Trình diễn 3D mapping cơ bản là trình chiếu những đoạn phim, hình ảnh được thiết kế khớp với vật chiếu có hình dạng không bằng phẳng (3D) như thông thường và có thể kết hợp với các hiệu ứng khác như âm thanh, ánh sáng để tạo ra những hình ảnh ấn tượng trên vật thể.
3D mapping là 1 công nghệ không còn mấy xa lạ và được ứng dụng nhiều trong các sự kiện tại VN. Có thể kể đến các sự kiện tại VN sử dụng 3D mapping để trình diễn từ rất lâu như:
2012 – Sống với Yamaha tại Vincom
2013 – Đại tiệc ánh sáng 3D mapping ở Dinh Thống Nhất
2014 – Mapping viettel tại Dinh Thống Nhất
2016 – Mapping nhà hát lớn – Mobifone
2017 – Kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN
2018 – Clear Countdown
Không chỉ ở các sự kiện lớn, 3D mapping cũng được ứng dụng nhiều trong các sự kiện doanh nghiệp indoor, hội nghị khách hàng hoặc ra mắt thương hiệu mới.
Vậy để làm được kỹ thuật trình chiếu 3D mapping cần phải làm những gì?
Cùng Backstage tìm hiểu về các yếu tố chính mà 1 Event Planner cần biết nhé:
1. VẬT THỂ CHIẾU & KHẢO SÁT VẬT THỂ CHIẾU
Để tính toán được 3D mapping phụ thuộc rất nhiều vào vật thể chiếu và bối cảnh không gian của vật được chiếu. Nếu là 1 chiếc xe oto, hoặc1 vật cụ thể đặt trong nhà, không ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh thì việc thực hiện 3D mapping sẽ dễ dàng hơn rất nhiều so với 1 toàn nhà hoặc vật thể đặt ngoài trời.
Chất liệu bề mặt chiếu là yếu tố rất quan trọng trong chất lượng hiển thị hình ảnh. Nếu như bề mặt chiếu có chất liệu như kính, sơn bóng, đá hoặc độ phản sáng cao thì việc trình chiếu sẽ gặp nhiều khó khăn hoặc không thực hiện được. Có 1 số biện pháp khắc phục là phủ lên bề mặt 1 chất liệu khác ( có thể là vải màn chiếu ) hoặc phủ 1 lớp sơn đặc biệt để hút sáng máy chiếu.
Chất liệu bề mặt cũng ảnh hưởng đến độ rọi và công thức để lựa chọn máy chiếu phù hợp.
Xác định số lượng mặt chiếu, hoặc hình thù cụ thể của vật chiếu từ đó xác định được số lượng và chủng loại máy chiếu phù hợp.
Trong khi khảo sát cũng cần xác định vật chiếu trong không gian ngoài trời hay trong nhà, thứ tác động nhiều nhất đến chất lượng chiếu đó là ánh sáng môi trường xung quanh vật chiếu ( có thể là đèn đường, đèn nhà, hoặc ánh sáng từ mặt trăng khiến cho môi trường không đạt độ tối tốt nhất), trong nhà sẽ ít bị ảnh hưởng hơn nhưng nếu dùng chung mapping với các thiết bị trình chiếu khác như màn hình led cũng là 1 thiết bị phát ra cường độ sáng lớn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng hình ảnh của phần 3D mapping.
Việc khảo sát này nên cùng với các đơn vị kỹ thuật tính toán về lượng thiết bị sử dụng cũng như vị trí setup thiết bị.
Việc này sẽ ảnh hưởng tới layout setup trong toàn chương trình vì muốn tối ưu chất lượng và công dụng máy chiếu thì cần đặt vị trí tốt nhất.
Vị trí và góc đặt máy chiếu thường phụ thuộc vào lens, công suất máy chiếu. Hoặc từ các thông số này qua 1 số website tính toán (https://www.projectorcentral.com) các bạn có thể tính được khoảng cách chiếu phù hợp với máy chiếu mình sẽ sử dụng.
2. MÁY CHIẾU
Về máy chiếu, cũng giống như các thiết bị điện tử khác, một hãng sản xuất có thương hiệu về trình chiếu sẽ là 1 lựa chọn tốt nhưng sẽ không tối ưu về mặt chi phí giá. Nhưng nếu như các bạn lựa chọn những sản phẩm với giá thành rẻ hơn thì bạn cần chắc chắn về yêu cầu chất lượng sản phẩm của bạn để phù hợp với chi phí.
Số lượng máy chiếu sẽ dựa trên diện tích chiếu và các bề mặt chiếu khác nhau trên 1 vật thể. Tức là với 1 vật thể có 3 mặt bạn cần tối thiểu 2 máy chiếu để có thể chiếu hết các mặt của vật chiếu, hoặc với diện tích chiếu lớn cũng cần nhiều máy chiếu để hình ảnh phủ hết được bề mặt chiếu.
Đôi khi để hình ảnh được rõ ràng hơn người ta có thể dùng nhiều máy chiếu trên cùng 1 diện tích.
