BackStage Crew hay bộ phận BackStage nói chung trong các sự kiện chỉ đảm nhận những công việc thuần về tay chân, bê vác ở phía sau sân khấu – Điều này có đúng hay không? Series bài viết này sẽ cung cấp cho bạn một cái nhìn toàn cảnh hơn về các công việc mà BackStage Crew đảm nhận thông qua case study điển hình là show diễn ionah – Một chương trình biểu diễn nghệ thuật công phu được thực hiện tại nhà hát Star Galaxy, Hà Nội.
Để nói về công việc của bộ phận Backstage trong ionah show, trước hết, cần tìm hiểu một chút về hệ thống trang thiết bị tại nhà hát Star Galaxy.
Sân khấu dạng bán nguyệt được trang bị hệ thống màn chiếu đa lớp hiện đại
Một số yếu tố kỹ thuật tại nhà hát (Hình ảnh từ brochure nhà hát).
Nếu là một người am hiểu về các thiết bị âm thanh, ánh sáng hay máy chiếu, bạn sẽ nhận thấy hệ thống các thiết bị tại nhà hát này vô cùng chất lượng với giá trị lên tới hàng tỷ đồng. Star Galaxy “nổi tiếng” với các anh em trong nghề đến nỗi khi tôi tham gia một khóa học đạo diễn âm thanh ánh sáng tại trường Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, mọi người nói vui: Đã trải qua trường “Star Galaxy” rồi thì còn đi học làm gì nữa. Điều đó đủ để khẳng định rằng, khi làm việc với một hệ thống trang thiết bị nặng đô, bạn cũng sẽ học hỏi được rất nhiều thứ.
Tính đến thời điểm hiện tại là 02 năm sau khi nhà hát Star Galaxy đi vào hoạt động, nơi đây vẫn được đánh giá là nhà hát hiện đại nhất tại Việt Nam về hệ thống trang thiết bị kỹ thuật. Các thương hiệu hàng đầu thế giới như D&B, Martin, Digico, Avolite, Laser World, Panasonic, Showtech… đều tập hợp về đây và đòi hỏi những người làm việc với chúng cũng phải “nâng cấp bản thân” rất nhiều để thích nghi với máy móc. Công việc đầu tiên của bộ phận Backstage khi đó là tìm hiểu và ghi nhớ công dụng, chức năng của từng loại thiết bị để phục vụ cho quá trình sử dụng, đảm bảo an toàn, duy trì tuổi thọ của những thiết bị rất đắt tiền và cực kỳ “khó chiều” này.
Một số yếu tố kỹ thuật tại nhà hát (Hình ảnh từ brochure nhà hát).
Thông thường, việc lắp đặt các thiết bị là công việc sau cùng khi nhà hát đã được xây dựng xong. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, quá trình xây dựng nhà hát Star Galaxy diễn ra đồng thời với lắp đặt thiết bị. Công trường bụi bẩn, nhiều bên tham gia thi công cùng lúc dẫn tới bộ phận Backstage phải làm việc vất vả hơn với các thiết bị, tránh cho chúng khỏi bị hỏng hóc. Từ dàn loa, máy chiếu đến từng con đèn trên sân khấu được bọc trong một lớp nilon dày để tránh bụi bẩn. Định kỳ hàng tuần, Backstage có nhiệm vụ hút bụi, lau lại từng thứ. Quá trình chạy thử thiết bị cũng diễn ra nhiều lần và mỗi buổi như vậy yêu cầu cả quy trình tháo lắp, vệ sinh máy móc đầy đủ. Có những ngày nhà hát thi công khoan, đục ầm ĩ, Backstage phải chuẩn bị riêng 1 máy hút bụi công nghiệp bên cạnh để khoan tới đâu hút bụi tới đó. Do đây đều là các thiết bị đắt tiền nên khi hạn chế được tối đa bụi bẩn, chúng mới có thể đảm bảo duy trì được tuổi thọ và không bị hỏng hóc.
Toàn bộ thiết bị được bọc trong 1 lớp nilon dày trong quá trình đang xây dựng nhà hát
Test thiết bị song song với việc thi công xây dựng nhà hát.
