Nếu phim "Inside Out" (Những mảnh ghép cảm xúc) là một Event Agency, đâu sẽ là những vị trí phù hợp cho từng mảnh ghép cảm xúc?
Thử tưởng tượng các nhân vật trong “Inside Out” – bộ phim hoạt hình nổi tiếng của Disney và Pixar – hóa thân thành những thành viên chủ chốt trong một Event Agency (công ty tổ chức sự kiện). Mỗi nhân vật với cá tính và cảm xúc riêng biệt sẽ đảm nhận một vai trò quan trọng, cùng tạo nên một đội ngũ mạnh mẽ và sáng tạo.
Hãy cùng chúng mình tìm hiểu xem họ sẽ thể hiện như thế nào nhé!
Nội dung
Anger trong vai Event Manager
Nếu Anger (Tức Giận) của “Inside Out” hóa thân thành một Event Manager, chắc chắn anh ta sẽ làm rất tốt công việc này. Trong những thời điểm quan trọng, Event Manager thường phải tập trung cao độ và khi có sai sót xảy ra, họ dễ dàng nổi nóng. Tuy nhiên, với tinh thần quyết đoán và mạnh mẽ, Anger sẽ trở thành một quản lý sự kiện xuất sắc. Anh ấy luôn biết cách xử lý áp lực cao và đưa ra những quyết định nhanh chóng trong các tình huống khẩn cấp.
Một quản lý sự kiện cần phải điều phối công việc, giải quyết vấn đề phát sinh và đảm bảo mọi thứ diễn ra suôn sẻ. Sự mạnh mẽ và quyết đoán của Anger chính là chìa khóa giúp đội ngũ vượt qua mọi thử thách và đạt được thành công.
Sadness trong vai Account
Là một nhân vật rất sâu sắc và nhạy cảm, Sadness (Buồn Bã) hẳn là nhân vật phù hợp nhất với vị trí Account – người kết nối giữa khách hàng và đội ngũ tổ chức.
Sadness sẽ là Account có khả năng lắng nghe, thấu hiểu sâu sắc những mong muốn của khách hàng, tìm ra những giải pháp phù hợp giúp họ đạt được mục tiêu. Cô ấy cũng rất giỏi trong việc xây dựng mối quan hệ tin cậy dài lâu với khách hàng bởi sự chân thành và cảm thông, giúp họ cảm thấy được đồng hành và hỗ trợ.
Trong công ty, Sadness sẽ làm tốt nhiệm vụ cầu nối giữa các bộ phận của một account bởi khả năng thấu cảm và chú ý đến chi tiết của mình. Cô ấy sẽ truyền đạt tốt mong muốn của khách hàng đến các bộ phận, đảm bảo đội ngũ cùng nhau chia sẻ một mục tiêu chung.
Fear trong vai Intern
Với bản chất luôn lo lắng và thận trọng, Fear (Sợ Hãi) từ “Inside Out” trở thành Intern của một event agency có thể sẽ cảm thấy lo lắng và áp lực khi làm việc trong môi trường mới. Chính vì vậy, cậu ấy sẽ luôn để ý đến từng chi tiết, thận trọng trong từng lời nói và hành động với đồng nghiệp.
Tính cách hay lo lắng, sợ làm sai cũng có thể thúc đẩy Fear trở thành một thực tập sinh cẩn trọng và cầu tiến. Cậu ấy sẽ luôn kiểm tra lại mọi thứ nhiều lần, từ kế hoạch sự kiện đến các công việc hằng ngày. Cậu ấy cũng sẽ học hỏi không ngừng và luôn chủ động tham khảo từ các đồng nghiệp giàu kinh nghiệm để nâng cao kỹ năng của mình.
Điều này rất quan trọng trong việc tổ chức sự kiện, nơi mà bất kỳ sai sót nhỏ nào cũng có thể dẫn đến những hậu quả lớn.
Joy trong vai Creator
Nếu Joy (Vui Vẻ) là một Creator trong công ty tổ chức sự kiện, cô ấy sẽ mang đến năng lượng tích cực và nguồn sáng tạo dồi dào, giúp công ty tạo ra những sự kiện ấn tượng.
Creator là người tạo ra những ý tưởng mới lạ, concept độc đáo cho sự kiện. Joy mang tính cách vui vẻ, luôn thích thú với những trải nghiệm khác biệt và thú vị, cô ấy chắc chắn sẽ làm tốt vị trí này. Ngoài ra, với tinh thần lạc quan và quyết đoán, Joy cũng sẽ là một Event Creator nhanh nhạy, dễ dàng xử lý các vấn đề phát sinh trong sự kiện một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Trong một môi trường sự kiện đầy căng thẳng và áp lực như event agency, sự xuất hiện của Joy sẽ mang đến một ‘làn gió mới’, giúp tạo ra một môi trường làm việc sôi động đầy màu sắc.
Embarrasment trong vai Production
Trong một công ty tổ chức sự kiện, Event Production là người đảm nhận vai trò chính trong việc thi công và sản xuất xuyên suốt một chương trình, giúp biến ý tưởng và kế hoạch trở thành hiện thực.
Embarrassment (Xấu Hổ) với tính cách hay lo sợ mắc lỗi và bị xấu hổ, anh ấy sẽ là một Production tỉ mỉ, cẩn trọng trong mọi khía cạnh. Anh ấy sẽ kiểm tra kỹ lưỡng từng chi tiết nhỏ nhất trong quá trình sản xuất để đảm bảo mọi thiết bị và công trình đều đạt chất lượng thi công tốt nhất và không có bất kỳ rủi ro nguy hiểm có thể xảy ra.
Sự xấu hổ, hay ngại ngùng của Embarrassment đôi khi cũng là một điểm mạnh của một Event Production. Tính cách này khiến anh ấy luôn tập trung trong quá trình làm việc, giúp tạo ra năng suất và chất lượng công việc hiệu quả.
Ennui trong vai Logistic
Vẻ ngoài uể oải và thiếu năng lượng của Ennui (Chán Nản) có lẽ không quá khác biệt với hình ảnh ‘đầu bù tóc rối’ của những nhân viên Logistic – người phụ trách mọi khía cạnh của vấn đề hậu cần, quản lý các hoạt động vận chuyển và giao nhận các loại tài liệu, thiết bị và vật phẩm trong sự kiện.
Tuy vậy, sự tỉ mỉ và kiên nhẫn của Ennui lại chính là tố chất cần có của một Event Logistic, giúp mọi hoạt động của hậu cần sự kiện đều được chuẩn bị kỹ lưỡng, từ việc sắp xếp các giấy tờ, thiết bị cho đến việc điều phối nhân viên. Tính cách bình tĩnh và trầm lặng của Ennui cũng sẽ giúp khu vực backstage vốn thường rối ren và náo loạn trở nên gọn gàng và ổn định. Cô ấy sẽ sắp xếp lại mọi thứ về đúng vị trí, giao tiếp ít nhưng hiệu quả, mang lại cảm giác yên tâm giúp toàn bộ đội ngũ sự kiện tập trung làm việc hiệu quả.
Anxiety trong vai Planner
Nếu Anxiety (Lo Âu) hóa thân thành một Event Planner, cô ấy sẽ luôn có một kế hoạch chi tiết và chuẩn bị kỹ lưỡng cho mọi khía cạnh của sự kiện. Với bản chất hay lo lắng, Anxiety sẽ rất giỏi trong việc dự đoán và nhận diện các rủi ro tiềm ẩn. Cô ấy luôn biết cách đưa ra các phương án dự phòng trong các tình huống khẩn cấp. Đây cũng là yếu tố mà mọi Event Planner cần có giúp sự kiện diễn ra suôn sẻ và không gặp trục trặc.
