Khâu tổ chức trong lễ khai mạc Olympic Paris 2024 gặp rất nhiều vấn đề và đó là bài học cho những người tổ chức sự kiện.
Olympic Paris 2024 là lần đầu tiên lễ khai mạc diễn ra trên sông thay vì trong nhà như các kỳ Thế vận hội trước đó.
Thế vận hội Mùa hè mở màn ở trung tâm thành phố, với sân khấu dài 6 km trên sông Sein – “linh hồn” của Paris. Sự kiện đón lượng khán giả trực tiếp kỷ lục – 320.000 người, theo ước tính của Ban tổ chức.
Ông Thomas Jolly – giám đốc nghệ thuật chương trình – là diễn viên kịch, đạo diễn sân khấu, nhạc kịch kỳ cựu. Về lý do chọn sông Seine làm nơi tổ chức sự kiện, ông nói: “Chúng tôi có bối cảnh đẹp nhất trên thế giới, tại sao còn cần dựng bối cảnh khác”.
Tuy nhiên, lễ khai mạc đã diễn ra không mấy suôn sẻ vì thời tiết. Sự kiện kéo dài bốn giờ, bao gồm hơn 3.000 nghệ sĩ âm nhạc, vũ công, diễn viên và nghệ sĩ xiếc, đã bị ảnh hưởng bởi mưa dai dẳng, từ mưa rào nhẹ đến mưa như trút nước nên công tác hậu cần cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Một số xe diễu hành gặp trục trặc về kỹ thuật, dẫn đến tình trạng mất điện tạm thời và gián đoạn, trong khi trang phục cầu kỳ bị ướt sũng.
Evan Babins, giám đốc sự kiện của nền tảng công nghệ tài chính toàn cầu Intuit nhắc nhở rằng lễ khai mạc là dành cho cả thế giới xem không phải chỉ mỗi khán giả đến xem trực tiếp: “Khi họ quyết định lễ khai mạc sẽ diễn ra trên sông, họ nên lên kế hoạch cho các vấn đề thời tiết. Lều, một cấu trúc tạm thời, mái che cho máy quay để người xem không nhìn thấy những giọt mưa trên ống kính, như vậy sẽ tốt hơn nhiều”.
Không chỉ vậy, lễ khai mạc còn mắc rất nhiều lỗi sai tương đối ngớ ngẩn như đọc nhầm tên đoàn Hàn Quốc thành đoàn Triều Tiên trong lễ khai mạc, treo cờ Olympic ngược và đỉnh điểm của tranh cãi chắc chắn phải kể tới là tiết mục Festivité.
Cảnh tượng này gây tranh cãi khắp toàn thế giới khi nhiều khán giả đã chỉ ra, cách sắp xếp đội hình và tư thế của các drag queen là khung hình mô phỏng theo bức tranh nổi tiếng The Last Supper của đại danh họa Leonardo Da Vinci – mô tả bữa ăn cuối cùng của Chúa Jesus với các tông đồ trước khi bị đóng đinh.
Đây là một trong những bức ảnh thiêng liêng và hán giả cho rằng Olympic Paris đã “xúc phạm tín ngưỡng” khi đưa một tiết mục như vậy vào lễ khai mạc.
Dù Ban tổ chức đã giải thích rằng tiết mục đã cố gắng truyền tải thông điệp về sự tự do, bao dung, đa dạng văn hóa và chấp nhận mọi sự khác biệt nhưng mới đây một đoạn email của đội truyền thông của Olympic đã bị leak ra với nội dung thừa nhận tiết mục Festivité do Thomas Jully dàn dựng đã lấy cảm hứng từ bức tranh của Leonardo Da Vinci vì vậy khán giả lại càng trở nên phẫn nộ hơn.
Có thể thấy, lễ khai mạc Olympic Paris 2024 chỉ toàn là những lời chê vì những sai lầm không đáng có nhưng có một điểm sáng rất lớn mà Thế vận hội đã làm được đó là dám mạo hiểm.
Nicola Kastner, người sáng lập The Event Strategist và là CEO của Event Leaders Exchange (ELX) chia sẻ cảm nhận về lễ khai mạc: “Trong thế giới phân cực ngày nay, mọi người trở nên khắt khe hơn bao giờ hết. Lên kế hoạch cho một điều gì đó ở quy mô như Olympic Paris không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Tôi hoan nghênh những người lập kế hoạch sự kiện đã mạo hiểm”.
Đồng quan điểm trên, Trish Knox, chủ sở hữu của TK Events cũng dành lời khen vì sự mạo hiểm của Ban tổ chức Olympic Paris 2024: “Họ đã vứt bỏ sổ tay hướng dẫn để làm điều gì đó khác biệt. Nó không hoàn hảo nhưng đó là điều xảy ra khi bạn là người đầu tiên làm điều gì đó”.
Sự mạo hiểm luôn đi kèm với rủi ro vì vậy nhiều người tổ chức sự kiện sẽ luôn chọn những lối đi an toàn để “chắc chân” nhưng điều đó sẽ khiến cho chương trình trở nên dễ nhàm chán. Ngược lại, nếu trở nên quá sáng tạo thì người làm chương trình sẽ gặp rất nhiều áp lực và dễ mắc nhiều sai lầm cơ bản như Ban tổ chức Olympic Paris 2024. Tóm lại, sự mạo hiểm đôi khi là một điều tốt nhưng cũng mang lại nhiều rủi ro nên nhà tổ chức sự kiện luôn phải chuẩn bị các phương án dự phòng để đảm bảo chương trình trở nên trơn tru nhất có thể.
Backstage News