ABBA Voyage cùng công nghệ CGI trong sự kiện, tạo ra hình ảnh “ảo” và những màn trình diễn ánh sáng ngoạn mục đã đánh một dấu mốc đặc biệt, là buổi biểu diễn âm nhạc hiện đại bậc nhất trong năm 2022.
Ngày 26 tháng 5 năm 2022 đánh dấu buổi biểu diễn đầu tiên của ABBA Voyage – Sự kiện âm nhạc của bốn thành viên ban nhạc pop Thụy Điển ABBA xuất hiện dưới hình thức “ảo”, tức trình diễn kỹ thuật số.
ABBA Voyage diễn ra tại một nhà thi đấu được xây dựng dành riêng cho sự kiện có tên ABBA Arena, có sức chứa 3000 khán giả, nằm tại khuôn viên của Công viên Olympic Queen Elizabeth ở London, Vương quốc Anh. Buổi hòa nhạc trực tiếp này có lịch trình tổ chức 8 suất diễn/tuần, diễn ra liên tục tới khi kết thúc vào tháng 5 năm 2024. Vé của sự kiện hiện vẫn đang được bày bán trên website chính thức của sự kiện.
Tổng chi phí sản xuất sự kiện ở mức 140 triệu bảng Anh, tương đương 175 triệu đô la Mỹ. Những hạng mục tốn kém bao gồm công nghệ CGI (ghi hình – xử lý đồ họa chuyển động) và nhà thi đấu ABBA Arena kể trên, có điểm đặc biệt nhất là 3 màn hình LED 2D độ phân giải cao, được thiết kế có khả năng xử lý vận hành tất cả các công nghệ hình ảnh – ánh sáng hiện đại (đơn vị thiết kế – xây dựng là Stufish Entertainment Architects và ES Global).
Sự mạnh tay chi trong sản xuất đã đem lại một kết quả vượt ngoài sức mong đợi cho nhà tổ chức, tới nay, sự kiện luôn trong tình trạng cháy vé. Ngoài ra, sức ảnh hưởng của sự kiện đã thúc đẩy tính đột phá về mặt công nghệ hiện đại trong lĩnh vực giải trí.
Nội dung
Đưa tới hình ảnh ABBA trong thời kỳ hoàng kim bằng CGI
Đứng sau những màn trình diễn công nghệ cao này là Industrial Light and Magic, công ty hiệu ứng đặc biệt do đạo diễn phim bom tấn Star Wars – George Lucas thành lập.
Bốn thành viên nhóm nhạc bao gồm Agnetha Fältskog, Björn Ulvaeus, Benny Andersson, và Anni-Frid Lyngstad (giờ đây đều đã gần 80 tuổi) nhận lời tham gia dự án và được công nghệ biến “ảo” hóa trở thành “ABBAtars” – Phiên bản kỹ thuật số và trẻ hơn của ABBA. “ABBAtars” xuất hiện trong trang phục lộng lẫy – quần satin bó sát, đính cườm và đi bốt, tạo hình này mang hơi hướng quay về những năm 1970, thời điểm hoạt động đỉnh cao của ban nhạc huyền thoại ABBA.
Trong năm tuần làm việc, ê-kíp đã ghi lại chuyển động cơ thể và nét mặt của bốn thành viên bằng 160 camera sắp xếp ở mọi góc độ và một đội gồm 85 người điều khiển hoạt động, những hình ảnh ghi lại sau đó được sử dụng làm điểm tham chiếu để tiếp tục đi vào công đoạn tạo hình.
Tới quá trình xử lý đồ họa, số lượng người thực hiện lên tới 1.000 vị trí chuyên gia về hiệu ứng đặc biệt, họ làm việc ở bốn studio khác nhau để tạo ra kết quả cuối cùng là những hình ảnh chuyển động hiện đại trong ABBA Voyage.
