“Hãy theo đuổi đam mê, nợ nần sẽ theo đuổi bạn”. Đam mê ngành nghề nào có tỷ lệ thành công nhiều nhất thì tôi chẳng biết, nhưng đam mê nghề tổ chức sự kiện thì tôi tin câu trích dẫn chế này dễ biến thành… sự thật như chơi.
Tôi yêu thích nghề sự kiện. Dùng từ “đam mê” có lẽ là điều mà mọi người cho là mơ hồ và to tát, thế nên tôi chỉ dám tin mình thực sự yêu nghề này từ một lần… vỡ nợ khi mới hơn 20 tuổi. Câu chuyện “vỡ nợ” của tôi có lẽ không phải quá hiếm hoi trong nghề sự kiện, nhưng hi vọng khi kể ra, nó sẽ giúp ích cho một vài bạn trẻ nào đó có cái nhìn đa chiều hơn và tự tin tìm kiếm cơ hội hơn. Bởi sau tất cả, vỡ nợ chỉ là khởi đầu thôi.
Khởi sự khó khăn
Cách đây 6 năm, tôi giống như nhiều bạn trẻ tầm tuổi 20 khác, nhiệt tình, nhiều mộng mơ và cũng tràn đầy hoang mang trước những ngã rẽ nghề nghiệp. Sau khi ra trường, vắt tay lên trán nghĩ ngợi chán chê xem mình muốn làm nghề gì nhất, tôi nhận ra mình hào hứng với những thứ đằng sau ánh đèn sân khấu từ thời còn “trẻ trâu”. Vậy là không suy nghĩ nhiều, tôi bỏ qua mấy thứ bằng cấp chẳng liên quan để dấn thân vào lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ ấy. Khi đó, gia đình tôi chẳng một ai ủng hộ, nhưng bố mẹ đành phải đứng nhìn tôi lông bông ngoài Hà Nội theo kiểu ngao ngán “Đất chẳng chịu trời thì trời đành phải chịu đất vậy.”
Với chút ít mối quan hệ từ trước, tôi và một vài anh chị em thân thiết mở ra một agency nhỏ về truyền thông và sự kiện. Công việc đầu tiên có thu nhập chỉ đủ để duy trì cuộc sống nơi thành phố một cách tằn tiện. Nhưng vào lúc đó, nghề sự kiện với tôi thực sự hấp dẫn và có bao nhiêu điều để học hỏi, nên chuyện không có tiền có vẻ chẳng là vấn đề gì cả. Mỗi ngày đi làm luôn là một ngày vui. Tôi hào hứng tìm hiểu từng thứ thiết bị âm thanh ánh sáng, tên gọi và công dụng của chúng trên sân khấu. Tôi học cách setup phông bạt, lắp đèn, leo lên giàn khung sân khấu làm bất cứ công việc tay chân nào ngoài hiện trường khi có cơ hội. Buổi tối về nhà thì ngồi xem hàng giờ các clip về sự kiện, key moment của nước ngoài trên Youtube, cày nát rất nhiều bài viết và các cuộc thảo luận trên các diễn đàn về sự kiện để nuôi dưỡng ước mơ một ngày được chính thức “cầm chương”, âm thầm tỏa sáng phía sau bàn điều khiển của những chương trình lớn.
Cơ hội lớn đầu tiên
Cơ hội lớn đầu tiên đến với tôi sau 6 tháng làm việc. Một diễn đàn khá lớn mà tôi tham gia hoạt động từ lâu muốn tổ chức một đêm ca nhạc gây quỹ từ thiện. Chương trình có sự tham gia của một số giọng ca hot teen đình đám thời đó. Đây là sự kiện không bán vé để tạo cơ hội tham gia đông đảo cho các bạn học sinh sinh viên nhưng sẽ gây quỹ bằng cách bán quyền lợi tài trợ cho các doanh nghiệp. Tinh thần ngựa non háu đá khi đó khiến tôi xung phong nhận briefing ngay lập tức và dựng lên một ê kíp tổ chức cũng vô cùng non trẻ để làm sự kiện này. Bằng sự nhiệt tình của mình, chúng tôi thuyết phục được Ban quản trị diễn đàn để trở thành đơn vị tổ chức cho sự kiện. Thế nhưng, cùng với sự non trẻ là hàng loạt hệ lụy liên tiếp xảy ra khiến chúng tôi gần như điêu đứng ngay từ những bước đầu tiên.
