Trên thế giới, việc ứng dụng hình ảnh các nhân vật hoạt hình cho những hoạt động marketing, thúc đẩy doanh số của các nhãn hàng không còn là điều mới mẻ.
Tại Việt Nam, ngành công nghiệp hoạt hình đang chuyển mình với nhiều sản phẩm sở hữu trí tuệ (IP) ra đời. Các nhân vật hoạt hình bắt đầu trở thành những công cụ marketing đầy tiềm năng, hay còn gọi là hình thức Character Marketing.
Theo thống kê từ Box Office Việt Nam năm 2023, có khoảng 20 bộ phim hoạt hình được chiếu, đạt tổng doanh thu hơn 570 tỷ đồng, tương đương 23 triệu USD. Con số nàyđã đem lại 10-15% doanh thu của ngành điện ảnh Việt Nam.
Thực tế, các quốc gia có nền công nghiệp giải trí phát triển lớn từ lâu đã nắm bắt cơ hội, khai thác kinh tế bằng việc tạo ra sản phẩm hoặc dịch vụ mang tính thương mại có liên quan đến bản quyền nhân vật. Khách hàng thường có xu hướng sẵn lòng trả giá cao hơn cho các sản phẩm này bởi chúng tác động đến cảm xúc của người tiêu khi gợi lên những kỷ niệm hoặc cảm xúc đối với nhân vật, bộ phim.
Đáng chú ý, nhân vật hoạt hình hiện nay không chỉ là “công cụ marketing” ở lĩnh vực phim ảnh, truyện tranh mà còn mở rộng sang các sản phẩm, dịch vụ đa lĩnh vực như không gian vui chơi giải trí, thời trang, đồ chơi, văn phòng phẩm và các mặt hàng tiêu dùng nói chung.
Xét riêng khía cạnh thời trang, những năm gần đây, người tiêu dùng Châu Á được chứng kiến sự xuất hiện đầy bất ngờ của các nhân vật hoạt hình có sức ảnh hưởng tầm châu lục như Doraemon, Totoro, Hello Kitty, Pokémon trong các thiết kế của các thương hiệu thời trang xa xỉ.
Năm 2020, Gucci thu hút dư luận toàn cầu với các bộ sưu tập chuột Mickey và vịt Donald của Disney. Đến năm 2021, người tiêu dùng được chứng kiến sự hợp tác ba chiều giữa Pokémon Go và bộ sưu tập Gucci x North Face nổi tiếng, Gucci x Doraemon và Loewe x My Neighbor Totoro.
Về lĩnh vực vui chơi giải trí, chuỗi công viên Disneyland từ lâu đã được yêu thích khi sử dụng hàng loạt các nhân vật hoạt hình như Mickey Mouse, Cinderella, Elsa,… để tạo ra một không gian cổ tích và những trải nghiệm sống động cho trẻ em và gia đình.
Trong khi đó, Universal Studios khai thác nhân vật từ các bộ phim hoạt hình nổi tiếng như Minions, Shrek, DreamWorks để thu hút khách tham quan qua các trải nghiệm như gặp gỡ nhân vật, show diễn, khu vui chơi theo chủ đề hoạt hình.
Tại Việt Nam, nhiều thương hiệu lớn trong nước cũng không nằm ngoài cuộc đua khai thác kinh tế từ các giá trị hữu ích của các nhân vật hoạt hình. Điển hình như nhãn hàng thời trang cho gia đình Canifa khai thác Mickey, Superman, Disney Princess, Hello Kitty, Angry Birds,…; thương hiệu chăn ga gối đệm Sông Hồng khai thác Hello Kitty, Spiderman, Elsa,… Ngoài ra, các nhãn hàng Văn phòng phẩm như Hồng Hà, Thiên Long và các thương hiệu dịch vụ ăn uống cũng tận dụng hình ảnh Pororo, Baby Shark,… trong các sản phẩm thương mại của mình.
Đáng nói, lĩnh vực cấp quyền hình ảnh nhân vật mới phát triển khoảng 10 năm trở lại đây tại Việt Nam, nhưng đã được đông đảo công chúng đón nhận. Những bộ nhân vật như Sói Wolfoo, Thỏ 7 màu, Lego, Thần Đồng Đất Việt hay Trạng Quỳnh không chỉ thu hút sự chú ý mà còn nhận được sự tương tác nồng nhiệt trên các mạng xã hội, đặc biệt từ thế hệ Gen Z và Gen Alpha.
SConnect Việt Nam hiện là một trong những công ty tiên phong trong việc phát triển bản quyền nhân vật tại Việt Nam. Trong đó, bộ phim hoạt hình Wolfoo do SConnect Việt Nam phát triển đã vinh danh Kỷ lục là “Phim hoạt hình Việt Nam phát hành đa ngôn ngữ trên Youtube có nhiều tập nhất” (3.700 tập phim, được dịch ra 17 ngôn ngữ) ngày 06/01/2024.
Trước đó vào năm 2023, nhân vật Wolfoo lần đầu tiên được cấp quyền sử dụng cho thương hiệu thời trang gia đình nổi tiếng Canifa, Wolfoo x SConnect đã cho ra mắt thành công bộ sưu tập thời trang Thu Đông 2023 dành cho trẻ em.
Bên cạnh Canifa, hình ảnh Wolfoo cũng được xuất hiện rộng rãi trên sản phẩm như sách truyện, balo, kẹo, sữa, đồ chơi… đi kèm với những giá trị giáo dục mà nhân vật này được phát triển dành riêng cho trẻ em.
Theo ông Tạ Mạnh Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty SConnect Việt Nam, sau những ảnh hưởng tích cực từ nhân vật Wolfoo ban đầu, SConnect hiện đã đóng gói quy trình để sáng tạo ra các bộ tài sản trí tuệ mới, đồng thời có chiến lược phát triển riêng cho từng loại tài sản này, từ sản xuất nội dung, sáng tạo game, app giáo dục cho đến các sản phẩm thương mại.
Bày tỏ quan điểm về xu hướng sử dụng hình ảnh nhân vật hoạt hình trong hoạt động marketing (Character Marketing), bà Lại Thị Mai – Phó Tổng Giám đốc SConnect Việt Nam cho rằng: “Lý do xu hướng này trở nên thịnh hành là do người tiêu dùng hiện nay đang nâng cao nhu cầu được cá nhân hoá, mua hàng bằng cảm xúc và mong muốn được tương tác với thương hiệu nhiều hơn qua hình ảnh cụ thể. Tuy nhiên, chúng ta cần khai thác nhân vật hoạt hình vượt ra khỏi phạm vi thuần dạng hình ảnh, mà bằng cách tập trung vào các yếu tố câu chuyện, giá trị thương hiệu nhân vật theo chiều sâu cũng như các hoạt động truyền thông và marketing đồng bộ.” (Tạp chí Điện tử Luật sư Việt Nam).
Bà Lại Thị Mai cũng cho biết, Việt Nam hiện đang trong giai đoạn “cơ cấu dân số vàng” với khoảng 68% số dân nằm trong độ tuổi từ 15 – 64 và có tỷ lệ hộ gia đình có trẻ em cao nhất khu vực Đông Nam Á. Điều này hứa hẹn tạo nên một thị trường tiêu dùng lớn và đa dạng cho các sản phẩm liên quan đến nhân vật hoạt hình.
Backstage News