Tổ chức sự kiện bền vững hiện nay đang là một xu hướng được mọi nhà tổ chức sự kiện trên thế giới quan tâm. Tuy nhiên, nó chỉ dừng lại ở mức độ xu hướng và chưa phải là tiêu chuẩn hàng đầu cần có đối với các nhà tổ chức sự kiện.
Các sự kiện bền vững là những sự kiện giảm thiểu tác động đến môi trường, tối đa hóa lợi ích xã hội và đóng góp vào sự thịnh vượng lâu dài của cộng đồng và các bên liên quan. Trên thực tế, số lượng khách mời và người tổ chức sự kiện ngày càng tăng đã khiến việc bảo vệ môi trường trở thành ưu tiên hàng đầu trong những năm gần đây.
Nội dung
Sự kiện bền vững đã xuất hiện hơn 02 thập kỷ qua
Lần đầu tiên, những lo ngại về môi trường trong ngành sự kiện được quan tâm là tại Thế vận hội mùa đông Albertville năm 1992 ở Pháp, dẫn đến “Thế vận hội xanh” đầu tiên ở Lillehammer, Na Uy vào năm 1994.
Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đã xác định trách nhiệm đặc biệt của mình trong việc thúc đẩy phát triển bền vững và coi môi trường là khía cạnh thứ ba của Thế vận hội, bên cạnh thể thao và văn hóa.
Năm 2001, Thế vận hội Olympic Sydney 2000 đã được vinh danh với “Giải thưởng Global 500” vì đã tổ chức các hoạt động “xanh” chưa có tại sự kiện nào khác thời điểm đó.
Kể từ đó, các sự kiện thể thao lớn khác cũng đã xem xét tác động môi trường trong quá trình tổ chức.
Xu hướng sự kiện bền vững ngày càng được quan tâm
Hiện tại, xu hướng tổ chức sự kiện bền vững đang nhanh chóng được nhận biết trong cả trong ngành công nghiệp sự kiện trong nước và quốc tế. Các nhà tổ chức sự kiện ngày càng tìm cách cải thiện các chứng nhận bền vững cho sự kiện và thảo luận về sự kiện bền vững đã trở nên phổ biến trong truyền thông và công chúng
(Laing & Frost, 2009)
Các thực hành bền vững đã được áp dụng trong tất cả các loại sự kiện bao gồm hội nghị và cuộc họp, triển lãm thương mại, các sự kiện đại nhạc hội, sự kiện thể thao, lễ hội, các lễ kỷ niệm tôn giáo hoặc văn hóa và các sự kiện cộng đồng – dân sự. (Sustainable Event Alliance, 2011)
Một số ví dụ có thể kể đến như:
– Hội nghị thượng đỉnh thế giới về phát triển bền vững (WSSD)
– Giải vô địch bóng đá thế giới 2006 ở Đức
– Hội nghị các bên lần thứ 15 của UNFCCC 2010 (Copenhagen)
– Lễ hội âm nhạc Lollapalooza (Chicago)
– Thế vận hội Olympic London 2012
– Đại hội Thể thao Khối thịnh vượng chung Glasgow 2014
“Đã có hơn 1000 doanh nghiệp tổ chức sự kiện vừa và nhỏ thực hiện các sự kiện xanh và sự kiện bền vững theo yêu cầu của khách hàng.”
(Theo Net0)
Tổ chức sự kiện bền vững đang dừng lại ở mức xu hướng
Những năm gần đây, nhận thức của cộng đồng về “tính bền vững” trong các lĩnh vực, hoạt động ngày càng được chú trọng. Việc này nhằm đảm bảo về một cuộc sống tốt đẹp với sự bền vững và phát triển của môi trường, kinh tế, xã hội.
Do vậy, nhận thức về việc “xanh hóa” trong hoạt động tổ chức sự kiện cũng không ngoại lệ. Đặc biệt khi ngành này đã và đang gây ra những tác động tiêu cực không nhỏ tới môi trường và các lĩnh vực liên quan.
Ý thức và trách nhiệm về tổ chức sự kiện bền vững đang ngày càng được truyền tải rộng rãi và trở thành một trong những xu hướng quan trọng của ngành sự kiện hiện nay.
“Bắt đầu từ năm 2020 đã có 59% nhà tổ chức đồng ý rằng trách nhiệm về môi trường cần được quan tâm trong quá trình tổ chức sự kiện của họ.” (Theo EventBrite)
Tuy nhiên, sự bền vững trong tổ chức sự kiện vẫn chỉ dừng lại ở mức độ là xu hướng và chưa thực sự được thực hành phổ biến hay là một tiêu chuẩn cần có đối với mọi sự kiện.
Thực tế vẫn chưa có cơ chế hay văn bản chính thức nào từ các tổ chức, ban ngành nhằm thúc đẩy việc áp dụng rộng rãi sự kiện bền vững để trở thành một tiêu chuẩn trong cộng đồng ngành tổ chức sự kiện. Việc tổ chức sự kiện bền vững vẫn đang trong phạm vi nhận thức, trách nhiệm và đòi hỏi sự tự nguyện của tất cả các bên tham gia tổ chức.
Xu hướng tổ chức sự kiện bền vững còn nhiều thách thức
Thách thức và khó khăn lớn nhất trong việc tổ chức sự kiện bền vững có thể kể đến là:
- Chi phí tổ chức cao, hoặc người tổ chức sẽ phải bỏ nhiều công sức và thời gian nếu không muốn bỏ ra nhiều chi phí;
- Sự thiếu hụt về nhân lực có trình độ và kinh nghiệm để thực hiện tốt các hoạt động bền vững trong quá trình tổ chức sự kiện;
- Sự hạn chế về nhận thức và tư duy của một số nhà tổ chức, các bên liên quan hay khách hàng về việc đóng góp vào sự kiện bền vững.
Chỉ có 30% người tham gia chắc chắn đồng ý rằng việc trung hòa CO2 là điều quan trọng tại các lễ hội. Mặt khác, 36% số người khác không nhận thức được hậu quả của việc phát thải CO2 từ các sự kiện đối với môi trường.
Về phía người tham gia, 57% khách hàng nói rằng họ sẽ sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho một vé tham dự của một sự kiện thân thiện với môi trường.
(Theo Net0)
Theo báo cáo của Cvent 2020, tính bền vững với môi trường là thách thức lớn nhất đối với ngành tổ chức sự kiện. Các yếu tố khác gồm sự thiếu hụt kỹ năng, ứng dụng công nghệ, an ninh, Brexit và giảm thiểu ngân sách.
Rõ ràng, để việc thực hiện và đạt được hiệu quả bền vững trong mọi hoạt động tổ chức sự kiện vẫn cần phải đòi hỏi thêm rất nhiều nỗ lực và tinh thần trách nhiệm từ các bên liên quan: nhà tổ chức, nhà cung cấp, doanh nghiệp hay người tham dự.
Hơn thế, để có thể đưa “tính bền vững” trở thành một tiêu chuẩn trong ngành sự kiện vẫn sẽ là một bài toán lớn cần được sự quan tâm và xử lí quyết liệt hơn của nhiều bên trong ngành.
Đọc thêm: Sự kiện bền vững hiện nay quan trọng hơn bao giờ hết!
Backstage VN