Sau những lùm xùm về chi phí tác quyền xung quanh concert BLACKPINK tại Hà Nội, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam cần xem xét bổ sung, hoàn thiện quy định về biểu phí cho các chương trình biểu diễn trực tiếp trong tương lai.
Ngày trước đêm diễn chưa đầy 2 ngày, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) và ban tổ chức concert BLACKPINK tại Hà Nội đã vướng nhiều lùm xùm về việc thanh toán biểu phí tác quyền của hai đêm nhạc. Nguyên nhân vì hai bên chưa có tiếng nói chung trong cách tính phí bản quyền các tác phẩm âm nhạc được sử dụng.
Đề xuất biểu phí tác quyền cho chương trình liveshow tại Việt Nam
Theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Nghị định 17/2023 NĐ-CP ngày 26/4/2023 có hiệu lực mới quy định về biểu phí, nhưng chỉ áp dụng cho các chương trình, sự kiện, dự án âm nhạc được ghi âm, ghi hình. Các chương trình ca nhạc tổ chức biểu diễn trực tiếp hiện chưa được quy định biểu phí.
Theo bà Nguyễn Lan Phương – chuyên gia luật của Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông, việc thu tiền tác quyền sử dụng tác phẩm âm nhạc đối với những chương trình liveshow được xây dựng trên nguyên tắc tự nguyện. Mức phí và cách tính phí tác quyền là việc dân sự, dựa theo thỏa thuận giữa các bên.
Điều này cũng dẫn đến những lùm xùm về việc thanh toán bản quyền âm nhạc của ban tổ chức concert BLACKPINK, do chưa đi đến sự đồng thuận về cách tính phí của VCPMC.
Cụ thể, theo cách tính phí tác quyền của VCPMC thống nhất với IME Việt Nam – đơn vị tổ chức concert BLACKPINK tại Hà Nội, tổng mức phí tác quyền cho hai đêm diễn lên tới hơn 10 tỉ đồng. Với con số này, IME vẫn chưa thể “gật đầu”.
Đọc thêm về cách tính phí tác quyền của VCPMC cho concert BLACKPINK Hà Nội tại đây.
Trao đổi với báo chí, đại diện IME Việt Nam cho biết ở các nước khác, họ đóng phí tác quyền với mức phí khoảng 1,5-3% x giá vé trung bình x một phần sức chứa (không quá 70%). Ở Thái Lan, Malaysia, tiền bản quyền vào khoảng từ 4,7 tỷ đến hơn 5,9 tỷ đồng. Do vậy, phí tác quyền ban đầu theo tính toán của VCPMC cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực.
Cuối cùng đến ngày 28/9, IME Việt Nam và VCPMC đã đi đến thống nhất về phí tác quyền với con số “dễ chịu hơn nhiều” so với mức VCPMC đưa ra ban đầu.
Trước những ý kiến trái chiều về cách tính phí bản quyền của VCPMC, một chuyên gia (đề nghị không nêu tên) chia sẻ với báo Văn hóa rằng rất khó để so sánh về cách tính phí bản quyền của VCPMC với các nước khác, bởi việc tính toán dựa trên nhiều yếu tố như pháp luật nước sở tại, giá trị thương hiệu của nghệ sĩ, giá vé bình quân, quy mô sự kiện và cả thỏa thuận giữa các bên liên quan…Thế nhưng, vị chuyên gia cũng cho rằng VCPMC nên nghiên cứu lại biểu mức để phù hợp với thị trường giải trí ở Việt Nam, để đưa ra cái giá “hợp lý, hợp tình” nhất và tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam.
Ở góc độ quản lý nhà nước, PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã đưa ra ý kiến đề xuất, việc bổ sung quy định về tiền bản quyền cho chương trình ca nhạc liveshow trong Nghị định 17/2023/ NĐ-CP. Theo ông, biểu mức tác quyền cho các sự kiện, chương trình thời gian tới cần hướng đến tính linh hoạt, công bằng và thỏa đáng. Đồng thời khuyến khích các bên sử dụng dịch vụ đại diện bản quyền để dễ dàng hơn trong việc thỏa thuận chi phí.
