Nhạc cổ điển, hay có thể hiểu theo cách khác là một thể loại âm nhạc bắt nguồn từ châu Âu, từ lâu đã chinh phục khán giả trên toàn thế giới với những giai điệu du dương da diết. Tuy nhiên, càng về sau người ta càng phải đặt câu hỏi, rằng cùng với sự phát triển của công nghệ kỹ thuật, sự phát triển trong đời sống con người thì liệu một dòng nhạc có bề dày lịch sử lâu đời và đang dần mai một như nhạc cổ điển có thể đối đầu lại với những âm hưởng mới lạ, độc đáo mà nhạc điện tử mang lại hay không?
Vượt khỏi biên giới của quê cha đất mẹ châu Âu thì nhạc giao hưởng chỉ là một chấm đen mờ nhạt lẫn lộn giữa bảng màu cầu vồng trên bản đồ âm nhạc thế giới. Điều này có thể bắt nguồn từ rất nhiều lý do khác nhau, trong đó có khách quan như: sự đòi hỏi chuyên môn trong việc tổ chức hòa nhạc hay thời gian mà một người nghệ sĩ cần đầu tư để có thể bước lên sân khấu biểu diễn. Và cũng có những lý do vô cùng chủ quan cho rằng nhạc cổ điển chỉ dành cho tầng lớp quý tộc, có tiền hoặc kiến thức sâu rộng mới có thể hiểu và thưởng thức hết được những hương vị mà nó mang lại. Nhưng dù vì lý do gì đi chăng nữa thì nhạc cổ điển cũng đang trượt dài trên con đường dẫn đến vùng đất quên lãng của đại đa số những người hâm mộ âm nhạc. Mất dần khán giả, các tác phẩm mới không còn được chú ý và quan tâm là những khó khăn tiêu biểu mà dòng nhạc này đang phải gánh chịu.
Vậy thì nhạc giao hưởng Việt Nam có đang chịu chung số kiếp mờ nhạt hay không? Nhắc đến dòng nhạc này ở Việt Nam đầu tiên chúng ta phải kể đến Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam với lịch sử cũng như thành tích đáng tự hào trong việc định hình thể loại âm nhạc này tại nước nhà. Nhưng mặc cho việc hình thành từ rất sớm và đóng góp nhiều thành tựu cho nhạc giao hưởng Việt Nam, Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam vẫn gặp khó khăn trong việc giúp nhạc cổ điển đạt đến sự thịnh vượng nhất định. Tiếp theo sau đó là sự xuất hiện của Dàn nhạc giao hưởng Mặt Trời với chuyên môn và đẳng cấp được bảo chứng bởi nhiều tên tuổi lớn. Dàn nhạc giao hưởng Mặt Trời được đầu tư bởi tập đoàn SunGroup đã phần nào mang nhạc giao hưởng tiến một bước dài khi thu hút được một lượng lớn khán giả mới đến với dòng nhạc này.
Và cuối cùng, sự xuất hiện đáng được nêu tên gần đây nhất chính là Concert of Childhood Memory của một nhóm các bạn trẻ mang trong mình ước mơ lớn với nhạc cổ điển đã tạo ra nhiều nét chấm phá táo bạo, đánh dấu một sự chuyển mình của nhạc cổ điển tại Việt Nam. Bằng cách kết hợp những chất liệu gần gũi và quen thuộc với tuổi thơ của bất kì ai trong chúng ta, Concert of Childhood Memory đã kể lại câu chuyện của những nhân vật hoạt hình Ghibli, Naruto, Doraemon,… qua tiếng đàn piano cùng violin đầy gợi nhớ. Những buổi concert của Concert of Chilhood Memory bắt đầu mở rộng quy mô, trước dây chỉ diễn ra ở Hà Nội nay đã có mặt tại TP. HCM, đây là dấu hiệu cho thấy dòng nhạc cổ điển đang sống dậy và trở lại đường đua với các thể loại âm nhạc khác trên thị trường.
Là một người làm sự kiện, liệu bạn có bao giờ tự hỏi bản thân rằng mình có vô tình bỏ qua một vùng đất màu mỡ và đầy thử thách như âm nhạc giao hưởng hay chưa? Khác với việc tổ chức bất kì một buổi hòa nhạc với những dòng nhạc đã quá quen thuộc trong đại chúng, hòa nhạc giao hưởng đòi hỏi sự cảm nhận tinh tế và sâu sắc của người tổ chức, cũng như sự khéo léo trong từng khâu vận hành để có thể mang đến một trải nghiệm âm nhạc khó quên đối với người tham dự. Đừng gạt âm nhạc giao hưởng sang một bên trên cuộc đua của chúng ta, thay vào đó tại sao không thử thay đổi định kiến rằng nhạc cổ điển là một thể loại khó hiểu kén người nghe, hỡi các nhà sản xuất sự kiện ơi!
Catherine Le
Xem thêm: Quy ước khi nghe nhạc giao hưởng