Giữa sự xô bồ của nhịp sống hiện đại, những chương trình nghệ thuật hay sự kiện âm nhạc mang concept hoài niệm thanh xuân lại được lòng đông đảo khán giả ở nhiều độ tuổi.
Bên cạnh sự phát triển sôi động của thị trường âm nhạc với những ca khúc hiện đại mới, luôn có một dòng chảy âm thầm nhưng bền bỉ, mạnh mẽ của những ca khúc mang âm hưởng hoài niệm. Nhiều sự kiện hay chương trình âm nhạc mang đến âm hưởng hoài niệm này đã nhận được sự ủng hộ tích cực từ khán giả.
Giữa thời đại các xu hướng mới ngày càng lên ngôi, điều gì giúp các sự kiện âm nhạc hoài niệm thành công chạm đến khán giả?
Âm nhạc hoài niệm khơi gợi cảm xúc tích cực
“Sự hoài niệm” (hay còn gọi là “nostalgia”) là thuật ngữ nói về cảm xúc hoặc tình cảm mãnh liệt liên quan đến một điều gì đó trong quá khứ. Theo các nhà khoa học, những gì gắn liền với tuổi trẻ sẽ luôn hiện hữu trong bộ nhớ con người, thậm chí có thể ảnh hưởng tới sở thích hay tính cách cá nhân. Nghiên cứu của Đại học Southampton còn chỉ ra rằng, sự hoài niệm có thể chống lại sự cô đơn, buồn chán, căng thẳng và khơi gợi lên những cảm xúc tích cực. Bởi vì, hoài niệm có thể tạo ra trạng thái tâm lý được chia sẻ, được đồng cảm và được tìm lại chính mình.
Trong khi đó, một trong những thứ dễ gợi cảm xúc hoài niệm nhất chính là âm nhạc. Cùng với sự hoài niệm, âm nhạc cũng thúc đẩy những cảm xúc tích cực. Theo báo cáo của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc Gia Hoa Kỳ, âm nhạc vào não bộ giúp sản sinh các chất dẫn truyền thần kinh trong não, trong đó có dopamin – được gọi là hormone hạnh phúc.
Dễ thấy rằng, giữa một thị trường âm nhạc hiện đại chuộng xu hướng, náo nhiệt với trào lưu EDM, hip hop ngày một nở rộ, những bài nhạc vàng son một thời vẫn có một chỗ đứng dành riêng cho mình, trở thành “liều thuốc chữa lành”. Khi được “làm sống lại”, chúng sẽ có một đời sống mới trong lòng khán giả với những cảm xúc mới.
Ngoài ra, những ca khúc đi cùng năm tháng hay những bản nhạc “hot hit” một thời không chỉ là kỷ niệm thanh xuân của thế hệ 8x, 9x, đôi khi còn gắn liền với tuổi thơ của thế hệ trẻ. Âm nhạc xưa cũ có thể là ký ức chung, cũng có thể là cảm xúc riêng, nhưng đều mang đến không gian để tất cả cùng nhau tạo nên kỷ niệm và chia sẻ đam mê âm nhạc.
Nắm bắt tâm lý hoài niệm và chi trả theo cảm xúc của khán giả
Theo nghiên cứu được thực hiện bởi Harvard Business School, phần lớn khách hàng đồng ý chi tiêu nhiều hơn cho sản phẩm và thương hiệu gợi lên cảm xúc hoài niệm. Đối với họ, những sản phẩm này mang lại cảm giác thoải mái và xoa dịu những cảm xúc tiêu cực. Dễ thấy rằng, giữa nhịp sống hiện đại xô bồ và áp lực như hiện nay, không ít khán giả đang có xu hướng trở về với những thứ âm nhạc xưa cũ, mộc mạc, có tính thư giãn và hoài niệm cao.
Như vậy, nếu một sự kiện âm nhạc thể khơi gợi cảm giác nhớ nhung cho khán giả, họ sẽ có xu hướng hành động, có thể bằng cách sẵn sàng chi tiền mua vé ngay từ đầu. Ngay cả trong thời kỳ suy thoái kinh tế, “hoài niệm” vẫn là yếu tố có tác động mạnh mẽ đến hành vi chi tiêu của khán giả. Bởi vì, con người thường có xu hướng chi trả theo cảm xúc cá nhân.
Như “vua bán hàng” Zig Ziglar đã từng chia sẻ:
“People don’t buy for logical reasons, they buy for emotional reasons”
(Tạm dịch: Khách hàng không mua vì họ cảm thấy hợp lý, họ mua vì cảm xúc của họ).
