Sự kiện BTS Fanfest 2020 là sự kiện offline hoành tráng do cộng đồng fan BTS Việt Nam tổ chức với mục đích phi lợi nhuận, song nó lại vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của nghệ sĩ nên buộc phải hủy. Đây là bài học lớn cho cả fandom và nhà tổ chức sự kiện.
“BTS FANFEST 2020” – sự kiện offline hoành tráng nhất của V-ARMY – fan của BTS nói riêng và K-Pop fan Việt nói chung. Sự kiện từng được tổ chức 1 lần năm ngoái vào ngày 10/8/2019 với hơn 2.000 người hâm mộ đến tham dự, BTS FANFEST 2019 đã trở thành sự kiện lớn nhất từ trước đến nay của cộng đồng K-Pop Việt Nam.
Sau thành công của sự kiện năm ngoái, năm nay BTC đã thuê trọn công viên Yên Sở với sức chứa lên đến 10.000 người để phục vụ cho BTS FANFEST 2020.
Tuy nhiên, mới đây cộng đồng fan Kpop tại Việt Nam không khỏi bất ngờ khi Big Hit Entertainment – công ty chủ quản của BTS đã đưa ra cảnh báo bằng cả 3 thứ tiếng Anh – Việt – Hàn về sự kiện Fanfest trái phép cũng như lấy thương hiệu BTS này trên Fanpage chính thức.
Theo đó, Big Hit cho rằng sự kiện “BTS Fanfest 2020” là bất hợp pháp khi liên quan đến thương hiệu BTS, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của nghệ sĩ mà không được sự phê duyệt của công ty. Big Hit cũng khẳng định đã gửi cho bên tổ chức sự kiện thư cảnh báo yêu cầu dừng sự kiện này lại để tránh gây tổn thất về mặt tài chính cho các bên liên quan.
Dưới đây là toàn bộ thông báo của Big Hit
Ngay sau khi Big Hit ra thông báo, đơn vị tổ chức sự kiện “BTS Fanfest 2020” đã chính thức đưa ra lời phản hồi. Phía đơn vị này đã gửi lời xin lỗi đến công ty chủ quản BTS, các đơn vị truyền thông đồng hành và cả cộng đồng V-ARMY về việc sử dụng thương hiệu BTS trái phép, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của nghệ sĩ mà không có sự đồng ý của công ty chủ quản.
Tiếp theo, phía ban tổ chức sự kiện cho hay đây là một chương trình phi lợi nhuận, không có tài trợ và hoàn toàn làm vì fan. Toàn bộ nguồn thu từ vé bán ra dùng để phục vụ cho công đoạn sản xuất và thuê địa điểm, hoàn toàn không bao gồm lợi ích cá nhân. Sau cùng, phía đơn vị tổ chức đưa ra quyết định sẽ huỷ sự kiện “BTS Fanfest 2020” diễn ra vào ngày 22/8/2020 và gửi lời xin lỗi đến cộng đồng V-ARMY đã đồng hành trong suốt thời gian qua. Cụ thể lời phản hồi như sau:
BTC đã công khai toàn bộ phi phí tổ chức cũng như doanh thu đến thời điểm hiện tại để chứng minh sự kiện hoàn toàn phi lợi nhuận. Họ chi biết doanh thu của sự kiện đến từ 3 nguồn: Vé, Áo (fangood) và phí thuê gian hàng (Booth). Tổng số tiền vé đã thu được là khoảng 523.749.000 đồng (Vé đã đi kèm áo), phí thuê gian hàng đã được hoàn lại cho các chủ shop tham gia sự kiện nên không kê vào doanh thu.
Tuy nhiên cộng đồng người hâm mộ vẫn có những ý kiến trái chiều, cho rằng đây vẫn chưa phải doanh thu cuối nên không thể dựa vào những bản báo cáo này mà công nhận đó là sự kiện phi lợi nhuận.
Trong khi đó dự toán chi phí của BTS Fanfest 2020 lên tới 821.096.000 đồng (xem chi tiết tại đây) và phía đơn vị sản xuất đã thanh toán, đặt cọc trước 186.511.000 đồng cho các hạng mục cứng như giấy phép, địa điểm, thiết bị,… Theo Live Production chia sẻ, số tiền này khó có thể thu hồi được.
Bên cạnh đó, liên quan đến việc người hâm mộ thắc mắc “Sự kiện có giấy phép tổ chức không?” BTC cũng tiết lộ, họ đã được Sở Văn Hoá và Thể Thao Du Lịch cấp giấy phép tổ chức sự kiện với tên gọi “CHƯƠNG TRÌNH HỌP MẶT NGƯỜI HÂM MỘ – BTS FanFest 2020”. Tuy nhiên, họ sẽ chỉ cung cấp cho các cơ quan ban ngành có thẩm quyền hoặc phía Big Hit khi có yêu cầu chứ không công khai như vấn đề tài chính ở trên.
Trước sự việc này xảy ra, rất nhiều bạn trẻ thuộc các fandom khác “ngưỡng mộ” thậm chí là “gato” với các V-Amy vì thấy rằng fandom này có một buổi offline quá lớn – quá xịn chẳng khác nào một buổi mini concert cả. Song đây là một bài học lớn cho cả cộng đồng người hâm mộ và cả những nhà tổ chức sự kiện. Đại diện Fans cần phải tham khảo ý kiến, xin phép những đơn vị chủ quản, có chuyên môn khi có ý định tổ chức sự kiện quy mô lớn.
Mặt khác, cộng đồng fans hầu hết là những bạn trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm tổ chức sự kiện cũng như chưa hiểu rõ về luật pháp nên các nhà tổ chức sự kiện cần phải tư vấn và đưa ra những cảnh báo/giải pháp phù hợp. Tuy rằng hành lang pháp lý cho các vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam hiện tại còn lỏng lẻo, nhưng tương lai khi sự kiện giải trí phát triển, đây sẽ là một trong những vấn đề các nhà tổ chức sự kiện không thể “bỏ qua”.
Nguồn: Fanpage BTS và Ami Chingu House