Không khó để nhận ra, các ngân hàng hiện đang đồng hành tại rất nhiều các chương trình lớn hay thậm chí là tổ chức luôn sự kiện.
Những năm gần đây, các sự kiện giải trí đã và đang ghi nhận sự tham gia sôi nổi của các “ông lớn” ngành tài chính – ngân hàng. Trong đó âm nhạc là lĩnh vực được nhiều ngân hàng lựa chọn đồng hành.
Sự cạnh tranh khốc liệt
Phải nói rằng các ngân hàng đang rất cố gắng để “tiến sâu” vào các sự kiện. Có thể kể đến như VIB, hiện nay ngân hàng này đang đồng hành cùng rất nhiều các chương trình truyền hình lớn như: The Masked Singer, Anh Trai Say Hi.
Thêm vào đó, một “ông lớn” khác là MB Bank cũng đồng hành với vai trò nhà tài trợ kim cương cho Chị Đẹp Đạp Gió Rẽ Sóng.
Nhìn chung, hai ngân hàng kể trên sẽ chọn lọc các chương trình được chiếu vào “khung giờ vàng” để giúp độ nhận diện và hiệu quả tiếp cận đến đối tượng khán giả trẻ của các ngân hàng tăng cao. Tất nhiên, số tiền mà các ngân hàng chi ra cho việc này không phải nhỏ, có thể lên đến hàng tỷ đồng.
Không chỉ tài trợ mà các ngân hàng còn tổ chức concert của riêng mình. Lấy ví dụ như: TPBank 2in1 Concert quy tụ dàn sao Sơn Tùng M-TP, JustaTee, Phương Ly, HIEUTHUHAI,… tổ chức tại sân ký túc xá khu A Đại học quốc gia TP.HCM với 50.000 người tham gia; Sống một đời có “lãi” – VietinBank với sự tham gia của các nghệ sĩ Đen Vâu, Hà Anh Tuấn, Tóc Tiên, JustaTee… Hai ngân hàng kể trên đều cho thấy sự đầu tư nghiêm túc của mình khi đầu tư “khủng” từ sân khấu, âm thanh, ánh sáng và nghệ sĩ.
Ngoài ra, các ngân hàng cũng tiến vào thị trường bán vé, điển hình là Cake by Vpbank khi đồng hành cùng những ngôi sao nổi tiếng tại Việt Nam như My Soul 1981, Tri Âm của Mỹ Tâm hay Hoàng Thuỳ Linh Vietnamese Concert.
Nhìn chung, các ngân hàng luôn có nhiều cách để tận dụng triệt sức hút của các sự kiện lớn.
Vì sao các ngân hàng chi mạnh cho các concert?
CEO Pencil Group nhận định việc truyền thông bằng cách xuất hiện trên sóng các gameshow ca nhạc, đồng hành với liveshow của nghệ sĩ là hình thức tiếp thị văn hóa thương hiệu của các ngân hàng, trong đó các giá trị văn hoá đặc thù của thương hiệu được gắn kết với các giá trị văn hoá đại chúng, tạo nên sức mạnh thương hiệu kích thích kết quả kinh doanh.
So với các hình thức Marketing khác, chuyên gia về Content và Digital Marketing, Phùng Thái Học – Sáng lập cộng đồng Tâm sự con sen cho rằng hoạt động tài trợ sự kiện lớn có những tầm nhìn khác biệt. “Sự hoành tráng và thành công của những sự kiện này có thể ngay lập tức tạo ra cảm nhận tích cực về tiềm lực của ngân hàng tài trợ, từ đó ra tăng được uy tín thương hiệu, điều vô cùng quan trọng với bất cứ một ngân hàng nào.
Nếu ngân hàng X vừa mới tổ chức nhạc hội với ca sĩ hạng A nào đó, thì ngân hàng Y cũng sẽ muốn có một sự kiện tương tự với một ca sĩ hạng A khác có thể sánh vai. Điều này tạo ra những cuộc đua ngầm cho những sự kiện được tổ chức vào cũng một khoảng thời gian, và đương nhiên, ngân hàng nào cũng muốn thể hiện mình là đơn vị có tiềm lực hơn”.
Sự phát triển của các mạng xã hội video cũng góp phần gia tăng hiệu quả của các hoạt động tài trợ, phủ sóng thương hiệu ngân hàng. Một sự kiện sẽ chỉ diễn ra tối đa 4 tiếng đồng hồ với tối đa vài chục nghìn khán giả. Nhưng những video được khán giả quay tại sự kiện thì có thể được xem đi xem lại trong một khoảng thời gian khá dài sau khi sự kiện đã kết thúc, thu hút hàng trăm triệu view trên các mạng xã hội và mang lại hiệu quả truyền thông tích cực cho các đơn vị tài trợ.
Bên cạnh đó việc kết hợp với các nghệ sĩ tại sự kiện luôn là cách hiệu quả để quảng bá thương hiệu. Lấy ví dụ của MB Bank, việc kết hợp với Sơn Tùng M-TP và bày bán merchandise đã tạo nên sự tò mò lớn dành cho người hâm mộ, thêm vào đó việc cùng tham gia tổ chức 7-Minute Stage cũng là cơ hội để kết nối với nhiều tệp khán giả mới.
Có thể thấy, dù cho tổ chức sự kiện hay đồng hành cùng 1 sự kiện sẽ khiến cho các ngân hàng mất một khoản tiền không hề nhỏ nhưng với những hiệu quả mà sự kiện mang lại thì khoản đầu tư này là hoàn toàn xứng đáng.
Backstage News