Hai đêm diễn thành công của nhóm nhạc BLACKPINK cuối tháng 7 vừa qua đã cho thấy thị trường Việt Nam có đủ sức trở thành điểm đến âm nhạc chất lượng mới, thu hút nghệ sĩ, khán giả quốc tế.
Thị trường âm nhạc Việt Nam trong hơn 2 năm trở lại đây trở nên sôi động hơn bao giờ hết khi đón hàng loạt các nghệ sĩ quốc tế đến biểu diễn. Điển hình là các concert, lễ hội âm nhạc lớn như SEEN Festival, 8Wonder, concert BLACKPINK hay sắp tới là HAY Glamping Music Festival, Monsoon Music Festival,… Các sự kiện âm nhạc quy tụ dàn sao quốc tế đình đám đang cho thấy những cơ hội phát triển Việt Nam thành điểm đến du lịch âm nhạc mới của các nghệ sĩ và khán giả quốc tế.
Nội dung
Tổ chức concert/ lễ hội âm nhạc: Ngành kinh tế tiềm năng cho Việt Nam
Hai đêm concert thu hút gần 70.000 khán giả của nhóm nhạc BLACKPINK ngày 29-30/7 vừa qua đã mang về doanh thu “khủng” cho ngành kinh tế quốc gia. Trong 2 ngày diễn ra sự kiện, tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt hơn 170.000 lượt, mang đến doanh thu khoảng 630 tỷ đồng.
Trước đó, đại nhạc hội 8Wonder với sự xuất hiện đặc biệt của ‘hitmaker’ Charlie Puth đã trở thành cú hích kinh tế của Nha Trang khi thu hút hơn 7.000 người tham dự, bao gồm cả khán giả Việt Nam và quốc tế. Vào giữa tháng 6, lễ hội âm nhạc SEEN Festival tại Hội An quy tụ dàn sao Kpop đình đám cũng mang về “khoản thu không nhỏ cho địa phương”. Riêng khu resort tổ chức lễ hội đã ghi nhận khoảng 400 lượt đặt combo vé xem và phòng khách sạn, tương đương hơn 3 tỷ đồng doanh thu.
Những số liệu trên cho thấy, thành công của các đêm diễn ca nhạc quy tụ sao quốc tế đã gợi ra nhiều tiềm năng kinh tế đến từ ngành tổ chức concert và sự kiện âm nhạc tại Việt Nam.
“Mỗi sự kiện biểu diễn nghệ thuật của các nghệ sĩ lớn đều là những ‘mỏ vàng’ cho kinh tế địa phương”, ông Jackie Hân – CEO của Vietnam Events – đơn vị tổ chức SEEN Festival chia sẻ.
Văn hóa tích cực tham gia các sự kiện cũng như mức độ chịu chi ngày càng tăng của khán giả Việt cho các hoạt động âm nhạc cũng cho thấy tiềm năng phát triển của ngành tổ chức sự kiện âm nhạc tại Việt Nam. Một khảo sát mới đây của cộng đồng người hâm mộ nhóm NCT Dream tại Việt Nam cho thấy, có hơn 7.700 người sẵn sàng chi từ 2-6 triệu đồng mua vé nếu thần tượng sang biểu diễn. Sức hút của các sự kiện quy tụ sao quốc tế đã từng được tổ chức cũng là minh chứng rõ rệt cho điều này.
Nhạc sĩ Huy Tuấn cũng chia sẻ rằng:“Việt Nam sở hữu nhiều tiềm năng trở thành điểm đến thu hút ngành công nghiệp trình diễn quốc tế. Các sự kiện lớn từng bước tạo thói quen cho công chúng thưởng thức những đỉnh cao âm nhạc thế giới, từ nghệ sĩ đến kỹ thuật, sân khấu, nhạc cụ… Khán giả quen với show diễn chất lượng sau này sẽ sẵn sàng bỏ tiền mua vé với chương trình tương xứng”.
Tháo gỡ các điểm nghẽn, chuyên nghiệp về mặt tổ chức
Thành công của các sự kiện trước đã mở ra cơ hội, những tín hiệu tích cực từ khán giả đã được ghi nhận. Tuy nhiên để Việt Nam có thể thực sự trở thành điểm đến quen thuộc của các nghệ sĩ quốc tế, sẽ cần phải khắc phục nhiều điểm nghẽn trong thể chế, chính sách, công tác tổ chức và tiến hành sự kiện.
Điển hình như concert của BLACKPINK vừa rồi tại Hà Nội đã gặp nhiều nhiều vướng mắc, từ những “lùm xùm” nhà tổ chức cho đến bản quyền rồi bán vé… Điều này cũng là một cơ hội cho thấy bên cạnh những tiềm năng, Việt Nam vẫn còn gặp nhiều thách thức và hạn chế để thực sự chứng minh là điểm đến mới đáng tin cậy cho âm nhạc quốc tế.