Ê kíp trẻ và thiếu kinh nghiệm nên chúng tôi không bán được quyền lợi tài trợ cho bất cứ doanh nghiệp nào cả nhưng vẫn kiên quyết tổ chức chương trình bằng nguồn ngân sách eo hẹp sẵn có. Địa điểm tổ chức dự kiến ban đầu không thuê được do thiếu ngân sách, chúng tôi phải di dời sang một địa điểm khác không thuận tiện. Khi làm việc với các nhà cung cấp chúng tôi cũng không được hỗ trợ gì nhiều bởi ê kíp không có sự bảo đảm và uy tín gì với họ cả.
Để làm được chương trình ca nhạc, chúng tôi cẩn thận đi xin giấy phép của Sở văn hóa. Thế nhưng do thiếu kinh nghiệm về xin phép, tưởng chừng như đã xong thì chúng tôi lại gặp rắc rối với các cơ quan quản lý nơi tổ chức sự kiện. . Vậy nên toàn bộ số băng rôn chúng tôi vất vả in ấn và treo từ lúc 3 giờ đêm, đến 7 giờ sáng đã bị gỡ bỏ toàn bộ. Đến sát ngày tổ chức, vẫn chẳng có mấy người biết đến chương trình của chúng tôi cả.
Buổi họp báo về chương trình tổ chức tại một quán cà phê với sự tham gia của một số gương mặt hot teen, phóng viên các đơn vị báo chí. Tuy nhiên do ngân sách truyền thông eo hẹp nên hiệu ứng truyền thông trước sự kiện cũng không được như kỳ vọng.
Ngày diễn ra chương trình, dù là người chịu trách nhiệm chính cho sự kiện nhưng tôi chỉ nắm được về kịch bản tổ chức do chính mình làm ra, còn lại những chi tiết khác về âm thanh, ánh sáng, dàn dựng sân khấu thế nào tôi đều mù mờ và trông cậy cả vào các bên nhà cung cấp tự chuẩn bị. Bên cạnh hoạt động biểu diễn ca nhạc, chúng tôi còn có những hoạt động bên lề như gian hàng để thu hút các bạn trẻ, nhưng số lượng khách tham gia chỉ đếm trên đầu ngón tay. Để đảm bảo an toàn, chúng tôi còn thuê hẳn một đội bảo vệ tận 10 người trong sự kiện và sau này đều cảm thấy thật vô cùng lãng phí ngân sách bởi không gian của đêm diễn không hề cần đến một đội ngũ an ninh đông đảo như vậy.
Vỡ nợ và vỡ mộng
Hệ quả tất yếu của một sự kiện không được truyền thông tốt, không có kinh phí tài trợ và ê kip tổ chức thì lơ mơ về kịch bản là đêm diễn vô cùng vắng vẻ, đìu hiu. May mắn duy nhất của chúng tôi là mọi tiết mục trong chương trình đều diễn ra suôn sẻ, chúng tôi không phải xử lý sự cố nào bất ngờ xảy ra trên sân khấu cả. Còn hậu quả lớn nhất là do không dự trù tốt về kinh phí tổ chức, không bán được tài trợ nên chúng tôi bị phát sinh khá nhiều kinh phí. Các nhà cung cấp ráo riết đòi tiền thanh toán ngay sau đêm diễn bởi chúng tôi không đủ uy tín với họ. Vào lúc đó, tôi chỉ còn nghĩ ra cách duy nhất là… cắm ngay 4 chiếc xe máy để lấy tiền mặt trả nợ. Tôi và các chiến hữu chính thức trở thành các con nợ ngay trong đêm, khoác lên mình khoản tiền nợ lên tới hơn 100 triệu. Đó là con số khổng lồ với một thanh niên tỉnh lẻ 20 tuổi khi đó chỉ sống bằng những đồng lương khởi điểm còm cõi.
Sau đêm diễn, tôi chạy vạy xoay sở khắp nơi để có tiền lấy 4 chiếc xe máy từ hiệu cầm đồ về. Những tháng ngày sau đó là triền miên trong mỳ tôm và đời sống trở nên nghèo nàn đến cùng cực. Ngã ngựa ngay trong lần đầu tiên được làm nhân vật chính của một sự kiện khiến tôi không khỏi buồn chán và thất vọng về bản thân. Tôi dành thời gian xem xét lại từng thứ một xem mình đã sai ở những khâu nào. Tại sao với một chương trình tưởng như… đơn giản là thế mà có bao nhiêu vấn đề phát sinh và tôi thì trở nên khốn đốn vì nó như vậy. Có lẽ với sự nhiệt tình quá đà của tuổi trẻ, tôi tin rằng mình đã đủ kinh nghiệm trong nghề để điều hành. Nhưng sự thật phũ phàng là khi phải va chạm với từng vấn đề nhỏ nhất trong một chương trình, chúng ta mới biết hóa ra còn nhiều điều phải học hơn nữa và kinh nghiệm thì chẳng bao giờ là đủ cả. Dù bạn có là một đạo diễn sự kiện kỳ cựu đến đâu, có lẽ vẫn luôn có những khoảnh khắc bạn hoang mang hay có chút hồi hộp trước khi bắt đầu những đêm diễn. Rủi ro thì luôn lẩn khuất và bạn dẫu có nắm rõ chương trình của mình như lòng bàn tay, vẫn chẳng có gì nói trước là sẽ không xảy ra bất trắc cả.
