Đằng sau ánh hào quang của một người nghệ sĩ luôn có một người quản lý đại diện để “soi đường, chỉ lối”. Dù lương cao nhưng nhưng đi kèm với đó là áp lực công việc không hề nhỏ.
Với tính chất nghề nghiệp đặc thù, thời gian của một người quản lý nghệ sĩ dành cho công việc không cố định, có khi phải theo sát nghệ sĩ 24/24.
Quản lý không đơn giản chỉ là người nhận show, sắp xếp lịch diễn mà còn phải định hướng được con đường cho nghệ sĩ. Chỉ cần một quyết định sai cũng gây nên tổn thất nặng nề, khó lường trước.
Để làm quản lý nghệ sĩ, trước tiên bạn phải có kỹ năng giao tiếp và đàm phán tốt. Việc giao tiếp xuất sắc sẽ giúp người quản lý tương tác dễ dàng hơn với nghệ sĩ, đối tác và công chúng. Đồng thời, trong quá trình thương lượng hợp đồng hay các điều khoản khác, kỹ năng đàm phán khôn khéo và cứng rắn sẽ giúp người quản lý bảo vệ lợi ích của nghệ sĩ.
Để giúp nghệ sĩ trở nên nổi tiếng và có nhiều cơ hội phát triển, người quản lý cũng nên có sức sáng tạo và khả năng tiếp thị, từ đó lên kế hoạch quảng bá cho nghệ sĩ qua phương tiện truyền thông cũng như mạng xã hội hiệu quả hơn.
Vậy những công việc cụ thể mà những người quản lý nghệ sĩ là gì?
Nội dung
1. Giám sát các công việc tiếp thị
Quản lý nghệ sĩ có nhiệm vụ đảm bảo rằng hình ảnh công chúng của khách hàng phù hợp với xu hướng hiện tại trong văn hóa đại chúng. Họ đảm bảo rằng việc xây dựng thương hiệu và tiếp thị âm nhạc, merchandise của nghệ sĩ phải được quảng bá nhất quán trên mọi nền tảng và với hình ảnh của khách hàng, do đó tăng cường nhận thức về thương hiệu. Quản lý nghệ sĩ cũng xử lý nhiều trách nhiệm tiếp thị khác, bao gồm liên lạc với các công ty quan hệ công chúng và xác định ngân sách cho các chiến dịch hoặc phát hành âm nhạc trong tương lai.
2. Tạo điều kiện thuận lợi cho mọi khía cạnh pháp lý
Có một số hợp đồng mà các nhà quản lý nghệ sĩ phải đọc kỹ và thương lượng. “Tài liệu cấp cao” nhất mà họ giám sát là hợp đồng phân phối giữa nhạc sĩ và hãng thu âm hoặc công ty phân phối. Thỏa thuận này cho phép các công ty phân phối bài hát cho các cửa hàng. Các tài liệu pháp lý khác mà các nhà quản lý nghệ sĩ thương lượng bao gồm hợp đồng hợp tác, hợp đồng tài trợ, hợp đồng quản lý nghệ sĩ, hợp đồng sự kiện trực tiếp và dịch vụ quan hệ công chúng. Các nhà quản lý nghệ sĩ rất am hiểu các quy định của ngành công nghiệp âm nhạc và có thể hiểu được thuật ngữ pháp lý cũng như cách điều hướng chúng. Họ cũng có thể chỉ định một chuyên gia pháp lý để được tư vấn về cách giải quyết các vấn đề pháp lý.
3. Quản lý sản xuất merchandise
Các nghệ sĩ luôn muốn tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu của riêng mình, không chỉ vì đó là ước muốn của họ mà đó còn là một nguồn thu lớn. Người quản lý nghệ sĩ chịu trách nhiệm liên hệ với nhiều nhà cung cấp hàng hóa khác nhau, đặt hàng và phải nêu rõ các yêu cầu sản xuất như chất liệu, số lượng… điều quan trọng nhất là luôn phải có hàng để bán. Người quản lý nghệ sĩ cũng đảm bảo rằng nghệ sĩ có một nền tảng bán hàng chuyên nghiệp, chẳng hạn như trang web cá nhân của riêng họ, nơi người hâm mộ có thể tiếp cận với sản phẩm dễ dàng.