Nắm bắt được tâm lý này, nhiều nhà sản xuất hay đơn vị tổ chức các chương trình âm nhạc đã đưa concept “hoài niệm thanh xuân” làm điểm nhấn thu hút khán giả. Điều này cũng lý giải cho trạng thái “cháy vé” của các sự kiện âm nhạc mang tính hoài niệm như chuỗi liveshow, concert của nam ca sĩ Hà Anh Tuấn, chương trình hòa nhạc tuổi thơ Concert of Childhood Memory, Lễ hội âm nhạc kết nối thanh xuân HAY Glamping Music Festival,…
Trước đó, những chương trình truyền hình như Giai điệu tự hào, Quán thanh xuân, Ký ức vui vẻ, Giai điệu kết nối – My playlist… cũng đã rất được khán giả yêu thích khi dùng âm nhạc để khơi gợi lại cả một bầu trời ký ức.
Trải nghiệm cảm xúc mới qua âm nhạc cũ
Những ca khúc cũ được thể hiện lại luôn có chỗ đứng nhất định nhờ việc khơi gợi cảm xúc hoài niệm, cho khán giả được sống lại với những ký ức một thời. Nhưng để chinh phục người nghe và có chỗ đứng riêng, chất lượng âm nhạc vẫn phải đặt lên hàng đầu. Đây là điều mà tất cả những chương trình, sự kiện âm nhạc đã thành công thu hút khán giả đều chú trọng.
Nhạc sĩ Nguyễn Quang từng chia sẻ, khi làm chương trình “Giai điệu kết nối – My playlist”, để làm sống lại những những bài nhạc trong lịch sử, ê-kíp thực hiện đã dành nhiều tâm sức, tỉ mỉ chọn lọc các nguồn tư liệu tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia II với 14km giá đựng tài liệu, hơn 4.000 đĩa, gần 600 cuộn băng ghi âm và hơn 70.000 phim ảnh và đĩa nhạc từ đầu thế kỷ XIX đến nay…
Ngoài ra, trong nhiều sự kiện âm nhạc hiện nay, các ca khúc của quá khứ đều được mang trở lại trong diện mạo mới, thông qua những bản phối mới. Điều này giúp âm nhạc hoài niệm có thể tiếp cận khán giả trẻ – những người ưa chuộng nhạc đương thời. Trong khi đó, những khán giả thế hệ trước sẽ có thể tìm lại được những kỉ niệm cũ, nhưng với một cảm xúc mới, thời thượng và trẻ trung hơn.
Ví dụ như trong dự án “See Sing & Share” của ca sĩ Hà Anh Tuấn từng gây tiếng vang đầu năm 2017, anh đã thể hiện lại nhiều ca khúc quen thuộc với biên độ thời gian trải rộng nhưNgười tình mùa đông,Tình thôi xót xa,Giấc mơ chỉ là giấc mơ… nhưng với âm hưởng acoustic vừa tạo cảm giác gợi nhớ, vừa mang đến màu sắc hiện đại mới lạ.
Gần đây nhất là HAYFEST – lễ hội âm nhạc quốc tế đình đám đang thu hút sự quan tâm của giới trẻ hiện nay với concept âm nhạc hoài niệm và kết nối thanh xuân. Chỉ riêng trong mùa đầu tiên tổ chức, lễ hội đã thu hút sự tham gia của hơn 10.000 khán giả. Quay trở lại năm nay vào ngày 30/9, HAYFEST tiếp tục mang đến những ca khúc gắn liền với thanh xuân của thế hệ 8x, 9x với dàn nghệ sĩ huyền thoại từ quốc tế đến Việt Nam bao gồm Ronan Keating, Epik High, JustaTee, Suboi. Tuy nhiên, toàn bộ các màn trình diễn đều mang đến các ca khúc với những bản phối mới chỉ dành riêng cho khán giả của HAY.
“Ở HAY, mọi người có thể gặp những thế hệ 8x, 9x, thậm chí có thể là 7x, nhưng tất cả đều tìm thấy thanh xuân của mình đang hiện hữu trên sân khấu. Sẽ không có khoảng cách về tuổi tác hay đam mê với âm nhạc”, anh Linh Nguyễn – Trưởng BTC HAY Glamping Music Festival cho biết.
Có thể thấy, sự thành công của các sự kiện âm nhạc mang tính hoài niệm phần lớn đến từ việc tạo ra một trải nghiệm âm nhạc độc đáo, kết hợp giữa ký ức và hiện tại, đồng thời mang đến môi trường tương tác tích cực cho khán giả cùng tận hưởng âm nhạc và tạo ra những kỷ niệm đáng nhớ.
Backstage News