Trong buổi hòa nhạc, các hình ảnh chuyển động đại diện cho 4 thành viên nhóm nhạc xuất hiện dưới dạng 3D, thành quả của quá trình xử lý đồ họa phức tạp. Những hình ảnh 3D này được hiển thị trên hệ thống 3 màn hình 2D hiện đại của nhà thi đấu, có độ phân giải 65 triệu pixel, bên cạnh đó kết hợp cùng ánh sáng và các hiệu ứng khác tạo nên một màn trình diễn và trải nghiệm nghe – nhìn vô cùng chân thực, giúp cho buổi biểu diễn âm nhạc trực tiếp trở nên sống động hơn bao giờ hết với các thành viên ABBA “bằng xương bằng thịt”.
Bên cạnh đó, buổi hòa nhạc có sự tham gia của một ban nhạc gồm 10 thành viên. Được biết, tổng thời lượng của ABBA concert là 90 – 100 phút, bao gồm 22 bài hát mang những giai điệu gắn liền với mọi thế hệ, lứa tuổi, những bài hát này đều lấy từ những bản thu gốc đã công bố của ban nhạc.
Quy mô công nghệ biểu diễn của ABBA Voyage
Ngoài công nghệ CGI, các hiệu ứng kỹ thuật số trong đêm diễn cũng là một yếu tố độc đáo, choáng ngợp và đã gây ấn tượng đối với không chỉ người hâm mộ mà cả giới truyền thông, nhận được nhiều lời khen ngợi từ những nhà phê bình nghệ thuật.
Sự kiện ABBA Voyage có thể đong đếm lên tới số lượng 600 tấn thiết bị, cụ thể bao gồm:
- 500 thiết bị đèn chuyển động moving light kết hợp cùng công nghệ máy chiếu mapping.
- 86 gương gắn LED được setup, sắp xếp treo tạo hiệu ứng thị giác.
- 432 đèn kinetic dạng điểm ảnh nằm dọc được thiết kế treo trên tời có thể kéo thả lên xuống – nằm trên mái đấu trường ABBA Arena (trải dài từ không gian biểu diễn tới vị trí khán giả cuối khán phòng).
- 240 thiết bị âm thanh (tủ loa).
- Hệ thống khung giàn (truss) kết hợp thiết bị chiếu sáng tự động.
- Số lượng lớn thiết bị laser và máy tạo khói.
Tương lai của concert kỹ thuật số “ảo” hiện đại
Ý tưởng cho ABBA Voyage bắt đầu với Simon Fuller, nhà sản xuất American Idol và cựu quản lý của Spice Girls. Fuller lấy cảm hứng trong quá khứ khi được chứng kiến hình ba chiều của Tupac Shakur biểu diễn tại lễ hội âm nhạc Coachella năm 2012, cũng như hình ảnh của Michael Jackson tại Lễ trao giải Âm nhạc Billboard 2014.
Tuy nhiên, một thực tế chỉ ra rằng người tham dự cũng như các nhà quản lý nghệ sĩ đều cảm thấy những buổi trình diễn chỉ có ảnh ba chiều đó vừa nhàm chán và vừa tốn kém, thiếu đi tính giải trí vì sự “không thật” của những màn trình diễn. Chính vì vậy, thay vì tạo ảnh ba chiều, Fuller đã tiếp cận ABBA bằng việc sử dụng công nghệ chụp chuyển động (CGI) để tạo hình đại diện kỹ thuật số cũng như áp dụng nhiều hiệu ứng kết hợp để tạo ra một ABBA Voyage hoàn chỉnh, đem lại trải nghiệm tuyệt vời nhất đối với khán giả.
Theo báo cáo, trong tương lai, các nhà sản xuất của ABBA Voyage, bao gồm Svana Gisla và Ludvig Andersson đang thảo luận để triển khai mở rộng chương trình này tới các thành phố như Las Vegas, New York, Singapore và Sydney. Rào cản lớn nhất khi mở rộng có thể kể tới chi phí khổng lồ đến từ việc xây dựng địa điểm thích hợp cho buổi hòa nhạc, ngoài ra còn phải trả cho công nghệ hiện đại CGI, ghi hình cho các nghệ sĩ khác có nhu cầu tổ chức những buổi hòa nhạc tương tự.
Backstage News
Nguồn tổng hợp