Các thiết bị hiện đại này cũng cần tới các công ty cung cấp uy tín và các chuyên gia có kinh nghiệm nhất tại Việt Nam tới lắp đặt và kiểm định. Đặc biệt, với hệ thống máy chiếu và hình ảnh, ngoài đạo diễn Fernando Toma thì đơn vị đầu tư còn thuê ê kíp set up từ Singapore để synchronize (đồng bộ hóa) toàn bộ âm thanh, ánh sáng với các máy chiếu, màn hình theo hệ thống timecode. Điều này có nghĩa là sau này, khi ionah show đi vào biểu diễn định kỳ hàng tuần, quá trình căn chỉnh âm thanh, ánh sáng hay máy chiếu sẽ không cần thực hiện thủ công lại nữa mà tất cả có thể chạy tự động chỉ nhờ một lần “nhấn nút”. Nhưng timecode cũng đồng nghĩa với việc ê kíp diễn viên và Backstage phải thực hiện chuẩn mọi thao tác, mọi chi tiết nhỏ nhất trong suốt thời gian 90 phút diễn ra show để chuẩn theo từng yếu tố âm thanh, ánh sáng, hình ảnh đã được set up tự động. Ionah show là một trong những nơi đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng công nghệ timecode trong biểu diễn. Về sau này, ứng dụng timecode đã được sử dụng rộng rãi hơn trong sự kiện.
Một buổi làm việc của ekip kỹ thuật Việt Nam – Singapore tại văn phòng
Ionah show nhìn từ bàn điều khiển
Một yếu tố độc đáo nữa tại nhà hát Star Galaxy chính là hệ thống máy chiếu. Hiện nay, nhà hát có 2 chiếc máy chiếu có khả năng chiếu ngược, tức là như thông thường ống kính máy chiếu đặt thẳng trước màn chiếu thì ở đây ống kính máy chiếu nằm ở chiều ngược lại. Lý do là khi biểu diễn ionah show, hình ảnh chiếu trên màn cần phải không được in bóng đổ của các nghệ sĩ. Điều này sẽ không làm được với máy chiếu thông thường. Vì thế, nhà hát đã đặt hàng sử dụng ống kính đặc biệt cho 2 chiếc máy chiếu này. Mỗi máy chiếu còn có hệ thống làm mát riêng và hệ thống thông gió nhằm lấy khí tươi vào trong nhà hát, đảm bảo nhiệt độ vận hành của máy chiếu không bị quá tải. Giá trị mỗi chiếc máy chiếu lên tới hơn 1 tỷ đồng.
Hệ thống máy chiếu được lắp đặt và căn chỉnh cực kỳ kỹ lưỡng và chính xác đến từng mm.
Quá trình lắp đặt máy cũng rất cầu kỳ và khó khăn, được một công ty là đơn vị phân phối của Panasonic trong Sài Gòn thực hiện. Vị trí đặt máy được tính toán chuẩn xác đến từng milimet để các hình chiếu xuất hiện sắc nét, không bị sai lệch. Công cụ tính toán sử dụng các phần mềm trên máy tính và cả các thiết bị đo đạc bằng laser để đảm bảo sự chính xác tuyệt đối.
Trong quá trình thử nghiệm, một chiếc máy chiếu bị đã cháy do sử dụng sai dây nguồn. Đây cũng là kinh nghiệm cho chúng tôi khi sử dụng các thiết bị được đồng bộ hóa. May mắn là bộ phận Backstage nhanh chóng sử dụng các biện pháp chữa cháy kịp thời nên không ảnh hưởng quá nhiều đến những thiết bị khác.
Màn Gauze tại nhà hát Star Galaxy
Một loại màn chiếu cũng khá mới mẻ với các anh em làm sự kiện là màn Gauze. “Gauze” trong tiếng anh có nghĩa là “trong suốt”. Thực tế cho thấy màn Gauze thoạt nhìn chỉ là một tấm vải mỏng trong suốt có thể nhìn xuyên thấu qua được, nhưng được dệt từ một loại sợi đặc biệt có thể giữ lại ánh sáng của máy chiếu. Khi được trình chiếu với những kỹ thuật đặc biệt thì màn Gauze sẽ tạo nên những hiệu ứng kỹ xảo đẹp mắt và đánh lừa thị giác người xem, mang lại những ảo giác rất nghệ thuật và hoành tráng. Công nghệ sử dụng màn Gauze trong trình chiếu đã phổ biến ở nhiều nhà hát lớn trên thế giới tuy nhiên chỉ mới du nhập đến Việt Nam trong vòng một năm trở lại đây. Bên cạnh công dụng tạo ra một không gian ảo đánh lừa thị giác người xem, màn Gauze còn được sử dụng để che khuất phía sau sân khấu và giúp Backstage bố trí đạo cụ cho phân cảnh mới.
