Khi ngày càng có nhiều sân vận động quy mô lớn với tiềm năng doanh thu khổng lồ, các festival kéo dài nhiều ngày dường như dần trở nên kém hấp dẫn.
Kể từ sau đại dịch, nền kinh tế của ngành giải trí đã thay đổi đáng kể, khiến các buổi diễn sân vận động trở nên hấp dẫn hơn cả với nghệ sĩ lẫn khán giả. Điều này khiến các nhà tổ chức festival gặp khó khăn khi mất đi những tên tuổi lớn có khả năng kéo khán giả mua vé.
Lấy ví dụ về Zach Bryan – một ca sĩ, nhạc sĩ nhạc đồng quê và nhạc sĩ nhạc rock nổi tiếng người Mỹ. Năm 2023, khi còn là một ngôi sao đang lên, anh là cái tên nổi bật tại nhiều lễ hội âm nhạc như Railbird Festival (Lexington, Kentucky), Two Step Inn Festival (Georgetown, Texas), Pilgrimage Festival (Franklin, Tennessee) và Under the Big Sky (Whitefish, Montana), trong tổng số tám lễ hội mà anh góp mặt năm đó.

Nhưng sau khi chỉ tham gia hai lễ hội vào năm 2024 và phát hành album phòng thu thứ năm cực kỳ thành công vào tháng 7, Zach Bryan khiến nhiều nhà tổ chức phấn khởi khi được công bố là nghệ sĩ mở màn cho lễ hội Stagecoach 2025. Tuy nhiên, thay vì tiếp tục nhận lời từ các lễ hội nhạc đồng quê đình đám như Faster Horses hay Tortuga, Bryan quyết định hợp tác với AEG Presents – đơn vị tổ chức Stagecoach – để thực hiện 10 đêm diễn quy mô lớn vào mùa hè này, bao gồm các buổi diễn tại sân vận động ở New York, San Francisco và Ann Arbor (Michigan). Đáng chú ý, Bryan sẽ trở thành nghệ sĩ đầu tiên biểu diễn tại Michigan Stadium – sân vận động lớn nhất nước Mỹ sau khi được cải tạo.
Và anh không phải trường hợp duy nhất. Những nghệ sĩ thường xuyên xuất hiện tại các lễ hội như Post Malone hay Kendrick Lamar (mỗi người góp mặt tại 10 lễ hội trong năm 2023) giờ đây gần như rời bỏ mô hình này để tập trung vào các tour diễn sân vận động tại các thành phố lớn. Chẳng hạn, SoFi Stadium ở Los Angeles sẽ lập kỷ lục khi tổ chức 19 buổi diễn trong nửa đầu năm, với sự góp mặt của Beyoncé, The Weeknd, Shakira, BLACKPINK và nhiều nghệ sĩ đình đám khác.

Cộng thêm các tour diễn sân vận động của Coldplay, Metallica và chuyến lưu diễn kết hợp của Chris Stapleton và George Strait, không khó để thấy các nhà tổ chức lễ hội đang bị chèn ép bởi sự bùng nổ của các concert sân vận động.
Nội dung
Kinh tế ngành giải trí thay đổi ra sao?
“Sự phổ biến của các concert sân vận động là một thách thức lớn đối với các lễ hội âm nhạc”, Josh Kurfirst, đối tác tại WME và người đứng đầu bộ phận lễ hội gồm 40 người của công ty, nhận định. Ông giải thích rằng các lễ hội phải đối mặt với nhiều bất lợi so với concert sân vận động – và những bất lợi này rất khó để khắc phục.

