghĩ ra”, ông Wallechinsky, cho biết.
Tuy nhiên, hành động cắn những tấm huy chương danh giá không được Ban tổ chức Olympic ủng hộ. Họ cho rằng đây không phải là một hành động hoàn toàn an toàn. Thực tế chứng minh, vận động viên trượt băng người Đức là David Moeller đã bị sứt răng cửa khi cắn tấm huy chương bạc tại Thế vận hội Vancouver năm 2010.
“Các nhiếp ảnh gia muốn có một bức ảnh tôi cầm huy chương chỉ bằng răng của mình”, Moeller nói với tờ báo Đức Bild. “Sau đó, trong bữa tối, tôi nhận thấy một phần của một chiếc răng của tôi bị mất”.
Thậm chí, Ban tổ chức Olympic Tokyo 2021 đã chia sẻ một bài đăng trên mạng xã hội khuyến cáo các vận động viên cân nhắc khi làm theo truyền thống này, vì chúng chủ yếu được làm từ vật liệu tái chế.
“Chúng tôi chỉ muốn chính thức xác nhận rằng huy chương tại Olympic Tokyo 2020 không phải thứ có thể ăn. Huy chương của chúng tôi được làm bằng vật liệu tái chế từ các thiết bị điện tử do người dân Nhật Bản quyên góp. Vì vậy, bạn không cần phải cắn chúng nhưng chúng tôi cũng biết rằng các vận động viên vẫn sẽ làm vậy”.
Farley, giáo sư tại Đại học Temple ở Philadelphia và là cựu chủ tịch Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ, chia sẻ với tờ Today rằng: “Tất cả các môn thể thao đều có điểm kỳ quặc. Nếu bạn muốn trở thành một phần của tinh thần chiến thắng, của nền văn hóa chiến thắng, bạn hãy tham gia vào hoạt động chiến thắng đó.”
Nhưng ông tin rằng hành động cắn huy chương của các vận động viên Olympic chính là cách mà họ kết nối cảm xúc với thành tích của chính mình.
Backstage News