Do lắp đặt cùng trong quá trình thi công nhà hát nên lớp màn này không tránh khói bụi bẩn. Với kích thước khá lớn 6m x 20m thì việc vệ sinh màn là cả 1 vấn đề và không phải ai cũng có thể làm được. Chúng tôi cũng không dám để cho các đơn vị chuyên giặt là bên ngoài thực hiện công việc này do màn gauze có các tính chất đặc biệt riêng. Vì thế, Backstage phải nghĩ ra các cách làm sạch màn. Ban đầu, chúng tôi thử với một số loại nước giặt khác nhau để thử tính chất vải, với một diện tích nhỏ trên màn, rồi sau đó sử dụng thiết bị vệ sinh giặt hơi để làm sạch. Tuy nhiên phải qua một vài lần giặt mới điều chỉnh được nhiệt độ giặt đúng và dung dịch phù hợp tránh ảnh hướng đến độ co giãn của sợi vải màn.
Việc căn chỉnh máy chiếu trên các màn hình trước ionah show
Hệ thống khung giàn để treo và di chuyển màn gauze cũng do một đơn vị sản xuất trong Sài Gòn tính toán và thực hiện. Trong quá trình sản xuất, đơn vị này gặp một số vấn đề phát sinh do chưa hiểu rõ về độ co giãn của màn, vì thế không tránh khỏi việc làm xong rồi nhưng một thời gian sau phải thi công lại hoặc Backstage phải bảo trì thường xuyên để tránh hỏng hóc.
Một phân cảnh sử dụng màn panel trong Ionah show
Trong số ba màn chiếu tại nhà hát Star Galaxy, hệ thống màn panel là phức tạp và “khoai” nhất với nhiều lần thử nghiệm và thất bại. Trong vở diễn ionah show, 2 phân cảnh cần đến màn panel chỉ kéo dài khoảng 10 phút, nhưng cái khó là màn panel được ghép từ 8 tấm có kích thước rất lớn. Khi chạy show, các tấm này phải được di chuyển thật nhanh và mượt mà. Team Backstage với 4 thành viên chỉ có chưa tới 10 giây để di chuyển chúng mà không được lộ diện trên sân khấu. Ban đầu, toàn bộ hệ thống được điều khiển tự động nhưng hệ thống khung giàn của các tấm panel rất dễ gặp trục trặc và nhiều rủi ro, vì thế điều khiển tự động được chuyển thành điều khiển chạy bằng… cơm. Team Backstage phải tính toán phương án di chuyển và tập duyệt rất nhiều lần để các tấm màn ráp vào nhau trơn tru trong khoảng thời gian ngắn như vậy.
Cánh gà cũng là một trong những hạng mục đắt tiền tại nhà hát. Toàn bộ rèm cánh gà sử dụng màu đen hút sáng và chống cháy hoàn toàn, được nhập khẩu từ nước ngoài. Giống như màn Gauze, việc vệ sinh cánh gà cũng đòi hỏi nhiều kỹ thuật để xử lý do trọng lượng của mỗi tấm quá nặng.
Đặc thù của vở diễn ionah là tập hợp từ rất nhiều loại hình nghệ thuật biểu diễn khác nhau, trong đó xiếc chiếm phần lớn nên chọn loại thảm sân khấu nào là một vấn đề được chú trọng. Các loại thảm sân khấu ở Việt Nam đều không đáp ứng được yêu cầu của các diễn viên, đặc biệt là những màn diễn xiếc mạo hiểm. Do đó, chúng tôi tìm hiểu những nhà sản xuất uy tín trên thế giới và đặt hàng loại thảm cao su dày tới 9mm. Trước mỗi lần biểu diễn, nhóm Backstage sẽ có nhiệm vụ lau sạch sẽ toàn bộ sàn diễn, đảm bảo sàn không bị trơn trượt và an toàn cho các diễn viên biểu diễn.
Sàn cao su 9mm được đặt riêng. Mỗi cuộn thảm khổ 1m dài 17m, hơn 10 người mới có thể khiêng nổi.
Một tối lặng lẽ trong nhà hát sau khi kết thúc công việc.
Trên đây là những giới thiệu chung nhất về hệ thống kỹ thuật trong nhà hát Star Galaxy và một phần công việc liên quan của team BackStage. Mô tả kỹ lưỡng như vậy để các bạn thấy rằng nhiệm vụ của một team BackStage đúng nghĩa không hề đơn giản. Đó không chỉ là những công việc bê vác nặng nhọc đòi hỏi sức khỏe mà còn là sự am hiểu, thích nghi nhanh chóng với các thiết bị kỹ thuật ngày càng hiện đại, và trên hết là tinh thần ham học hỏi, sức chịu đựng cao khi làm việc trong những môi trường tối tăm, chật hẹp sau sân khấu để phục vụ các show diễn lớn.
Còn tiếp…
Backstage News
Like!! Thank you for publishing this awesome article.