4. Ngân sách và quản lý tiền bạc
Một số nghệ sĩ âm nhạc không có thời gian hoặc sự nhạy bén trong kinh doanh để quản lý chặt chẽ tài chính của họ. Là một người quản lý nghệ sĩ, bạn chịu trách nhiệm quản lý tài chính của nghệ sĩ và đảm bảo sản xuất âm nhạc, lưu diễn và các chi phí khác nằm trong ngân sách. Một số nhiệm vụ quản lý tiền mà họ thực hiện bao gồm đảm bảo hóa đơn được xử lý, thanh toán đúng cách, theo dõi ngân sách và thống nhất về việc phân bổ quỹ với nghệ sĩ và kế toán.
5. Quảng bá nghệ sĩ với các cơ hội đa phương tiện
Các nhà quản lý nghệ sĩ làm việc với các khách hàng thành công thường giúp họ mở rộng ra khỏi ngành công nghiệp âm nhạc và tham gia vào các lĩnh vực truyền thông khác. Ví dụ, một số ngôi sao âm nhạc có thể xuất hiện trong các bộ phim hoặc chương trình truyền hình hoặc cuối cùng là tổ chức chương trình talkshow của riêng họ. Điều này giúp các nghệ sĩ âm nhạc đa dạng hóa thương hiệu của họ và tiếp cận được nhiều đối tượng mục tiêu hơn.
Ngoài ra, họ cũng sẽ lên các chiến dịch quảng cáo và liên kết tổ chức các buổi ra mắt âm nhạc hoặc quảng bá merchandise.
6. Điều phối, lên kế hoạch tổ chức tour diễn
Đa phần các nghệ sĩ đều muốn tổ chức một tour diễn cho riêng mình, dù quy mô nhỏ hay lớn thì người quản lý cũng phải lên kế hoạch cụ thể từ 6 tháng thậm chí là hơn. Họ cần tìm địa điểm phù hợp với yêu cầu của nghệ sĩ. Nếu nghệ sĩ muốn mở rộng hơn tour diễn ở đất nước khác, họ sẽ liên hệ với những music booking agency để họ có thể thu hẹp phạm vi tìm kiếm. Các nhà quản lý nghệ sĩ cũng trao đổi với các nhà quảng bá và kỹ sư âm thanh địa phương để đảm bảo sự thành công của sự kiện.
Những công việc nhỏ khác như tìm chỗ ở, chỗ ăn cho nghệ sĩ khi đi tour cũng rất quan trọng vì nó sẽ giúp “thân chủ” của mình cảm thấy thoải mái hơn.
7. Bảo vệ hình ảnh của nghệ sĩ
Đây là nhiệm vụ bắt buộc phải làm khi “dấn thân” vào nghề quản lý nghệ sĩ. Những drama, tin đồn thất thiệt luôn rất nhiều và nó cần người quản lý phải có cái đầu lạnh và vô cùng bản lĩnh.
Lấy ví dụ về Taylor Swift, không phải ngẫu nhiên mà “Rắn Chúa” thành công như ở thời điểm hiện nay, mà đằng sau đó là có sự “hậu thuẫn” của một người phụ nữ quyền lực – Tree Paine.
Đối với Swifties, Paine là người phát ngôn được yêu mến nhất. Cùng lúc, cô cũng bị Axios gọi là nhân vật khiến giới truyền thông sợ hãi nhất, với lòng trung thành không thể lay chuyển và ý thức bảo vệ nghệ sĩ ở mức cao nhất.
Suốt 10 năm làm việc chung, Paine nhiều lần bảo vệ Taylor trước scandal. Cô được cho là có 2 tài khoản mạng xã hội, Instagram ở chế độ riêng tư và X (Twitter) được công khai, chủ yếu để đính chính các tin đồn hoặc cáo buộc về nữ ca sĩ tỷ phú.
Vì vậy trong mọi vấn đề xấu xảy ra, người quản lý nghệ sĩ luôn cần phải bình tĩnh để giải quyết hoặc nhất ít nhất là “làm dịu” các vấn đề.
Backstage News
Theo Soundcharts, Master Class