Doanh thu bán vé biểu diễn tại Hàn Quốc tăng 42% trong nửa đầu năm 2023. Từ các chuyến lưu diễn liên tiếp của các nghệ sĩ Kpop, có thể nhìn thấy bí kíp để ngành công nghiệp Kpop kiếm về hàng chục tỷ USD mỗi năm.
Từ những năm 1990, làn sóng Hallyu (văn hóa đại chúng Hàn Quốc) bắt đầu nở rộ với sự phủ sóng của phim truyền hình (Kdrama) và âm nhạc Hàn Quốc (Kpop). Quá trình “xuất khẩu” văn hóa của xứ sở kim chi phát triển thuận lợi, Hallyu trở thành một hiện tượng toàn cầu.
Đến hiện tại, Kpop đã trở thành một ngành công nghiệp vững mạnh, có vai trò quan trọng hàng đầu đối với nền kinh tế đất nước.
Nội dung
Doanh số bán vé tại Hàn Quốc tăng 42%
KBS WORLD Vietnamese đưa tin, theo số liệu phân tích doanh thu bán vé thị trường biểu diễn nửa đầu năm 2023 của Trung tâm hỗ trợ kinh doanh nghệ thuật Hàn Quốc (KAMS), trong 6 tháng đầu năm 2023, doanh số bán vé thị trường biểu diễn nước này đạt 502,4 tỷ won (375,44 triệu USD), tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Số buổi biểu diễn nửa đầu năm đạt tăng 24,4%.
Trong đó doanh số bán vé nhạc kịch đạt 226 tỷ won (168,9 triệu USD), chiếm 45% tổng doanh thu vé biểu diễn; âm nhạc đại chúng chiếm 38%. Theo sau là âm nhạc phương Tây (cổ điển) chiếm 7,1% và cuối cùng là kịch đạt chiếm 6,6%.
Riêng doanh số bán vé biểu diễn âm nhạc đại chúng tại đây đã tăng mạnh từ tháng 5/2023. Lý do bởi nhiều concert lớn được tổ chức như Lễ hội Jazz Seoul, hay concert của nam ca sĩ người Mỹ Bruno Mars.
Ngoài doanh thu bán vé từ các chương trình trực tiếp tại Hàn Quốc, tổng doanh thu mà các chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới KPop mang lại cũng là con số “khủng”.
Theo Koreaboo, sau một thời gian dài các tour diễn bị tạm dừng vì COVID-19, giai đoạn 2022-2023 dường như là kỷ lục về số lượng buổi hòa nhạc và người tham dự của các nghệ sĩ Kpop. Chỉ tính riêng 8 chuyến lưu diễn thế giới Kpop, tổng doanh thu đã vượt hơn 400 triệu USD.
Theo đó, 8 nhóm nhạc có lợi nhuận từ world tour cao nhất trong năm 2022-2023 bao gồm: BLACKPINK, Stray Kids, SEVENTEEN, TWICE, ENHYPEN, TREASURE, ATEEZ, và TXT. Đứng đầu là chuyến lưu diễn “Born Pink” của nhóm nhạc BLACKPINK với tổng lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay, phá vỡ mốc 150 triệu USD.
Bí kíp kinh doanh của ngành công nghiệp Kpop tỷ đô
Năm 2004, làn sóng Kpop đã đóng góp 0,2% GDP của Hàn Quốc, chiếm khoảng 1,87 tỷ USD. Nhưng tới năm 2021, sự phổ biến toàn cầu của Kpop giúp Hàn Quốc kiếm được khoảng 12,45 tỷ USD. Con số khủng này có được từ đâu?
Đầu tư vào ngành công nghiệp không khói
Ngành công nghiệp giải trí đã trở thành mắt xích quan trọng để thúc đẩy kinh tế, văn hóa, thời trang, du lịch của Hàn Quốc. Làn sóng Hallyu phát triển được mạnh mẽ như hiện tại nhờ sự ủng hộ từ chính phủ Hàn Quốc bằng nhiều chính sách hỗ trợ với mục tiêu trở thành “nhà xuất khẩu văn hóa hàng đầu toàn cầu”.
