Thế vận hội Olympic Paris 2024 đang ngày càng đến gần. Các chuyên gia kinh tế Pháp đang xem xét việc sự kiện thể thao lớn mang tính toàn cầu như này có thực sự thúc đẩy kinh tế cho thành phố đăng cai không, hay liệu chi phí có lớn hơn lợi ích hay không.
Để chuẩn bị cho Thế vận hội Olympic Paris 2024, nhiều ga tàu điện ngầm đã phải đóng cửa để phục vụ cho công tác cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện trước thềm sự kiện. Tuyến đường ven sông Seine bị quây thành khu vực hạn chế bởi làng Olympic ở Seine Saint Denis. Điều này đã khiến việc di chuyển của người dân và du khách gặp nhiều ảnh hưởng.
Kinh doanh dịch vụ chưa tích cực
Tờ báo Le Figaro đưa tin, tình hình kinh doanh của nhiều quán ăn, nhà hàng ven bờ sông Seine đang ngày càng gặp khó khăn trước thềm Olympic. Lý do bởi vì để vào các cửa hàng này thưởng thức ăn uống, khách hàng không chỉ phải order với cửa hàng mà còn phải lên trang web của Sở cảnh sát Paris đăng ký, tải lên giấy tờ tùy thân, vài ngày sau mới nhận được mã QR xác nhận quyền truy cập khu vực. Rõ ràng, chẳng có mấy người chịu làm từng đó thủ tục vì một cốc nước hay một bữa ăn.
Đối với người dân Paris, không ít người bày tỏ họ không thực sự hài lòng về việc thành phố của họ đăng cai Thế vận hội Olympic mùa hè 2024 năm nay. Trong khi chính quyền Paris khuyên người dân địa phương nên làm việc tại nhà trong thời gian diễn ra Thế vận hội, thì nhiều người cho biết họ đã có ý định sử dụng ngày nghỉ có lương để rời Paris trong dịp này. Đối với những ai không thể di chuyển ra khỏi thành phố, những ngày Thế vận hội đối với họ có thể là… ‘ác mộng’.
Đối với ngành du lịch, chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Pháp bày tỏ quan ngại với PV tờ báo Le Figaro rằng, tình hình giao thông phức tạp sẽ khiến ít du khách muốn tới Paris. Do đó, nhà hàng và khách sạn sẽ hoạt động kém hơn so với mọi mùa hè khác.
Theo đó, trong 2 tháng diễn ra Thế vận hội, giá phòng khách sạn trung bình ở Paris tăng khoảng gấp đôi gấp ba so với mùa hè năm ngoái. Hiện tại, chỉ còn hơn 1 tháng nữa sẽ chính thức khai mạc Thế vận hội. Tuy nhiên, số lượng khách đặt phòng trong 2 tháng diễn ra sự kiện vẫn chưa phải con số đáng kể, vẫn còn rất nhiều phòng trống trong thời gian diễn ra Olympic Paris 2024.
Hiệp hội Khách sạn Pháp cho biết họ không bất ngờ khi khách sạn còn nhiều phòng trống.
Thực tế, nhìn lại những kỳ Thế vận hội trước đây, rõ ràng London, Bắc Kinh và Thành phố Salt Lake đều chứng kiến sự sụt giảm về du lịch trong những năm diễn ra sự kiện. Cụ thể, tỷ lệ lấp đầy phòng của Thế vận hội London chỉ có 72%. Vì vậy, không có gì chắc chắn Thế vận hội Olympic sẽ thúc đẩy kinh tế ngành du lịch của Paris năm nay.
Tỷ lệ hoàn vốn đầu tư Olympic kém
Nhìn vào các kỳ thế vận hội đã từng diễn ra, có thể thấy rằng việc đăng cai Thế vận hội thường xuyên gây hao tổn tài chính. Trong lịch sử, chỉ có một thành phố từng kiếm được lợi nhuận từ việc đăng cai Thế vận hội là Los Angeles năm 1984. Tuy nhiên, lợi nhuận của sự kiện năm đó có được nhờ những yếu tố đặc biệt: thành phố California là nhà thầu duy nhất nên có thể đạt được các yêu cầu lỏng lẻo hơn từ Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC), bao gồm quyền sử dụng cơ sở hạ tầng có sẵn thay vì xây dựng cơ sở hạ tầng mới.
Thực tế, mức giá quá khủng của việc tổ chức Thế vận hội đã khiến nhiều thành phố từ chối đấu thầu. Chưa kể việc tham gia cuộc đua này cũng không ít tốn kém khi giá thầu có thể lên tới hơn 100 triệu USD, theo Euronews.
Ban tổ chức Olympic Paris 2024 cho biết, chi phí xây dựng riêng để hoàn thiện các cơ sở hạ tầng cố định và tạm thời phục vụ cho sự kiện chiếm 3,6 tỷ USD, trong ngân sách 4,9 tỷ USD. Mức chi phí khổng lồ chủ yếu đến từ việc xây dựng, nâng cấp các cơ sở hạ tầng lớn như sân vận động, khách sạn, làng Olympic,… Trong khi đó, những cơ sở này có thể hầu như không được sử dụng sau sự kiện (ví dụ như các địa điểm do Olympic xây dựng ở Athens và Bắc Kinh). Việc bảo trì các cơ sở này cũng là một gánh nặng tài chính hàng năm.
Tờ Euronews cho rằng, việc Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đánh giá thấp chi phí và hứa hẹn quá mức về lợi ích dẫn đến việc các thành phố chủ nhà hiếm khi hòa vốn. Mặc dù lợi nhuận đã được chứng minh là có thể xảy ra trong lịch sử Thế vận hội, nhưng vẫn không thể so sánh được với tầm quan trọng của mức thâm hụt.
Tuy nhiên, trước những tác động chưa hẳn là tích cực được nhìn nhận, các nhà kinh tế Pháp cũng nhấn mạnh rằng lợi ích lâu dài mới là yếu tố quan trọng. PV VTV News tại Paris đưa tin, một nghiên cứu quy mô và chi tiết tại Pháp đã ước đoán, thành phố Paris đã hưởng lợi trong khoảng từ 7-11 tỷ euro trong vòng 18 năm qua, nhờ việc cải tạo các cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng cuộc sống để chuẩn bị tổ chức Thế vận hội mùa hè năm nay.
Thế vận hội mùa hè Olympic Paris 2024 sẽ diễn ra từ ngày 26 tháng 7 đến ngày 11 tháng 8. Các nhà tổ chức Paris 2024 hiện đang mở bán 10 triệu vé xem sự kiện, ước tính 36% lượng khách tham dự Olympic sẽ đến từ bên ngoài nước Pháp.
Backstage News
Nguồn: Tổng hợp