Nghĩ được như vậy rồi, tôi tạm rời xa công cuộc start up gian nan và quyết tâm lao vào… học nghề lại từ đầu. Tôi làm việc tích cực gấp 4, 5 lần bình thường để vừa có tiền trả nợ, vừa bồi đắp tất cả những thứ còn thiếu sót. Càng làm nhiều, va chạm nhiều, sai nhiều mới học hỏi được nhiều. Tôi học cách đặt ra cho mình nguyên tắc về sự kỹ lưỡng trong từng chi tiết nhỏ nhất khi làm việc. Set up sân khấu, sử dụng âm thanh ánh sáng, lên kịch bản chương trình, đi phát tờ rơi thế nào, làm activation thế nào, xin giấy phép, in ấn các ấn phẩm, đo đạc và khảo sát hiện trường, làm việc với nhà sản xuất và các bên cung cấp…. mọi thứ đều cần sự tỉ mỉ và cẩn thận. Tôi rút ra một điều thấm thía sau vỡ nợ: riêng với nghề sự kiện, bạn hoàn toàn có thể lâm vào tình cảnh “sai một li, đi ngay một (vài) tỉ”. Và nữa, trước khi làm được những điều phá cách, tôi cần học được cách làm đúng – làm chuẩn – làm đủ – làm tròn vai cho bất cứ vị trí nào dù là nhỏ nhất mà mình đảm nhận.
Sau tất cả…
Giờ đây, sau khi đã kiên trì với con đường mình chọn trong hơn 6 năm, danh sách thất bại của tôi vẫn tiếp tục dài và đa dạng thêm, nhưng khác với những ngày đầu là bên cạnh đó còn có thêm những lần thành công nữa. Tôi làm việc nhiều hơn, gặp gỡ thêm đông đảo các anh em bạn hữu trong nghề. Trong mỗi cuộc trà dư tửu hậu nói về chuyện nghề, tự hào không chỉ là khi khoe những key moment hoành tráng đã thành hiện thực mà còn là khi khoe những thất bại xương máu không thể nào quên được. Và tôi nhận ra món quà lớn nhất mà mình được nghề nghiệp này đền đáp chính là bản lĩnh không sợ hãi những thất bại, vì rủi ro và thất bại là một phần tất yếu của nghề sự kiện rồi.
Hai năm trở lại đây, càng ngày càng có nhiều bạn trẻ theo đuổi nghề sự kiện, trong khi những giáo trình đào tạo ở các trường về nghề này vẫn còn mới và chưa nhiều tính thực tiễn. Một ngày đẹp trời, tôi nghĩ tại sao không làm một cộng đồng để nhiều người chia sẻ cho nhau nghe hơn, biết đâu sẽ giúp ích cho một vài bạn trẻ không mất thêm mấy lần trăm triệu tiền học phí thực tiễn như mình trước đây. Vậy là trang Backstage Event ra đời, tồn tại đến nay đã hơn 2 năm với sự tham gia của hơn 3000 thành viên là các tiền bối nhiều kinh nghiệm và cả các bạn sinh viên chuyên ngành sự kiện trên khắp cả nước. Tại đó, chúng tôi kể cho nhau nghe về cái sướng của nghề, về sự cơ cực, về cả thành công và cả những thất bại.
Nếu có lời nói nào trong tư cách của một người đi trước dành cho các bạn trẻ mới vào nghề, có lẽ tôi vẫn sẽ khuyên các bạn hãy thử một lần… vỡ nợ hoặc… vỡ mộng. “Cứ sai đi vì cuộc đời cho phép”. Chỉ cần sau một lần “vỡ” thôi, mắt bạn sẽ sáng ra, bản lĩnh sẽ vững vàng lên và tình yêu với nghề sẽ bùng cháy hơn nhiều lắm – nếu nghề sự kiện thực sự là tình yêu của đời bạn.
BackStage Event
Like!! Really appreciate you sharing this blog post.Really thank you! Keep writing.