Tiếp ứng thần tượng, quảng bá cho idol là câu chuyện thường thấy trong cộng đồng các fandom, fanclub. Người hâm mộ qua từng thế hệ lại mang đến những project có quy mô ngày càng hoành tráng, thậm chí là đáng nể.
Đối với người hâm mộ, các ngôi sao thần tượng chính là một phần quan trọng trong cuộc sống của họ. Hiện nay, cách những cộng đồng người hâm mộ bày tỏ lòng yêu thích, sự ủng hộ cho thần tượng của mình không chỉ dừng lại ở việc nghe nhạc, mua album, merchandise, đến concert,… mà còn là hàng loạt các dự án tiếp ứng và quảng bá thần tượng độc đáo.
Nội dung
Sự phát triển của văn hóa tiếp ứng thần tượng
Văn hóa tiếp ứng thần tượng (fandom support) thực tế bắt nguồn từ văn hóa hâm mộ thần tượng, đến từ nhiều các quốc gia có ngành công nghiệp giải trí lớn mạnh ở Châu Á như Hàn quốc, Trung Quốc, Nhật Bản,… Trong đó, văn hóa K-pop đến từ Hàn Quốc có sức ảnh hưởng mạnh mẽ nhất tới cộng đồng người hâm mộ tại Việt Nam.
Từ thập niên 2000 trở về trước, người hâm mộ Châu Á, đặc biệt là K-pop thường ủng hộ thần tượng bằng cách mua sưu tầm merchandise liên quan đến idol, mua CD, băng cassette hay đến trực tiếp đến cổ vũ các sự kiện idol biểu diễn.
Tuy nhiên từ khoảng 2010 đến nay (bắt đầu từ thế hệ K-pop thứ 3), văn hóa hâm mộ thần tượng tại Châu Á đã phát triển đáng kinh ngạc. Thời kỳ này cũng chứng kiến sự thay đổi về văn hóa hâm mộ thần tượng, điển hình là công cuộc “cày view” cho nghệ sĩ của các fandom, thậm chí trở thành “văn hóa cày view”.
Không chỉ làm mọi cách để giúp thần tượng đạt những thành tích tốt trên các bảng xếp hạng, từ thời kỳ này, các fandom bắt đầu cho ra đời các dự án (project) để tiếp sức, cổ vũ, quảng bá cho idol từ trong nước đến quốc tế. Những chiến dịch này thường được cộng đồng người hâm mộ thực hiện nhân dịp kỷ niệm sinh nhật, ngày ra mắt, quảng bá cho sản phẩm mới của nghệ sĩ…
Văn hóa tiếp ứng thần tượng (fandom support) cũng bắt đầu hình thành từ đây.
Các hình thức tiếp ứng thần tượng
Nhờ sự phát triển của công nghệ, văn hóa tiếp ứng thần tượng đã lan tỏa rộng rãi, tạo nên một hiện tượng toàn cầu trong lĩnh vực văn hóa giải trí hiện đại. Mạng xã hội tạo điều kiện thuận lợi cho người hâm mộ kết nối, tổ chức và thực hiện các dự án quảng bá một cách hiệu quả. Các hình thức tiếp ứng cũng được thực hiện rất đa dạng dưới nhiều hình thức từ online đến offline.
Phổ biến nhất phải kể đến các dự án quảng bá cho idol trong nhà và ngoài trời như banner LED lớn ngoài trời; standee điện tử trong các trung tâm thương mại, ga tàu, sân bay… ; food truck đến phim trường/ concert kèm theo lời nhắn gửi từ fandom; Xe bus chạy quanh địa phương…
Tại các sự kiện âm nhạc hay concert của thần tượng, cộng đồng người hâm mộ thường thực hiện các dự án quà tặng ngay tại sự kiện trực tiếp như gói quà tặng tại cổng; teabreak cho đội ngũ hậu cần; xếp chữ LED cổ vũ thần tượng trong đêm nhạc,…
Một cách khác mà fandom thể hiện văn hóa tiếp ứng thần tượng chính là việc đóng góp tích cực dành cho cộng đồng, dựa trên danh nghĩa của idol. Người hâm mộ kêu gọi nhau quyên góp tiền để gây quỹ xây trường, trồng cây hay ủng hộ cho các tổ chức và dự án cộng đồng.
Qua từng năm, quy mô của các dự án ngày một hoành tráng và công phu, trở thành thước đo cho sự nổi tiếng của nghệ sĩ và cũng có thể đánh giá mức độ “chịu chi” của mỗi fandom. Có thể thấy, không ít lần truyền thông đưa tin về những project khủng mà fan các nước thực hiện nhân các ngày đặc biệt của idol.
Ví dụ như project chúng mừng sinh nhật Jimin (BTS) bằng máy bay hay cộng đồng fan Sehun (EXO) đã bao trọn một công viên giải trí, thiết kế lại các trò chơi theo chủ đề để mừng sinh nhật nam idol.
“Fandom support” lan tỏa mạnh mẽ tại Việt Nam
Tại Việt Nam, sự du nhập của làn sóng Hallyu đưa văn hóa tiếp ứng thần tượng ngày càng phổ biến nhiều năm gần đây, đặc biệt là trong cộng đồng yêu thích K-pop, V-pop và các nghệ sĩ nổi tiếng khác.
Điển hình nhất có thể kể đến project khủng chào đón BLACKPINK lần đầu tiên tổ chức concert tại Việt Nam của cộng đồng BLINK Vietnam.
Trước đó vào đầu năm 2022, một fandom của Hanbin (TEMPEST) tại Việt Nam đã mạnh tay tổ chức show đèn LED tại vòng quay Sunwheel (Đà Nẵng) để đánh dấu tuổi 24 của nam ca sĩ. Ekip thực hiện còn thuê flycam để ghi hình project.
Hay mới đây nhất, loạt dự án tiếp sức cho dàn “Anh Trai Say Hi” cũng cho thấy độ chịu chơi không thua kém fan K-pop của các fanclub V-pop.
Có thể thấy, văn hóa tiếp ứng thần tượng (fandom support) đã trở thành xu hướng và nét đẹp văn hóa trong cộng đồng người hâm mộ toàn cầu ngày nay, không chỉ là một mô hình quảng bá độc đáo mà còn được xem là hoạt động ý nghĩa bày tỏ sự yêu mến, quan tâm của người hâm mộ dành cho nghệ sĩ.
Backstage News