Công nghệ AR (Augmented Reality) là công nghệ thực tế tăng cường, nói chính xác hơn là “công nghệ tích hợp đồ họa máy tính và mạng internet vào thế giới thực”. AR được định nghĩa là sự mở rộng thực tế vật lý bằng cách thêm các lớp thông tin do máy tính tạo ra. Công nghệ AR đang từng bước thay đổi những trải nghiệm thưởng thức của chúng ta và đang được phát triển để ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực như giải trí, giáo dục, kĩ thuật...đặc biệt là biểu diễn trong event.
BackStage vẫn còn nhớ cảm giác “há hốc mồm” khi ngồi xem livestream Lễ khai mạc Chung kết thế giới League of Legends (Liên Minh Huyền Thoại) năm 2017 diễn ra tại Sân vận động Tổ chim – Trung Quốc. Riot Games – công ty chủ quản LOL vô cùng chịu chơi khi bê nguyên MỘT CON RỒNG “sống động” lên sân khấu biểu diễn. Thực chất, không có con rồng thật nào xuất hiện trên sân khấu cả. Đây là một sản phẩm được thực hiện bằng công nghệ AR của các kỹ sư Riot Games. Để làm được điều này, các kĩ sư của Riot đã ghi hình trực tiếp bằng AR, sau đó dùng công nghệ CGI (kỹ xảo điện ảnh) để xứ lý hình ảnh Rồng ngàn tuổi. Tại Sân vân động Tổ Chim, khán giả xem trực tiếp sẽ không nhìn thấy cảnh tượng này, nhưng khi xem qua màn hình live cam hoặc khán giả theo dõi truyền hình trực tiếp đều có thể thấy được màn xuất hiện hoành tráng này.
Tại lễ khai mạc chung kết thế giới Liên minh huyền thoại năm nay diễn ra tại sân vận động Inchone – Hàn Quốc, Riot đã một lần nữa làm người hâm mộ ngạc nhiên khi đưa các nhân vật trong game là: Hero Kai’sa, Ahri, Akali và Evelynn lên sân khấu và trực tiếp biểu diễn cùng nhóm nhạc G(I)-DLE của Hàn Quốc. Nhìn dưới góc độ kỹ thuật, màn biểu diễn năm 2018 thực hiện phức tạp hơn rất rất nhiều so với hình ảnh rồng bay ra của năm trước.
Để bốn nàng ca sĩ ảo tiến lên sân khấu và hòa mình vào không khí sôi động nhờ công nghệ thực tế tăng cường AR, các kĩ sư của Riot Game đã xem xét và vẽ phác thảo từng bộ phận của các nhân vật. Quá trình quan trọng và phức tạp nhất là việc dựng hình thời gian thật. Họ đã dựng các nhân vật ảo trong thời gian thực một cách chi tiết cao nhất có thể, khiến khán giả cùng các game thủ đôi khi nhầm lẫn các nhân vật được dựng bằng AR với các vũ công trên sân khấu. Công việc quan trọng này yêu cầu các cameraman phải làm việc thật chính xác để có được các góc quay và hình ảnh chân thực nhất. Để hình ảnh nhóm nhạc K/DA (nhóm nhạc được dựng bằng AR) được xuất hiện, Riot đã tính toán kết hợp hình ảnh với màn biểu diễn của người thật trên sân khấu. Họ đã phải tập duyệt với vũ công nhiều lần để các hành động của nhân vật được nhuần nhuyễn và tạo cảm giác chân thực nhất cho người xem.
Mời các anh em cùng xem qua lễ khai mạc để biết thêm chi tiết về công nghệ AR được sử dụng tại lễ khai mạc chung kết LOL thế giới năm nay như thế nào.
Nguồn video: Youtube League of Legends (https://goo.gl/rdbGTM)
Xem thêm: 6 yếu tố Brand lựa chọn Agency cho những sự kiện lớn