Ansilumen là cường độ sáng của máy chiếu, và cũng là thông số được dùng để lựa chọn máy chiếu nhiều nhất. Ví dụ bạn sẽ thường nghe thấy việc nhà cung cấp nói rằng máy 5k, 13k, 25k. 30k… Đó chính là máy chiếu có cường độ sáng là 5000 Ansilumen hay 30.000 Ansilumen. Chỉ số Ansilumen càng cao thì máy chiếu và chất lượng hình ảnh càng sáng và tốt hơn.
Ngoài ra cũng cần chú ý đến đời sản xuất và công nghệ mapping của loại máy chiếu để lựa chọn 1 sản phẩm tốt cho sự kiện của mình.
Tips: Có 1 số máy chiếu cường độ sáng lớn nhưng công nghệ cũ và tuổi thọ máy cao sẽ khiến cho chất lượng hình ảnh sẽ không được như lúc đầu hoặc còn thua những máy có cường độ thấp nhưng sản xuất mới.
Độ phân giải của máy chiếu cũng quyết định đến độ nét của hình ảnh trong màn chiếu và cũng giúp sản xuất nội dung hình ảnh một cách tốt nhất phù hợp với máy chiếu.
Ngoài ra, 1 tips nhỏ cho các bạn để biết lựa chọn máy chiếu có cường độ sáng bao nhiêu là phù hợp, đó là dựa vào độ rọi lux.
Độ rọi lux là đơn vị biểu thị độ sáng tại 1 điểm, 1 bề mặt mà con người cảm nhận được mạnh hay yếu.
Giá trị trung bình trong trình chiếu 3D mapping thực tế từ khoảng 250-300 lux ( Con số lý thuyết là ~ 400lux tương đương ánh sáng làm việc trong văn phòng )
Và với công thức tính giữa độ rọi và cường độ sáng máy chiếu chúng ta sẽ xác định được nhu cầu sử dụng máy chiếu có cường độ bao nhiêu cho khoảng chiếu 50m2 đó là:
Lumen = lux * m2 <=> 300 x 50 = 15000
=> Chúng ta cần 1 máy chiếu khoảng 15k ansilumen để trình chiếu trên 1 diện tích 50m2
• Lưu ý độ lux này còn phụ thuộc vào chất liệu bề mặt chiếu khác nhau ( gỗ, đá, thạch cao … ) 300 chỉ là giá trị tính trung bình.
Lens là 1 phụ kiện không thể thiếu của máy chiếu và trong việc trình chiếu 3D mapping. Đa phần các máy chiếu sẽ đi kèm với 1 ống lens tiêu chuẩn kèm máy. Ống lens này thường được fix với những tính năng cố định.
Đối với những “ca khó” thường sẽ sử dụng những ống lens có những tính năng phù hợp ví dụ chiếu xa, chiếu cực gần góc rộng, hoặc chiếu ngược …
Với những ống lens như này thì chi phí sẽ cao hơn những lens có sẵn hoặc phải mua mới.
3. NỘI DUNG TRÌNH CHIẾU
Sau khi đã xác định được các yếu tố kỹ thuật, thì nội dung trình chiếu là yếu tố tạo nên một màn trình diễn ấn tượng.
Ngoài câu chuyện bạn muốn kể, hình ảnh thương hiệu, hay bất cứ thứ gì, thì yếu tố khiến cho khán giả thấy wow là những hình ảnh được tương tác trực tiếp với địa hình, kiến trúc, hoặc hình dạng của vật thể. Ví dụ bạn chiếu lên toàn nhà có nhiều cửa sổ, thì nội dung chiếu có thể có người đang mở cửa, hoặc vật thể có nhiều hình khối cao thấp có thể có những đường nét hoa văn chạy dọc theo các mép. Khiến cho hình ảnh nội dung trở thành 1 phần của chính vật chiếu.
Để làm được nội dung trình chiếu tốt thì việc khảo sát vật chiếu 1 cách chính xác là điều cực kỳ quan trọng. Từ đó người dựng hình ảnh sẽ dựng lại vật thể chiếu lên 3D với kích thước như thực tế và sản xuất hình ảnh, đoạn phim phù hợp với vật chiếu theo nội dung.
Lựa chọn âm nhạc, sound effect hoặc ánh sáng phù hợp với nội dung hình ảnh sẽ làm tăng cảm xúc cho khán giả. Đây cũng chính là phần mà người làm nội dung thường xuyên sẽ phải chính sửa nhiều nhất để đưa ra được sản phẩm cuối cùng.
Những điều nêu trên chỉ là những bước cơ bản đầu tiên để giúp các bạn khỏi bỡ ngỡ khi làm việc. Trên thực tế để làm 1 phần trình diễn 3D Mapping tốt cần rất nhiều sự đầu tư cả về tài chính lẫn công sức. Hy vọng sẽ có nhiều màn trình diễn 3D Mapping sáng tạo và mãn nhãn trong tương lai.
https://www.youtube.com/watch?v=zgW9knEwcY0
Xem thêm: 12 bước để thực hiện 1 màn trình diễn Project Mapping
Backstage
*Copy bài viết vui lòng ghi rõ nguồn Backstage.vn