Nhiều sự kiện văn hóa nghệ thuật, lễ hội âm nhạc hay liên hoan phim được tổ chức thường niên từ lâu đã trở thành điểm nhấn, góp phần xây dựng thương hiệu cho các thành phố, địa phương.
Tại Việt Nam, nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật hay các lễ hội, cùng với sự nỗ lực của ban tổ chức địa phương đang dần xây dựng được thương hiệu của riêng mình. Trong nhiều năm qua, các sự kiện văn hóa đã và đang tạo nên sức hút mạnh mẽ, thu hút công chúng trong nước và du khách quốc tế đến với các thành phố.
Sự kiện văn hóa mang thương hiệu thành phố
Các sự kiện, lễ hội văn hóa nghệ thuật thường niên tại Việt Nam hiện nay ngày càng định vị rõ nét thương hiệu của riêng mình và địa phương tổ chức.
Từ đầu tháng 6 đến nay, Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng không khỏi khiến người dân Đà Nẵng tự hào khi liên tục được báo chí và công chúng nhắc đến. Đây cũng đang là sự kiện khiến thị trường du lịch Đà Nẵng sôi động hơn bao giờ hết.
Trong khi đó, Lễ hội đêm Rằm Phố cổ Hội An là một sự kiện “đặc sản” của Hội An, thu hút hàng nghìn du khách về Hội An vào ngày trăng tròn hàng tháng. Hay vở diễn sân khấu thực cảnh “Ký ức Hội An” tầm cỡ quốc tế cũng là một điểm nhấn đặc biệt của riêng Hội An.
Nhắc về thủ đô Hà Nội, Lễ hội âm nhạc gió mùa – Monsoon 2023 năm nay với 10 ngày âm nhạc đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ khán giả trong nước và quốc tế. Chương trình sân khấu thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” (The Quintessence of Tonkin) cũng được kênh truyền hình CNN bình chọn là “vở diễn nhất định phải xem khi đến Hà Nội”.
Không chỉ có Monsoon, lễ hội âm nhạc quốc tế Hò Dô (Hozo) ở TP. Hồ Chí Minh cũng là một sự kiện nghệ thuật quốc tế khác được đón chờ nhất trong năm 2023. Sự kiện đã trở thành điểm hẹn văn hóa quen thuộc của người dân và du khách đến với Sài Thành nhiều năm nay.
Ngoài ra, rất nhiều chương trình, sự kiện văn hóa khác đang làm nên tên tuổi của các thành phố, địa phương. Điển hình như: Lễ hội Hoa phượng đỏ – Hải Phòng, Festival Huế, Festival biển Nha Trang – Khánh Hòa,…
Góp phần phát triển nghệ thuật, thúc đẩy kinh tế
Về phương diện nghệ thuật, xây dựng thương hiệu cho các sự kiện văn hóa tại các thành phố có ý nghĩa rất lớn trong việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong nước. Đồng thời thúc đẩy sự đa dạng và sáng tạo các loại hình nghệ thuật tại Việt Nam.
Đối với các nghệ sĩ, các sự kiện là nơi để họ được “thăng hoa”, kết nối, giao lưu với đồng nghiệp, khán giả trong và ngoài nước. Qua từng sự kiện, họ có thêm cơ hội phát triển, định vị tên tuổi nghệ sĩ Việt Nam trong dòng chảy chung của văn hóa, nghệ thuật thế giới.
Đối với những nhà tổ chức, các sự kiện chính là “sân chơi” để họ được thỏa sức vẽ nên những không gian nghệ thuật, sân khấu trình diễn sáng tạo. Bên cạnh đó cũng tạo ra môi trường và cơ hội cho các bên liên quan trong ngành sự kiện quảng bá sản phẩm nghệ thuật của mình.
Vượt xa hơn ý nghĩa định vị thương hiệu, các sự kiện văn hóa, nghệ thuật có tên tuổi còn định vị giá trị cho địa phương bởi những đóng góp cho phát triển kinh tế – xã hội. Các sự kiện trở thành địa chỉ hấp dẫn hội tụ sự quan tâm của khán giả khắp mọi nơi. Đông đảo du khách đổ về nơi sự kiện diễn ra. Điều này đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế, tăng cường thương mại, quan hệ nhân dân, du lịch, việc làm và đầu tư.
Thách thức duy trì sự kiện văn hóa thường niên
Xây dựng được một thương hiệu sự kiện văn hóa gắn với thành phố là một thách thức với mỗi nhà tổ chức. Cái khó ở đây là làm sao để tạo ra được hướng đi đường dài và giữ sức hút bền lâu cho sự kiện. Kèm theo đó, chi phí để duy trì tính định kỳ của sự kiện cũng là bài toán khó với bất cứ đơn vị tổ chức nào.
Để giữ được sức hút của sự kiện, việc đầu tư vào quy mô, chất lượng và sự đổi mới về chương trình là hai yếu tố cần được quan tâm. Một sự kiện nếu không có sự chỉn chu về công tác tổ chức và những trải nghiệm mới lạ, sẽ rất khó thu hút khán giả tiếp tục tham gia. Tất nhiên, giá trị văn hóa và nghệ thuật tạo nên thương hiệu cho sự kiện vẫn cần được duy trì và phát huy xuyên suốt các hoạt động.
Về bài toán kinh tế, để duy trì khả năng tổ chức định kỳ cho sự kiện, các nhà tổ chức cần quan tâm đến việc tập trung các nguồn lực. Trong đó, quan trọng nhất là xây dựng một môi trường thuận lợi cho việc phát triển thương hiệu đặc trưng của sự kiện, thông qua các hoạt động quảng bá và truyền thông.
Từ đó, các sự kiện không chỉ thu hút sự quan tâm của khán giả mà còn thu hút “ánh nhìn” của các nhà đầu tư và các đơn vị tài trợ. Đây cũng là một cách để nhà tổ chức địa phương thể hiện bản lĩnh và sự tự tin về văn hóa, nghệ thuật trong sự kiện của mình.
Backstage News