Cứ tưởng rằng sau năm 2023 đầy thành công thì năm 2024 sẽ còn là năm bùng nổ hơn với các đại nhạc hội nhưng thực tế lại “không như mơ”.
Không ngoa khi nói 2024 là “năm hạn” của các đại nhạc hội. Khán giả hiện nay rất dễ để bắt gặp những tin tức như: “hủy show”, “bán vé chậm”, vậy vì sao lại xảy ra tình trạng này?
Nhiều lời giải thích nhưng chưa có phương án giải quyết
Tại Anh, hiện nay đã có hơn 60 lễ hội đã phải hủy và con số này dự đoán sẽ còn tăng vào cuối năm khi tình trạng lạm phát không có dấu hiệu “thuyên giảm”. Thậm chí nhiều địa điểm tổ chức sự kiện cũng phải đóng cửa do không ai dám thuê vì giá cao, vào năm 2023, 125 venues tại Anh đã phải dừng hoạt động.
Mới đây, Coldplay đã phải đưa ra thông báo quyên góp 10% số tiền thu được từ các buổi biểu diễn của ban nhạc tại quê nhà vào năm 2025 cho Music Venue Trust, một tổ chức từ thiện của Vương quốc Anh để hỗ trợ các địa điểm biểu diễn âm nhạc cộng đồng.
Ở Australia, nhiều đêm nhạc ngưng tổ chức đến nỗi một tạp chí của nước này phải đặt câu hỏi, “Phải chăng các đại nhạc hội ở Australia đã “tuyệt chủng”?”
Trong khi đó, ngay cả một số lễ hội lớn từng bán hết vé trong vài phút cũng vô cùng chật vật trong năm nay. Burning Man lần đầu tiên không bán hết vé sau hơn một thập kỷ. Coachella, lễ hội âm nhạc thường niên có lượng người tham dự đông nhất Bắc Mỹ, đã chứng kiến doanh số bán vé giảm khoảng 15% so với năm ngoái.
Và không chỉ riêng nước Mỹ, các lễ hội nổi tiếng khác trên toàn thế giới như: Lollapalooza Paris, EDC Trung Quốc cũng đã phải hoãn do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự suy thoái này, như chi phí tổ chức tăng vọt trong khi nhu cầu người mua lại giảm mạnh, các yếu tố liên quan đến thời tiết đã khiến các đại nhạc hội không còn giữ được sự bùng nổ của mình như mọi năm.
Will Page, cựu kinh tế trưởng của Spotify và là một trong số ít nhà kinh tế tập trung vào ngành công nghiệp âm nhạc đã nói một câu trong bài phân tích khiến nhiều người phải “gật đầu thừa nhận”.
“Tổ chức một nhạc hội ngay từ đầu đòi hỏi một khoản chi phí khổng lồ, trong khi chỉ có tiền bán vé và các nguồn doanh thu khác tại sự kiện mới giúp các nhà tổ chức hòa vốn. Đó là lý do chính khiến tổ chức đại nhạc hội bị xem là một ngành kinh doanh rủi ro với lợi nhuận rất thấp”.
Trên thực tế, nhiều lễ hội độc lập được điều hành bởi các tổ chức phi lợi nhuận không hề có lợi nhuận. Thật dễ hiểu tại sao chi phí tăng cao có thể gây ra nhiều tình trạng hỗn loạn cho các đại nhạc hội hơn cả mosh pit.
Trong những năm nay, giá vé của các concert đã tăng lên một cách chóng mặt. Theo thống kê FinanceBuzz thực hiện, kể từ năm 2014, trung bình giá vé vào cửa chung cho các lễ hội âm nhạc lớn đã tăng 55%.
Will Page nói rằng, thực tế các nhà tổ chức sự kiện biết việc tăng giá vé là rất rủi ro nhưng do họ đang bị “cuốn vào vòng xoáy” nên việc tìm lối ra không phải là điều dễ dàng: “Tôi cho rằng các nhà tổ chức sự kiện có phần e ngại rủi ro khi đẩy giá vé quá cao, nhất là khi chúng ta vừa thoát khỏi đại dịch. Tuy nhiên, sự do dự này sẽ bị nhấn chìm bởi sự chi phí sản xuất khổng lồ, và đó là khi họ (các nhà tổ chức) bị cuốn vào “cuộc chiến” mà không biết bao giờ có hồi kết”.
Do chi phí sinh hoạt tăng và lãi suất cao hơn, nhiều người thường xuyên đi lễ hội đang thắt lưng buộc bụng và từ chối chi nhiều tiền cho vé lễ hội đắt tiền và tất cả các chi phí đi kèm khi tham dự lễ hội. Chúng ta cũng đang chứng kiến sự suy thoái tương tự trong các lĩnh vực giải trí và khách sạn khác, bao gồm công viên giải trí, du lịch hàng không, chuỗi khách sạn và Airbnb.
