Hình ảnh hàng nghìn khẩu súng nước nhựa các loại bị vứt bỏ sau 3 ngày lễ hội Waterbomb được lan truyền trên mạng xã hội, tiếp tục dấy lên các thảo luận về tính bền vững của sự kiện này.
Một bức ảnh ghi lại cảnh các nhà hoạt động môi trường thu gom hàng nghìn khẩu súng nước bị bỏ lại sau lễ hội Waterbomb đang lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội, làm dấy lên làn sóng tranh luận về rác thải nhựa tại các sự kiện giải trí.

Vào ngày 7/7, ông Park Jun-seong – Tổng thư ký tổ chức phi lợi nhuận True chuyên tái chế đồ chơi nhựa đã đăng tải bức ảnh trên Facebook cá nhân, kèm theo chia sẻ: “Hàng nghìn khẩu súng nước được sử dụng tại Lễ hội Waterbomb đã đến True”. Trong ảnh, các tình nguyện viên của tổ chức này đang thu gom từng khẩu súng nước bị vứt bỏ ngổn ngang trên mặt đất.
True là một tổ chức môi trường hoạt động trong lĩnh vực thu thập, phân loại và tái chế đồ chơi bằng nhựa do doanh nghiệp và cá nhân quyên tặng. Theo ông Park, số lượng súng nước thu gom sẽ được chia thành ba nhóm: có thể tái sử dụng, có thể tái chế và loại được nghiền thành hạt để sản xuất ván nhựa.
Trên mạng xã hội, ông cũng bày tỏ quan điểm cá nhân về lễ hội: “Tôi không muốn khuyến khích những lễ hội như thế này vì chúng tạo ra quá nhiều rác thải. Nhưng thật khó để chỉ trích việc mọi người tìm cách xả stress và vui chơi giải trí”. Dù vậy, ông vẫn kêu gọi cộng đồng: “Nếu bạn đã tham gia, hãy gửi lại súng nước cho chúng tôi – True sẽ cố gắng hết sức để tái chế và tránh việc chúng bị đem đốt”.

Chia sẻ của ông Park nhanh chóng nhận được sự quan tâm lớn từ cộng đồng mạng tại Hàn Quốc cũng như quốc tế. Nhiều ý kiến tỏ ra bất ngờ trước lượng rác thải nhựa khổng lồ tại sự kiện: “Thật sốc khi mọi người chỉ vứt bỏ súng nước như rác”, “Chỉ chơi nước thôi mà cũng lãng phí như vậy sao?”, hay “Ban tổ chức nên phát và thu lại súng sau lễ hội”.
Lễ hội Waterbomb, ra đời từ năm 2015, là một trong những sự kiện mùa hè tiêu biểu tại Hàn Quốc, đến nay Waterbomb đã trở thành một thương hiệu đi đến nhiều quốc gia. Năm nay, sự kiện “Waterbomb Seoul 2025” diễn ra từ ngày 4 đến 6/7 tại Goyang-si, tỉnh Gyeonggi, thu hút khoảng 25.000 người tham dự.

Tuy nhiên, lễ hội cũng vấp phải nhiều chỉ trích vì tiêu tốn lãng phí lượng lớn nước, tạo ra lượng rác thải nhựa đáng kể cũng như tính an toàn khi tham gia lễ hội. Trước đó, Waterbomb các năm trước đã vướng phải nhiều bê bối, điển hình là lễ hội Waterbomb Osaka 2024 bị huỷ sau khi một nhân viên qua đời vì bị nước từ máy phun nước công suất cao bắn vào đầu với tốc độ 120km/h.
Câu chuyện hàng nghìn khẩu súng nước bị bỏ lại sau lễ hội đang trở thành lời cảnh tỉnh về trách nhiệm môi trường trong các sự kiện giải trí. Để hướng đến mô hình sự kiện bền vững, cần có sự chung tay của ban tổ chức, chính quyền, các tổ chức xã hội và đặc biệt là chính khán giả tham dự.
Waterbomb dự kiến sẽ đến TP.HCM vào tháng 11 năm nay. Liệu các biện pháp giảm rác thải nhựa và tiết kiệm nước sẽ được triển khai để tránh lặp lại những hình ảnh gây tranh cãi?
Backstage News