Bộ phim tài liệu về chương trình Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai đã được công chiếu trên toàn quốc, đem về doanh thu hơn 7 tỷ đồng chỉ sau 4 ngày. Điều gì khiến chương trình vẫn giữ được nhiệt với “Mưa Lửa” sau 1 năm lên sóng?
Ra mắt đúng dịp kỷ niệm tròn 1 năm kể từ ngày ghi hình chương trình Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai, bộ phim tài liệu “Mưa Lửa” không chỉ là món quà tri ân dành cho khán giả mà còn là lời khẳng định về dấu ấn đặc biệt của chương trình giải trí từng tạo nên hiện tượng văn hoá năm qua. Gây ấn tượng ngay trong ngày đầu công chiếu với hơn 13.000 vé bán ra – thành tích cao nhất cho thể loại phim concert Việt Nam – “Mưa Lửa” chứng tỏ sức hút bền vững của thương hiệu Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai, không chỉ trên sóng truyền hình mà cả ngoài màn ảnh rộng.
Nội dung
Hành trình không được tô hồng
“Mưa Lửa” không vẽ nên một hình tượng hoàn hảo cho chương trình hay kể cả các Anh Tài. Ekip không né tránh những vấn đề gây tranh cãi, mà tường thuật từ nhiều góc nhìn khác nhau. Bộ phim chọn cách kể chuyện trực diện, để khán giả có thêm cái nhìn đa chiều về chính những mâu thuẫn, va chạm và hoài nghi của dàn nghệ sĩ.
33 Anh Tài luôn được biết đến với tình cảm gắn bó, nhưng không vì thế mà họ không có những mâu thuẫn, cãi vã khi tham gia chương trình. “Mưa Lửa”cho thấy những lát cắt chưa từng được tiết lộ: căng thẳng giữa Tuấn Hưng và (S)TRONG Trọng Hiếu trong công diễn đầu tiên, mối quan hệ từng rạn nứt giữa Tiến Luật và Duy Khánh, hay cả những bất bình từ phía NSND Tự Long khi bất đồng quan điểm với ekip. Tất cả được ghi lại với sự chân thật, không “drama hoá” nhưng vẫn đủ để khơi gợi suy ngẫm về những gì các Anh Tài đã cùng nhau vượt qua suốt quá trình ghi hình và phát sóng show.

Những cung bậc cảm xúc thăng hoa
Bên cạnh những phân đoạn cao trào, “Mưa Lửa” cũng biết cách tạo nên những điểm nhấn cảm xúc bằng các mảng miếng hài hước đan xen. Những câu thoại, tình huống dí dỏm xuất hiện vừa đủ để làm dịu đi bầu không khí căng thẳng, khiến tổng thể phim trở nên dễ kết nối với người hâm mộ mà không đánh mất chiều sâu. Các Gai Con (người hâm mộ chương trình) rất hứng thú với những “inside joke” của các Anh Tài trong phim.
Phim sử dụng kết cấu tuyến tính để dẫn dắt người xem đi từ khởi đầu gian khó cho tới thành quả – những đêm concert rực rỡ ánh đèn. Bối cảnh phần phỏng vấn xuyên suốt bộ phim là giàn giáo, được dựng lại như một cách để gợi nhớ về những set quay đầu tiên cho đến các đêm concert hàng chục ngàn người. Những giàn giáo đó không chỉ là biểu tượng của sự đồng hành, mà còn như một bệ đỡ đưa các Anh Tài đi xa đến tận ngày hôm nay.

Tinh thần “vượt chông gai” được nhấn mạnh
Những cơn mưa xuất hiện từ những ngày ghi hình đầu tiên sau này đã trở thành biểu tượng xuyên suốt bộ phim. Không dừng lại ở nghĩa đen, hình ảnh “mưa” trong “Mưa Lửa” còn được khai thác như một biểu tượng nhiều tầng nghĩa. Đó là những cơn mưa của dư luận – khi các Anh Tài từng bị gọi là “già”, “sến”, “hết thời” – hay những cơn mưa nội tâm của chính các nghệ sĩ khi hoài nghi về lựa chọn và năng lực bản thân.
“Bọn em được tận hưởng một cơn mưa rất là đẹp. Tận hưởng cả những vị mặn chát, những lúc xót xa nhất. Cơn mưa nó vẫn xối vào mình khi mình đau nhất.” – Anh Tài Rhymastic chia sẻ trong phim.
Nhưng cũng chính những cơn mưa ấy trở thành chất xúc tác để 33 người tìm thấy bản ngã mới: khi định mệnh đưa 33 người đàn ông cùng bước vào một hành trình thay đổi hoàn toàn cuộc sống của họ sau này, và cùng tạo nên lịch sử với cái tên Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai.

Những điểm chưa thoả mãn
Tuy vậy, “Mưa Lửa” vẫn còn những điểm cần hoàn thiện. Sự thiếu hụt về tư liệu ghi hình trong quá trình sản xuất chương trình khiến nhiều đoạn phim phải sử dụng hình ảnh minh họa hoặc lời kể gián tiếp, làm giảm độ thuyết phục về mặt điện ảnh. Một số khán giả kỳ vọng nhiều hơn vào phần khai thác hậu trường đã cảm thấy hụt hẫng khi phim chỉ dành khoảng nửa thời lượng cho phần tài liệu, còn lại là các tiết mục concert.
Chính sự chia tách rõ ràng này cũng khiến bộ phim bị chia thành 2 nửa chưa thực sự liền mạch. Với thời lượng 125 phút, việc kể trọn vẹn câu chuyện của 33 nghệ sĩ trong một năm là điều gần như bất khả, khiến nhiều chi tiết bị lược bỏ hoặc thiếu độ sâu.
Ngoài ra, các lỗi kỹ thuật trong bản phát hành như phụ đề tiếng Anh dịch sai, viết sai tên nghệ sĩ hoặc thiếu tên trong phần credit cũng là điểm trừ đáng tiếc, nhất là với một bộ phim tiếp cận đến khán giả ngoài màn ảnh rộng.

“Mưa Lửa” vẫn là một bộ phim đáng xem với những khán giả đã và đang yêu thích chương trình. Sau 1 năm “vượt chông gai” đi vào lịch sử của các chương trình giải trí, đồng thời mở ra những cột mốc mới cho ngành công nghiệp văn hoá, bộ phim như một lời khẳng định mạnh mẽ của “đế chế” Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai, về những gì họ đã làm được.
Và như một thông điệp mà bộ phim nhắn gửi: sau cơn mưa trời lại sáng, và đôi khi, chính những cơn mưa dữ dội nhất lại là khởi đầu cho một phiên bản rực rỡ hơn, cả trên sân khấu và trong trái tim người nghệ sĩ.
Backstage News