Hiểu rõ những thay đổi trong tâm lý khán giả bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để vực dậy ngành sự kiện đang bị kìm chân trong thời gian dài.
Đại dịch Covid-19 đã và đang tác động mạnh mẽ đến sức khỏe, kinh tế và đời sống của hàng triệu người trên thế giới. Ngay cả khi cuộc sống bình thường được thiết lập trở lại, nó cũng sẽ chuyển sang trạng thái bình thường mới (new normal). Sẽ có những thay đổi trong nhận thức và tâm lý khán giả toàn cầu. Điều này đồng nghĩa với việc, các nhà tổ chức sự kiện cần tìm kiếm những cách thức mới để tiếp cận và thu hút sự trở lại của khán giả sau khi dịch bệnh qua đi.
Dưới đây là 5 thay đổi trong tâm lý khán giả trong và sau đại dịch Covid-19.
Nội dung
1. Bị ám ảnh bởi dịch bệnh
Nếu ở thời điểm dịch bệnh Covid-19 bắt đầu có dấu hiệu bùng phát, phần lớn công chúng vẫn tỏ ra chủ quan thì ngay khi những thiệt hại nặng nề được gây ra, dịch bệnh đã trở thành nỗi ám ảnh với họ. Theo số liệu từ Agility PR, 18% dân số thế giới có gia đình hay bạn bè bị ảnh hưởng bởi Covid-19, với 5% trong số đó có người thân chết vì dịch. Hầu hết mọi người đều cảm thấy bất an và bảo vệ sức khỏe trong sự lo lắng.
Toàn bộ sự kiện trên toàn thế giới dường như đang đóng băng bởi đây là một trong những ngành có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao nhất. Các sự kiện lớn, nhỏ đều bị hoãn hay thậm chí là huỷ bỏ bởi nỗi lo sợ không có khán giả. Trong khi đó, công chúng đang và sẽ trở nên thận trọng hơn khi tham gia bất kỳ sự kiện đám đông nào, ngay cả khi dịch bệnh đã qua đi.
2. Thay đổi quan điểm về tham gia sự kiện
Dịch bệnh phức tạp cũng đã tạo ra những đột phá trong ngành event với sự lên ngôi của sự kiện trực tuyến. Công nghệ phát triển đã tạo ra một lối thoát cho sự bế tắc của ngành sự kiện. Chưa bao giờ các nền tảng trực tuyến lại trở thành một công cụ hữu ích như vậy, từ nền tảng mạng xã hội (Facebook, Instagram, Youtube…) cho đến những ứng dụng livestream có sẵn (Twitch) hay do chính doanh nghiệp tự thiết kế.
Trước đây, sự kiện trực tuyến vốn ít thu hút khán giả hơn so với những sự kiện truyền thống có tính tương tác và sự tham gia của đám đông. Tuy vậy, trong thời gian giãn cách xã hội, phần lớn quan điểm của khán giả đã thay đổi khi họ nhận thấy tham gia sự kiện trực tuyến cũng thú vị theo một cách khác. Ngay tại ngôi nhà an toàn của mình, họ có thể đón xem hàng loạt sự kiện trong và ngoài nước chỉ cần một thiết bị điện tử thông minh có kết nối internet.
Theo khảo sát của PCMA, có đến gần 70% số người sẵn sàng tham gia sự kiện trực tuyến thay vì các sự kiện truyền thống. Những người này cũng cho rằng hơn cả một giải pháp tạm thời trong mùa dịch, sự kiện trực tuyến sẽ phát triển song song với các sự kiện face to face trong tương lai.
“Beyond LIVE”- Chuỗi concert trực tuyến trả phí của SM với hệ thống âm thanh, ánh sáng, sân khấu được đầu tư kỳ công, chuyên nghiệp kết hợp cùng hiệu ứng graphic AR mang đến trải nghiệm 3D mãn nhãn cho người xem.
3. Phụ thuộc nhiều hơn vào công nghệ
Không chỉ các nhà tổ chức sự kiện cần đến các thiết bị công nghệ, ngay chính nhóm khán giả cũng phụ thuộc vào các thiết bị điện tử mỗi ngày. Trong thời đại kỹ thuật số ngày nay, công chúng bị chia cách địa lý bởi dịch bệnh nhưng họ vẫn có thể kết nối với nhau trong một không gian khác – nền tảng trực tuyến.
Họ tận dụng các apps ứng dụng để tổ chức các buổi họp nhóm, mua sắm trực tuyến… Họ có thể ngồi trước màn hình điện tử để đón xem các sự kiện giải trí, tin tức đang được trình chiếu trực tiếp. Hay họ sẽ dùng chiếc điện thoại thông minh để tìm kiếm xem hôm nay có sự kiện thú vị nào sẽ diễn ra. Mạng internet đã giúp nhóm công chúng tham gia các sự kiện và xây dựng một không gian “ảo” để họ trò chuyện và kết nối với nhau.
4. Trân trọng cuộc sống bình thường hơn
Trong cuộc sống bình thường khi chưa có sự xuất hiện của đại dịch Covid-19, phần lớn nhóm công chúng có xu hướng tham gia những sự kiện mà họ cảm thấy hứng thú. Nhưng ngay khi bị kìm chân ở nhà, họ sẽ cảm thấy trân trọng các sự kiện bản thân từng xem nhẹ hay không thích. Có đến 1/3 công chúng ngày nay đồng tình rằng họ sẽ dành nhiều thời gian hơn cho các sự kiện nhóm nhỏ, hoạt động cá nhân như: du lịch khám phá trải nghiệm, đi cà phê, ăn uống bên ngoài, tham gia các sự kiện thể thao có ích cho cộng đồng…
Với những người có xu hướng sống khép kín, họ cũng đã tìm được giải pháp tham gia sự kiện phù hợp với bản thân. Trải nghiệm sự kiện trực tuyến ngay tại nhà là một ý tưởng không tồi đối với những người ngại giao tiếp trong đám đông. Ngay tại nhà, họ vừa được xem các chương trình yêu thích, vừa có thể mở lòng với những khán giả khác khi tương tác trên nền tảng trực tuyến.
5. Trông đợi nhiều hơn trong tương lai
Sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 trong thập kỷ mới dường như đã làm cả nhân loại thức tỉnh. Họ nhận thức nhiều hơn và cũng trông đợi nhiều hơn. Đó cũng là thách thức cho các nhà tổ chức sự kiện trong việc nắm bắt tâm lý khán giả. Trong thời kỳ diễn biến phức tạp của dịch bệnh, livestream trực tuyến trở thành một xu hướng nổi bật vực dậy ngành sự kiện. Tuy vậy, xu hướng vốn ngắn hạn, các nhà tổ chức sự kiện cần tìm kiếm những giải pháp sáng tạo, mới mẻ để đáp ứng được mong đợi của công chúng.
Chúng ta đang hướng đến một tương lai khán giả trực tuyến không chỉ đơn thuần theo dõi sự kiện qua màn hình mà họ còn được cung cấp những trải nghiệm vượt bậc khác.
Linh Do tổng hợp
Tham khảo: Forbes Vietnam
Xem thêm: