Vào ngày 26/3, Cục Bản quyền tác giả Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam) phối hợp Cơ quan bảo vệ bản quyền Hàn Quốc (KCOPA) đã tổ chức "Diễn đàn bản quyền Việt Nam - Hàn Quốc 2024" với chủ đề "Chính sách bản quyền trên môi trường số và phương án hợp tác giữa hai quốc gia" tại TP.HCM.
Ông Đinh Trung Cẩn – tổng giám đốc Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) cho biết VCPMC và Hiệp hội Bản quyền âm nhạc Hàn Quốc (KOMCA) có sự hợp tác chặt chẽ kể từ khi ký kết song phương năm 2005.
Năm vừa rồi, Hàn Quốc có thể được coi là đối tác chiến lược với Việt Nam khi nước ta đã đón chào rất nhiều ngôi sao Kpop tới biểu diễn vì vậy số tiền tác quyền cũng tăng lên rất nhiều. Chỉ trong quý đầu 2024, con số đã vượt hơn 151.000 USD, trong khi đó, từ 2012 đến 2023, số tiền tác quyền VCPMC thu được gửi lại cho KOMCA là gần 550.000 USD.
Đại diện VCPMC khẳng định vấn đề nộp tiền tác quyền của các đêm nhạc sao Hàn ở Hà Nội, TP.HCM hay bất kỳ tỉnh thành nào đều được tuân thủ chặt chẽ.
“Các buổi diễn của Blackpink hay các nghệ sĩ Hàn Quốc tại Việt Nam đều nghiêm túc thực hiện vấn đề bản quyền. VCPMC cũng có công nghệ hỗ trợ lớn cho vấn đề thu tiền tác quyền và gửi về cho các tổ chức tương tự ở các nước. Hiện chúng tôi sử dụng 9 phần mềm, không còn viết tay như trước”, ông Cẩn nói.
Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã tham gia gần 80 tổ chức trên thế giới về bảo vệ bản quyền âm nhạc tương ứng với hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ. Do đó, ở đâu có nhạc Việt xuất hiện và sáng tác đó thuộc quản lý của VCPMC, thì nhạc sĩ sẽ thu được tiền tác quyền.
Ngoài ra, buổi Diễn đàn cũng nêu ra quan điểm về các vấn đề liên quan đến “nhạc sĩ AI”. Cụ thể, những sản phẩm âm nhạc được AI tạo ra không được công nhận bản quyền trừ khi có sự tác động của con người như: chỉnh sửa, sắp xếp lại bố cục bài hát… thì có thể công nhận một phần tính sáng tạo của con người.
Còn theo luật hiện hành, tác phẩm âm nhạc được định nghĩa phải thể hiện tư tưởng và cảm xúc của con người. Blackpink
Backstage News
Nguồn tổng hợp