Một Event Planner cần phải lập kế hoạch chi tiết, giám sát công việc và đảm bảo mọi thứ diễn ra suôn sẻ. Với tính cách cẩn trọng và tỉ mỉ, Anxiety cũng sẽ không bỏ sót những chi tiết nào nếu là một Event Planner. Đồng thời, cô ấy cũng rất nghiêm túc trong việc quản lý thời gian.
Sự cẩn trọng của nhân vật này sẽ giúp event agency giảm thiểu rủi ro và mang lại những sự kiện thành công.
Đọc thêm: Chân dung một người Event Planner
Envy trong vai Designer
Sẽ khá thú vị nếu cô nàng Envy (Ganh Tị) trở thành một Designer của một event agency, bởi cá tính hay ghen tị của mình. Envy sẽ chú ý đến từng chi tiết nhỏ nhất để sản phẩm của mình phải đẹp hơn, sáng tạo hơn và nổi bật hơn so với những gì đã có trên thị trường.
Trong “Inside Out”, Envy là cảm xúc bé nhỏ nhất và luôn muốn cao hơn để chạm đến bảng điều khiến hoặc muốn có gì đó hơn người. Chính vì vậy, trong một thị trường event đầy cạnh tranh, cô nàng này chắc hẳn cũng không ngừng theo dõi các xu hướng thiết kế mới nhất và nỗ lực tạo ra những thiết kế đột phá để vượt qua các đối thủ.
Với tính cách cạnh tranh và khát khao hoàn thiện, Envy sẽ là một Designer đầy tham vọng và sáng tạo của một event agency.
Disgust trong vai Kế toán
Một sự kiện khi được tổ chức sẽ bao gồm rất nhiều hạng mục chi phí từ to, nhỏ đến lẻ tẻ. Chính vì vậy, với tính cách ghét bỏ những điều không hoàn hảo, nếu nhân vật Disgust (Chảnh Chọe) hóa thân thành một chị kế toán (Accountant) trong event agency, cô ấy sẽ là một kế toán chuẩn mực và đáng tin cậy. Disgust sẽ đảm bảo mọi số liệu và báo cáo tài chính đều chính xác tuyệt đối. Cô ấy sẽ không chấp nhận bất kỳ sai sót nào, sẽ liên tục kiểm tra lại nhiều lần để đảm bảo mọi thứ đều đúng.
Disgust cũng sẽ làm việc với kỷ luật cao, tuân thủ chặt chẽ các quy trình và quy định kế toán. Cô ấy sẽ đảm bảo rằng mọi hoạt động tài chính của công ty đều tuân theo pháp luật và các chuẩn mực kế toán. Đây chắc chắn là mọi tố chất là mọi kế toán cần có.
Có thể thấy, từng cảm xúc của “Inside Out” là mỗi một cá tính có tạo hình, có màu sắc, có nhận diện riêng biệt. Dù là tích cực hay tiêu cực, mỗi cảm xúc đều tạo nên một mảnh ký ức, từng mảnh ký ức ghép lại tạo nên một Hình Dung Về Bản Thân (Sense of Self) cho mỗi người – một thông điệp sâu sắc ẩn chứa trong bộ phim.
Tương tự, nếu mỗi cảm xúc trong vai trò là những thành viên cốt cán của một event agency, họ cũng sẽ là những ‘mảnh ghép’ không thể thiếu để tạo nên một ‘Hình Dung” và ‘Thương Hiệu’ mạnh mẽ cho đơn vị. Mỗi cá thể ấy có thể mang những cá tính ‘chưa hoàn hảo’ như anh Manager hay giận dữ, chị Kế toán khó tính, bé Intern hay lo âu nên thận trọng,… Nhưng nếu nhìn vào khía cạnh tích cực, chẳng phải mục đích sau cùng của những tính cách ‘chưa hoàn hảo’ ấy chính là đáp ứng đặc thù công việc và mang lại giá trị cho đội ngũ hay sao?
Backstage News