Thậm chí, ngay cả những “ông lớn” của ngành giải trí như Live Nation cũng phải thừa nhận rằng nhiều lễ hội đang gặp khó khăn về tài chính.
“Thị trường giải trí trực tiếp (live concert) có tính cạnh tranh cao và hiện tại chúng tôi thấy nhiều nghệ sĩ ưu tiên lưu diễn tại những sân vận động, arena có sức chứa lớn để thiết lập các kỷ lục hơn biểu diễn ở lễ hội vì vậy việc mời những tên tuổi nổi tiếng cũng tương đối khó khăn”.
Sự thành công của đại nhạc hội phụ thuộc vào…thế hệ?
Will Page cũng cho rằng, sự gia tăng các phương tiện phát nhạc trực tuyến dù giúp người nghe truy cập không giới hạn vào kho tàng âm nhạc trên thế giới, nhưng các thuật toán của chúng ngày càng khiến thính giả chỉ muốn thưởng thức lại những thứ họ đã nghe. Việc thuật toán của hầu hết nền tảng nhạc số đều đồng nhất các bài nhạc với thị hiếu người dùng có thể khiến họ thờ ơ với sự kiện âm nhạc của các nghệ sĩ, thể loại mà họ chưa từng nghe đến.
Theo truyền thống, các đài phát thanh, các tạp chí âm nhạc và blog có thể đã giới thiệu cho người nghe nhạc một phạm vi rộng hơn, đa dạng hơn về thể loại âm nhạc mới. Với các thuật toán đóng vai trò đồng nhất hơn đối với thị hiếu âm nhạc, Page lập luận, người tiêu dùng có thể ít quan tâm đến các lễ hội âm nhạc lớn với nhiều nghệ sĩ chơi các thể loại khác nhau mà họ có thể chưa từng nghe đến.
Ví dụ, khi nhìn vào poster của một lễ hội quy tụ rất nhiều nghệ sĩ từ nhiều quốc gia khác nhau với đa dạng phong cách âm nhạc mới mẻ thì rất có khả năng khán giả sẽ nảy sinh những nhận xét như sau: “Nghệ sĩ này là ai?”, “Sao toàn những cái tên lạ hoắc vậy?”, “Line-up không hấp dẫn”… thành ra việc thu hút khán giả mua vé sự kiện sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là với những sự kiện mới.
Lập luận thuyết phục nhất mà Page đưa ra đó là sự thay đổi thế hệ có thể đang ảnh hưởng đến nhu cầu về các lễ hội âm nhạc.
Trong thời kỳ bùng nổ các đại nhạc hội từ năm 2010 đến 2020, thế hệ Thiên niên kỷ, khi đó chủ yếu ở độ tuổi thiếu niên và 20, trở thành đối tượng mua vé nòng cốt của các sự kiện này, do tâm lý ưa khám phá, trải nghiệm hơn các nhu cầu vật chất.
Nhưng điều này hoàn toàn ngược lại với thế hệ Z. Trong cuốn sách bán chạy nhất của mình, nhà tâm lý học xã hội Jonathan Haidt đã gọi họ là “thế hệ lo lắng”. Haidt lập luận rằng Thế hệ Z dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội, điều đó khiến họ ngại giao lưu, cô lập và trầm cảm hơn. Do đó, họ ít hứng thú hơn với việc tham gia các đại nhạc hội – một hoạt động mang tính xã hội sâu sắc so với các thế hệ trước.
Bên cạnh đó, những người thuộc thế hệ Thiên niên kỷ khi già đi sẽ dành phần lớn thời gian cho gia đình và nghề nghiệp. Khả năng tham dự những đại nhạc hội kéo dài nhiều ngày của họ cũng vì thế mà giảm đi. Nhưng nếu có cơ hội họ sẵn sàng dành thời gian đi xem một buổi hòa nhạc.
Đây là lý do giải thích vì sao những sự kiện có thâm niên lâu năm vẫn hoạt động tốt. Ví dụ, Lễ hội nhạc Jazz Newport, kỷ niệm 70 năm thành lập vào năm nay, đã dễ dàng bán hết vé trong cả ba ngày.
Vì vậy, bất chấp tình cảnh suy thoái, vẫn sẽ tồn tại một số thị trường và tệp khách hàng tiềm năng để các đại nhạc hội được khởi sắc trở lại. Tuy nhiên, một câu hỏi quan trọng đối với những người tổ chức là: Thị trường đó thực sự sẽ lớn đến mức nào?
Backstage News
Theo NPR