Trước những bất cập xung quanh concert của BLACKPINK vừa qua, PGS.TS Phạm Quang Long – nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội đã có chia sẻ với báo Dân Việt: “Bất kỳ sự việc nào cũng có hai mặt của một vấn đề. Các nghệ sĩ, ban/nhóm nhạc nổi tiếng thế giới đến Việt Nam thì cũng giúp chúng ta hiểu được họ như thế nào và thị hiếu âm nhạc của chúng ta ra sao. Ngoài ra, chúng ta cũng chứng thực và kiểm định được năng lực tổ chức đối với những chương trình âm nhạc tầm cỡ quốc tế của chúng ta như thế nào… Chúng ta đã nhìn thấy được cả cái được và lỗ hổng. Phát triển văn hóa để khơi dậy niềm đam mê tích cực trong lớp trẻ là rất cần thiết nhưng cũng cần phải khắc phục những thiếu hụt trong cách làm văn hóa. Chúng ta cần phải có những quy định rất rõ ràng để bất kỳ một nghệ sĩ, ban/nhóm nhạc hay đoàn phim nào khi đến Việt Nam biểu diễn, quay phim phải tôn trọng chủ quyền, tôn trọng truyền thống, tôn trọng tập quán, tôn trọng đạo đức và không làm ảnh hưởng đến tình hữu nghị giữa các dân tộc”.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cho rằng: “Tất cả những vấn đề này cần được xem xét và xử lý ngay từ những khâu khởi động đầu tiên… Qua đây cũng cần nhìn nhận như một dịp để rút kinh nghiệm, mặt mạnh tiếp tục phát huy, quảng bá rộng để thu hút nhiều nhà tổ chức quốc tế khác nữa vào Việt Nam, một mặt những điểm nào chưa được trong quản lý, vận hành thì ta quyết liệt sửa chữa; vấn đề bản quyền cũng cần rõ ràng về chức năng và quyền hạn của cơ quan quản lý văn hóa”.
Nỗ lực thay đổi để trở thành điểm đến hấp dẫn
Để Việt Nam trở thành điểm hẹn quen thuộc của nhiều nghệ sĩ quốc tế, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cũng cho rằng: “Điều cần thiết nhất hiện nay là làm sao để giới giải trí thế giới thấy được Hà Nội, Việt Nam thực sự là một mảnh đất màu mỡ, khán giả Việt Nam luôn nồng nhiệt, dồi dào; đất nước Việt Nam cởi mở, thông thoáng; con người Việt Nam thân thiện, mến khách.”
Đối với PGS.TS Bùi Hoài Sơn, ông cho rằng để thu hút nhiều hơn các nghệ sĩ, ban/nhóm nhạc, đầu tiên cần tập trung vào đầu tư vào cơ sở hạ tầng và trang thiết bị để thuận lợi cho việc tổ chức các buổi diễn. Các sân khấu, phòng thu, phòng biểu diễn cần được trang bị hiện đại và đầy đủ tiện ích. Ngoài ra, cần có sự đầu tư vào hệ thống âm thanh, ánh sáng, đèn mờ, và các thiết bị kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu của các nghệ sĩ theo đúng tiêu chuẩn quốc tế.
Thứ hai là cần đưa ra các chính sách thu hút và khuyến khích các dự án, có thể là giảm thuế hoặc cung cấp các khoản tài trợ và hỗ trợ tài chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nghệ sĩ và nhà sản xuất nhằm thu hút họ.
Thứ ba là cần tạo ra một môi trường sáng tạo, nơi các nghệ sĩ và nhà sản xuất có thể phát triển ý tưởng và thực hiện dự án của mình. Có thể thông qua việc xây dựng các trung tâm nghệ thuật, không gian làm việc chung, và tổ chức các sự kiện và cuộc thi để khuyến khích sáng tạo và sự giao lưu giữa các nghệ sĩ.
Thứ tư là cần tăng cường quảng bá hình ảnh với cộng đồng quốc tế và cả ở trong nước để tăng cường nhận thức về tiềm năng và các cơ hội tổ chức biểu diễn. Việc tạo ra một hình ảnh thu hút và đa dạng về văn hoá và nghệ thuật của điểm đến sẽ thu hút sự quan tâm và chú ý của các ban nhạc và các dự án quốc tế.
Thứ năm là có thể cung cấp hỗ trợ và đào tạo cho các nghệ sĩ địa phương để nâng cao trình độ và kỹ năng của họ, giúp tạo ra một đội ngũ nghệ sĩ chất lượng cao có thể thu hút sự quan tâm của các nhà sản xuất và đội ngũ quốc tế.
Ngoài ra, việc nâng cao năng lực tổ chức của các đơn vị hay ekip tổ chức sự kiện của Việt Nam cũng là một điều cần được chú ý quan tâm.
Tương tự, Tiến sĩ Daisy Kanagasapapathy, Giảng viên ngành Quản trị Du lịch và Khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam cũng bày tỏ quan điểm, việc tạo điều kiện hợp tác giữa ngành du lịch và các nghệ sĩ địa phương cùng các bên liên quan trong ngành công nghiệp âm nhạc cũng cần được lưu tâm. Hỗ trợ phát triển tài năng Việt, tổ chức các lễ hội và sự kiện âm nhạc quanh năm, và thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa nghệ sĩ trong nước và quốc tế, sẽ tạo ra một hệ sinh thái phát triển sôi động cho du lịch âm nhạc. Sức mạnh tổng hợp này sẽ thu hút nhiều tín đồ âm nhạc và các đơn vị tổ chức để họ ưu tiên chọn Việt Nam làm điểm đến tổ chức các buổi diễn quốc tế.
Đọc thêm: Kích hoạt du lịch âm nhạc tại Hà Nội
Backstage News
Nguồn: Tổng hợp