Các đơn vị cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng bản quyền để tạo điều kiện thuận lợi trong phát triển công nghiệp văn hóa và tổ chức các liveshow đa dạng, chất lượng hơn.
Có thể thấy, nhiều năm trở lại đây, Việt Nam đã trở thành điểm dừng chân biểu diễn của nhiều nghệ sĩ quốc tế từ US-UK đế Kpop. Thị trường ngành sự kiện cũng trở nên sôi động với sự có mặt của nhiều chương trình âm nhạc, live show, live concert quy tụ những nghệ sĩ có tên tuổi.
Do vậy, việc bổ sung và hoàn thiện quy định biểu phí tác quyền âm nhạc – một vấn đề còn nhiều bất cập hiện nay – sẽ tạo điều kiện thuận lợi, nhanh chóng cho việc tổ chức và thực hiện các chương trình âm nhạc. Đồng thời đảm bảo quyền lợi pháp luật cho các bên tham gia về vấn đề bản quyền âm nhạc và xây dựng một hình ảnh chuyên nghiệp cho ngành giải trí và ngành tổ chức sự kiện Việt Nam.
Thế giới tính phí tác quyền âm nhạc trong các liveshow như nào?
Cách tính phí tác quyền âm nhạc ở các quốc gia trên thế giới khác nhau, phụ thuộc vào luật pháp, thỏa thuận giữa các bên liên quan, cách thức, mục đích sử dụng tác phẩm âm nhạc, loại hình chương trình,…
Tại Úc, chi phí tác quyền trong chương trình âm nhạc có bán vé được tính bằng “2,2% giá vé x số lượng vé bán được” (trước thuế). Số tiền tác quyền tối thiểu cho một tác phẩm là 82,5 USD (khoảng 1,97 triệu đồng) (được công bố bởi APRA & PPCA Event Licences – OneMusic). Ngoài ra, mức phí này còn phải cộng thêm từ 0,34 – 3,92 USD nếu sử dụng thêm trong các trường hợp được quy định rõ gồm:
- Nơi nghệ sĩ biểu diễn trực tiếp hát đè lên âm nhạc ghi âm từ trước;
- Sân khấu/khu vực biểu diễn chỉ bao gồm nhạc đã ghi được phát từ xa với thời lượng ít hơn 20 phút;
- Sự kiện âm nhạc chỉ dành cho người tham gia dưới 18 tuổi và phi lợi nhuận hoặc các sự kiện âm nhạc cộng đồng.
Ở Mỹ, một ca khúc được trình diễn trong sự kiện âm nhạc bán vé có phí tác quyền là “9,1 cent ( khoảng 231,85 VND) x số lượng vé” (theo cơ quan HFA). Trong đó, nhà đơn vị quản lý bản quyền âm nhạc HFA được nhận 11,5% tổng số tiền thu được cho tác giả.
Tại Hàn Quốc, chương trình âm nhạc tổ chức miễn phí sẽ không phải trả phí tác quyền. Nếu chương trình bán vé, biểu phí tác quyền âm nhạc sẽ được tính bằng “3% x tổng doanh thu bán vé (trước thuế) x phí tác quyền với công ty chủ quản” (theo KOMCA). Nếu chương trình âm nhạc bán vé biểu diễn cùng với các tiết mục phim ca nhạc, nhạc kịch, opera, múa bale, tỷ lệ tính phí sẽ là 2%.
Còn ở Anh, chi phí tác quyền âm nhạc trong chương trình biểu diễn trực tiếp có bán vé là “4,8% x tổng doanh thu bán vé” (theo PRS for Music). Hoặc, nhà sản xuất chương trình phải trả số tiền dựa trên số lượng ca khúc bản quyền mà liveshow sử dụng, chiếm khoảng 8% tổng doanh thu bán vé.
Backstage News
Nguồn: Tổng hợp