Theo Financial Post, từ năm 2005, chính phủ Hàn Quốc đã phát động quỹ đầu tư trị giá 1 tỷ USD để hỗ trợ ngành công nghiệp âm nhạc.
Chìa khóa thành công của Kpop đến từ mô hình đào tạo thần tượng. Đằng sau những nhóm nhạc thần tượng đình đám xứ kim chi chính là một cỗ máy được vận hành một cách chuyên nghiệp, bài bản. Đồng thời được điều chỉnh và cập nhật liên tục để phù hợp với xu thế chung.
Theo khảo sát của Statista năm 2020, chi tiêu trung bình tháng cho mỗi thực tập sinh trong ngành giải trí ở Hàn Quốc là khoảng 894 USD. Sau đó, những idol/ nhóm nhạc thành công sẽ mang về những khoản lợi nhuận “khủng” cho các công ty chủ quản thông qua việc phát hành album, quảng bá hay tổ chức các tour diễn quanh thế giới mỗi năm.
Nhờ sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, đặc biệt là mạng xã hội và các ứng dụng nghe nhạc trực tuyến, Kpop mang lại khoản doanh thu khổng lồ cho kinh tế Hàn Quốc. Qua hơn 30 năm hoạt động, ngành công nghiệp Kpop hiện nay có sức ảnh hưởng mạnh mẽ tại châu Á và bành trướng tới châu Âu, châu Mỹ.
Đa dạng nguồn thu từ trong nước đến quốc tế
Kinh doanh album đĩa nhạc, tổ chức các show diễn là những nguồn thu lớn nhất của các công ty giải trí. Theo báo cáo của của Hiệp hội âm nhạc quốc tế (IFPI), doanh thu bán album vật lý Kpop năm 2022 đạt 233,11 triệu đô (con số kỷ lục cao nhất từ trước đến nay của ngành giải trí Hàn Quốc).
Không chỉ giới hạn trong nước, các công ty còn phát hành album và tổ chức concert tại nhiều quốc gia châu Á và các thành phố lớn ở nước ngoài và thu về khoản tiền không nhỏ. Trung bình, mỗi buổi biểu diễn có sức chứa trên dưới 10.000 khán giả. Những show diễn lớn, dài ngày có để đón 40.000 – 70.000 người tham gia, tùy vào danh tiếng của nghệ sĩ và sức chứa của địa điểm.
Các nghệ sĩ Kpop còn không ngừng đa dạng nguồn thu từ sức ảnh hưởng của mình. Họ kiếm tiền qua các hợp đồng quảng cáo, đại sứ thương hiệu, đóng phim hay chụp ảnh cho các bộ sưu tập, tạp chí thời trang…
Theo Korea Times, BTS có thể kiếm được khoảng 4,5 triệu USD khi làm đại diện cho mỗi thương hiệu Hàn Quốc. Mới đây, theo danh sách những người kiếm được nhiều tiền nhất trên instagram của Hopper HQ, Lisa đã góp mặt khi mỗi bài viết quảng cáo/ tài trợ riêng của cô có giá lên tới 575.000 USD (khoảng 13,8 tỷ đồng).
Ngoài ra, các công ty giải trí cũng kinh doanh các sản phẩm thương hiệu gắn liền với hình ảnh thần tượng như tấm ảnh in hình thần tượng (card), gậy phát sáng cổ vũ thần tượng (lightstick), trang sức, quần áo, phụ kiện thời trang… để đa dạng hóa nguồn thu.
Việc làn sóng văn hóa Kpop trở thành một hiện tượng toàn cầu kéo theo sự quan tâm đặc biệt của khán giả quốc tế dành cho Hàn Quốc ở lĩnh vực du lịch, du học Hàn, thời trang hay ẩm thực. Từ đó, kinh tế của quốc gia châu Á này cũng được kích thích tăng trưởng.
Theo Fortune, các buổi biểu diễn của nhóm nhạc nam đình đám BTS đã thu hút khoảng 800.000 du khách nước ngoài (trong số 10,4 triệu lượt khách) tới Hàn Quốc mỗi năm. Trang Korea Times cũng cho biết, ngành công nghiệp Kpop được các chuyên gia ước tính tạo ra khoảng 10 tỷ USD cho Hàn Quốc mỗi năm.
Backstage News
Nguồn: Tổng hợp