Thách thức lớn nhất chính là bài toán kinh tế. Các nghệ sĩ đứng đầu một lễ hội âm nhạc thường nhận được mức thù lao từ 5 đến 6 triệu USD mỗi lần biểu diễn. Trong khi đó, nếu tổ chức một show sân vận động với mức giá vé hợp lý, họ có thể kiếm được gấp đôi số tiền này.
Tuy nhiên, chi phí tổ chức một concert sân vận động cũng cao hơn đáng kể. Nếu nhận show tại lễ hội, nghệ sĩ gần như không phải lo lắng về các khoản phí tổ chức. Ngược lại, khi làm một tour sân vận động, họ phải tự gánh hầu hết chi phí. Xét về lợi nhuận ròng, một suất diễn tại lễ hội có thể đem lại thu nhập tương đương một đêm diễn sân vận động. Nhưng khi trải dài trên hàng chục đêm diễn, mô hình sân vận động vẫn chiếm ưu thế.
Điều này càng đúng hơn trong năm 2025, khi số lượng lễ hội có thể trả mức cát-xê cao đang giảm dần, trong khi số lượng thành phố sẵn sàng tổ chức concert sân vận động lại ngày càng tăng.
Lợi thế cho khán giả
Không chỉ có nghệ sĩ, ngay cả khán giả cũng đang nghiêng về các buổi diễn sân vận động. Trung bình, giá vé concert tại sân vận động dao động từ 200 đến 300 USD, trong khi giá vé lễ hội đã tăng mạnh những năm gần đây, thường nằm trong khoảng 400 đến 700 USD mỗi người.
Dù lễ hội kéo dài nhiều ngày và mang đến cơ hội xem nhiều nghệ sĩ cùng lúc, nhiều khán giả vẫn thích trải nghiệm một buổi tối thưởng thức nghệ sĩ yêu thích của mình với chỗ ngồi thoải mái và đầy đủ tiện nghi. “Một concert sân vận động sẽ hấp dẫn hơn với những người hâm mộ lớn tuổi so với một tấm vé vào lễ hội theo dạng GA (General Admission – vé vào cổng tự do)”, Jarred Arfa, Phó chủ tịch điều hành kiêm Giám đốc toàn cầu bộ phận âm nhạc của Independent Artist Group, nhận xét.
Tương lai của lễ hội âm nhạc?
Dù vậy, không phải nghệ sĩ nào cũng có thể từ bỏ lễ hội để chuyển sang chạy tour sân vận động. Số lượng nghệ sĩ có đủ sức hút để vươn từ vị trí headliner lễ hội lên ngôi sao sân vận động vẫn còn rất ít.
Hơn nữa, các lễ hội vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc phát hiện và nuôi dưỡng thế hệ nghệ sĩ mới.
Kurfirst nhấn mạnh rằng, với các lễ hội lớn, headliner đến rồi đi. Nhưng thứ quyết định thành bại chính là tầm ảnh hưởng văn hóa, trải nghiệm người hâm mộ và cộng đồng đứng sau lễ hội đó.

Để duy trì sức hút, đảm bảo nhu cầu vé và thu hút các nghệ sĩ lớn, ông khuyến nghị các nhà tổ chức lễ hội cần hiểu rõ sức hút thương hiệu của mình và “tập trung tối đa vào việc phục vụ khán giả. Tìm hiểu xem họ muốn gì và mang lại cho họ trải nghiệm độc đáo mà không nơi nào khác có thể cung cấp”.
Dù vậy, các lễ hội âm nhạc vẫn có lợi thế riêng, nhất là khi làn sóng festival đang dần chuyên nghiệp hóa. Như tại Coachella, Tomorrowland, Glastonbury hay ở Việt Nam là HAY Glamping hay Hozo vẫn cố gắng mang đến những trải nghiệm độc đáo, không chỉ dựa vào headliner mà còn xây dựng cộng đồng và văn hóa riêng biệt. Vì vậy việc tập trung tối đa vào phục vụ khán giả và mang lại những giá trị mà một concert cá nhân không thể thay thế, chẳng hạn như trải nghiệm đa nghệ sĩ, không gian sáng tạo và các hoạt động cộng đồng sẽ là cách để giúp các festival thu hút nhiều khán giả.
Backstage News
Theo Billboard